Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao y án đồng Tâm?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm có kết quả là y án sơ thẩm. Lý do: tại kháng cáo kêu oan (?!)

 

Các tài khoản facebook cá nhân của nhóm luật sư tham gia bào chữa vụ án Đồng Tâm ở phiên hình sự phúc thẩm, đã tường thuật chi tiết vụ việc về những điều không hợp lý trong kết tội các bị cáo.

Thế nhưng có một điểm chung mà luật sư nào cũng biết, nhưng lại tin rằng nó sẽ không còn đúng nữa khi Đảng vừa bước vào khóa mới thứ XIII, đó là nếu ‘chống án’ mà vẫn một mực ‘kêu oan’, thì chắc chắn sẽ tuyên y án.

Rất có thể việc tuyên y án này còn nhằm đến chuyện tạo cơ hội để tân chủ tịch nước – nghe nói sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, thể hiện quyền của mình bằng việc ký lệnh ân xá, giảm từ án tử hình sang chung thân.

Cũng rất có thể việc tuyên y án này còn nhằm để tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hay tân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ở nội các chính phủ của Quốc hội khóa XV, chứng tỏ được bản lĩnh nghiệp vụ qua việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án.

Theo đó, Điều 379 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định:

“1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Việc ‘giám đốc’ này theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 372 “Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm”, thì đó là: “Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị”.

Ngay cả trải qua mọi từng nấc ở trên mà vẫn cho kết quả y án, vẫn có thể hy vọng đến ‘kháng nghị thủ tục tái thẩm’.

Dĩ nhiên ở đây có một lưu ý về chuyện ‘trống đánh xuôi – kèn thổi ngược’, đó là về giới hạn đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có những điểm giống với Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, mặc dù không giới hạn đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng lại bị ràng buộc bởi khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, “quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.

Quy định này của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 không phù hợp với tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nhất là khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã dành một chương XXVII để quy định thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Vì vậy, đối tượng của thủ tục giám đốc thẩm cần bao gồm cả quyết định giám đốc thẩm và tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt trong trường hợp vì lợi ích pháp luật, cần phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo việc áp dụng pháp luật chính xác, thống nhất hoặc trường hợp minh oan cho người bị kết án.

Thật ra thì trên mọi phương án, chỉ cần mỗi một động tác sau đây thôi là có thể đưa vụ án Đồng Tâm sáng tỏ mọi việc như những gì mà nhóm luật sư đã tranh tụng, đó là ‘ý kiến của đồng chí Tổng bí thư’, hoặc ‘ý kiến của Thường trực Ban bí thư’.

Còn ‘ý kiến’ này của đồng chí Tổng bí thư, đồng chí Thường trực Ban bí thư cần thế nào để trúng sự thật, trúng pháp luật và quan trọng hơn là đúng lòng dân…, thì có lẽ không cần cụ thể biên ra ở đây, vì rất dễ bị quy chụp đang xem thường nền tư pháp độc lập xã hội chủ nghĩa.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai dám nói nghịch?

Do Van Tien

VNTB – Lượng hình thế nào khi xét xử?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Công lý cho xã hội sau vụ tấn công Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo