Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam ảnh hưởng thế nào khi FED tăng lãi suất?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Lãi suất USD tăng đang tạo ra áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.

 

FED vừa quyết định nâng lãi suất thêm 0,5% nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát vốn đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 40 năm. Đây cũng là bậc tăng lãi suất cao nhất của ngân hàng trung ương sau 22 năm qua.

Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System – FED) hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Bắt đầu hoạt động năm 1913 theo “Đạo luật Dự trữ Liên bang” của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 23 tháng 12 năm 1913.

Đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, FED có các vai trò: Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn; Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng; Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính; Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.

Hồi tháng 3 năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có lần nâng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2018 với 0,25 điểm %.

Tác động của quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ mang tính lan tỏa trong nhiều lĩnh vực và cả bên ngoài biên giới của Mỹ.

Đầu tiên là chi phí trả nợ cao hơn. Khi lãi suất tăng, người đi vay phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán khoản tín dụng và các ngân hàng trở nên khắt khe hơn trong việc cung cấp khoản vay. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh sản xuất – đây có thể là tác động tích cực ở những nước đang mong muốn hạ nhiệt hoạt động kinh tế về mức vừa phải.

Tuy nhiên, ngược lại, tình trạng này làm tăng áp lực đối với các thị trường mới nổi có mức nợ công cao.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhiều quốc gia sẽ cần được giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ sau khi nợ công tăng cao trong đại dịch Covid-19.

Thứ hai là áp lực đối với thị trường tài chính. Viễn cảnh ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất và hoạt động kinh tế chậm lại đã gây áp lực lớn đối với các thị trường tài chính.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây, do lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có nghĩa là người tiêu dùng sẽ giữ tiền mặt thay vì chi tiêu nhiều hơn, làm giảm thu nhập doanh nghiệp trong khi chi phí đi vay lại tăng lên.

Trong một nhận xét dè dặt, một chuyên viên kiểm toán cho rằng việc FED tăng lãi suất có thể không gây tác động quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Có ba luận điểm lý giải cho nhận định này:

Thứ nhất, không bàn về việc phe nhóm đang lũng đoạn, thì sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp và sự gia nhập mạnh mẽ từ cộng đồng nhà đầu tư cá nhân.

Việc FED tăng lãi suất sẽ tác động tới dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam sẽ không đủ mạnh để tác động tiêu cực tới thị trường. Thay vào đó, nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt.

Thứ hai, thời kỳ hậu dịch giã, nhờ các chính sách kinh tế đang điều chỉnh có hiệu quả, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được cho là trong tầm kiểm soát, qua đó không tạo ra áp lực để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định tăng lãi suất.

Tuy nhiên việc lãi suất USD tăng đang tạo ra áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của Việt Nam trong năm nay.

Theo đó, năm 2022, Chính phủ Việt Nam sẽ trả nợ 335.815 tỷ đồng với thời giá trước khi FED có quyết định điều chỉnh lãi suất, tương đương là 14,6 tỷ USD, ít hơn năm ngoái, trong đó 89% là nợ gốc, còn lại là các dự án cho vay lại. Và điều đó có nghĩa USD lên giá sẽ tạo sức ép lên tỷ giá USD/VND, điều này kéo theo chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lợi ích nhóm y tế?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Kinh tế Việt Nam càng ảm đạm hơn ở quý cuối năm 2022

Do Van Tien

“Tư nhân hóa báo chí” có gì xấu để cần phê phán?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo