Lynn Huỳnh
(VNTB) – Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phát ngôn nào liên quan đến việc bảo hộ công dân Việt tại Ukraine nếu như chiến sự xảy ra.
Bên “miệng hố chiến tranh”?
Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-2, Chính phủ Anh khuyến cáo công dân nên rời Ukraine ngay khi các phương tiện chuyên chở còn sẵn có, và kêu gọi người dân không nên đến Ukraine lúc này. Đại sứ quán Anh vẫn sẽ mở cửa, song sẽ không thể hỗ trợ các dịch vụ lãnh sự trực tiếp để giúp công dân rời Ukraine trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Anh cũng yêu cầu công dân đang ở Ukraine đăng ký thông tin để được cung cấp những hướng dẫn mới nhất.
Vẫn theo Reuters, đến ngày 12-2, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết công dân Úc tại Ukraine nên rời đi càng sớm càng tốt do tình hình ở đó đang ngày càng nguy hiểm. “Khuyến nghị của chúng tôi rất rõ ràng, đây là tình huống nguy hiểm. Các bạn nên tìm cách rời Ukraine”, ông Morrison nói.
Nhật Bản cũng hối thúc công dân sơ tán khỏi Ukraine và không nên đến đây vì “bất cứ lý do nào” lúc này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể giữa cuộc khủng hoảng an ninh được xem là lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập niên.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phát ngôn nào liên quan đến việc bảo hộ công dân Việt tại Ukraine nếu như chiến sự xảy ra. Tuy nhiên trong một động thái được cho là liên quan, tin tức cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu đối với những trường hợp không thể về nước qua đường bay thương mại, thì phía Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chủ trương, biện pháp bảo hộ, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước, nhất là từ các địa bàn hiện vẫn còn nhiều công dân Việt Nam đang “mắc kẹt” và nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể để thống nhất triển khai.
Người Việt ở Kiev vẫn yên bình, thanh nhã thưởng tranh (!?)
Tuy nhiên tin tức công khai từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thì dường như mọi chuyện không quá căng thẳng như báo chí liên tục cập nhật.
Theo đó, chiều ngày 10-02-2022 tại thủ đô Kiev, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã phối hợp với Hội Họa sĩ toàn Ukraine trực thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin của Ukraine tổ chức khai mạc triển lãm tranh về đề tài Việt Nam do các họa sĩ Ukraine sáng tác nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ukraine (23/01/1992 – 23/01/2022).
Tham dự buổi lễ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Kiev, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, Quốc hội Ukraine ông Yenheniy Vadymovych Bragar, đại diện các bộ ban ngành có nhiều hợp tác với Việt Nam, chính quyền thành phố Kiev, Chủ tịch Hội Họa sĩ Ukraine ông Cherniavskyy Kostiantyn Volodymyrovych, Phó Chủ tịch điều hành Quỹ Văn hóa Gorchakov ông Andrey Gorchakov cùng các họa sĩ Ukraine có tranh tham gia triển lãm.
Triển lãm nghệ thuật được mở cửa cho công chúng tham quan miễn phí từ ngày 10 – 27/02/2022 tại trụ sở của Hội Họa sĩ Ukraine, số 1-5 Sichovykh Striltsiv, thành phố Kiev. Sau đó, triển lãm sẽ được tổ chức tại các thành phố lớn khác của Ukraine trong cả năm 2022.
Thế lưỡng nan an ninh
Dường như sự bình yên trên không khỏa lấp được nỗi sợ hãi âm ỉ từ rất lâu rồi.
Hôm 10-2-2022, bài báo có tựa “Ukraine mất 280 tỷ USD trong sáu năm chiến tranh với Nga – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh của Mỹ” đăng trên trang Gordon, cho hay các nhà phân tích ước tính, chỉ riêng việc Nga chiếm Crimea trong năm 2014 đã tiêu tốn của nước này tới 58 tỷ USD. Cuộc chiến ở Donbass đã cướp đi tổng cộng 102 tỷ USD của Ukraine.
Xung đột đang diễn ra đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Ukraine. Vì điều này, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế đất nước giảm sút, dẫn đến việc mất các khoản đầu tư lên tới 72 tỷ USD, tương đương 10,3 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, sự sụt giảm liên tục trong xuất khẩu của nước này đã dẫn đến tổng thiệt hại lên tới 162 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2020.
Tài chính khu vực công của Ukraine cũng bị ảnh hưởng, với khoản thu thuế bị mất lên tới 48,5 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2020. Kết hợp với khoản chi tiêu quân sự bổ sung ước tính lên tới 14,9 tỷ USD, vốn không cần thiết trong trường hợp ngược lại. Giới quan sát cho rằng Ukraine có thể đã chi tới 63,3 tỷ USD cho các hoạt động phi quân sự trong giai đoạn này nếu không có cuộc chiến ở Donbass.
Sẽ thật đáng sợ khi phải tính đến viễn cảnh về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Ukraine. Nếu Nga xâm lược, hàng nghìn người có thể chết. Nhiều người khác có thể phải rời bỏ quê hương. Thiệt hại kinh tế sẽ rất nghiêm trọng, thiệt hại nhân đạo là vô cùng tàn khốc.
Trong một tin tức đáng chú ý khác, trong ngày 12-2-2022, Tổng thống Zelensky đe dọa sa thải Tỉnh trưởng Odessa Sergei Grenheveski và một số đồng nghiệp của ông do chuẩn bị không tốt đối với khả năng bị đe dọa. Vấn đề này được nêu ra trong thời gian của phiên họp của Hiệp hội các chính quyền địa phương, diễn ra tại Kharkov.
Theo báo cáo của Tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine Valeri Zaluznưi, tình trạng chuẩn bị không tốt đối với khả năng bị đe doạ tại Odessa, Kyiv, Mariupol và tỉnh Rivno. “Tôi muốn nói với lãnh đạo của các tỉnh nói trên, các vị có 2 tuần để hoàn thành tất cả mọi công việc, không ứng biến. Hãy tham vấn với các nhà quân sự, theo luật về chống trả Quốc gia. Trong 2 tuần, hãy hoàn thành công việc, chúng ta không có thời gian. Trái lại, sẽ có quyết định về khâu cán bộ” – tuyên bố của Tổng thống Zelensky.
“Tính đến ngày 11-2, Ukraine nhận 25 chuyến máy bay cùng với hàng viện trợ quân sự từ các đối tác Phương Tây” – thông báo của Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Aleksei Danhilov, cho biết như vậy. Và ông nêu rõ, câu hỏi trợ giúp kỹ thuật quân sự cho Ukraine được xem xét bí mật tại phiên họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine. Các thành viên của phiên họp nghe các báo cáo của: Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba, Bộ trưởng Tài chính Marchenko, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng -Tướng Gavrilov.
Trước thềm phiên họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznhikov thông báo, “15 máy bay cùng với hơn 1.200 tấn hàng viện trợ quân sự của Mỹ đã tới Kyiv. Hôm nay từ Mỹ, thêm lô hàng 90 tấn trợ giúp quân sự tới Kyiv”.
‘Bàn cờ Ukraine’ của các cường quốc
Căng thẳng ở Ukraine thể hiện một điều cốt lõi trong quan hệ quốc tế rằng chính trị của sức mạnh vẫn không hề mất đi, dù cho thế giới đang ngày càng phẳng hơn do hệ quả của toàn cầu hóa.
Sức mạnh của các nước lớn cất tiếng nói cũng chứng minh các biện pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine không hiệu quả trong gần ba thập niên qua. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 quy định Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng chủ quyền, biên giới hiện có và độc lập của Ukraine theo Đạo luật cuối cùng của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như không sử dụng bất kỳ vũ khí nào chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trừ khi vì mục đích tự vệ và trong các trường hợp khác theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Putin luôn cho rằng chính quyền Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk I và II ký vào năm 2014, 2015 nhằm chấm dứt xung đột giữa chính quyền Kiev và các nhóm ly khai gốc Nga ở phía Đông Ukraine.
Quan điểm của phương Tây thì cho rằng nước Nga luôn là một nhân tố bất ổn đối với sự ổn định ở khu vực châu Âu. Chính sách an ninh tập thể với việc mở rộng NATO về phía Đông sẽ giúp cho các quốc gia nhỏ sát với Nga cảm thấy an toàn hơn. Mỹ và các quốc gia châu Âu đồng minh cho rằng họ có quyền làm điều đó khi nước Nga không còn là một thế lực quan trọng như trước đây.
Chính trị của các nước lớn sẽ tiếp tục định hình khu vực châu Âu và thế giới trong những năm tới.