Mai Lan
(VNTB) – Chiến tranh Nga – Ukraine sẽ khiến lạm phát của Việt Nam dao động từ 3,58% đến 3,8% và tệ nhất là lên 4,18% nếu giá dầu lên 105 USD một thùng.
Ông Lại Lâm Anh – Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, ở góc độ vi mô, giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng như phân bón, sản phẩm hóa chất, than đá… Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, trong đó là các ngành như nông sản, lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp…
Khi lạm phát trên toàn cầu tăng sẽ làm cho tiêu dùng vốn đang phục hồi yếu ớt bị thu hẹp lại, sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ giải ngân các gói phục hồi kinh tế của Việt Nam nếu như chậm chạp không có biện pháp ứng phó chủ động.
Bà Nguyễn Hoài Thu – giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital – đưa cảnh báo đến nhà đầu tư về rủi ro lạm phát. Cụ thể, ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng rủi ro đề cập phía trên không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của các doanh nghiệp thuộc ngành có lợi thế cạnh tranh bền vững và hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Việt Nam như: ngân hàng, khu công nghiệp, dịch vụ nội địa và hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, hàng hải và năng lượng).
Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan.
Hai nước này cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam, nên Việt Nam không quá lo lắng chuyện bị cắt ra khỏi SWIFT, đang khiến việc buôn bán giữa Nga và các nước bị ảnh hưởng, chậm đi thì đồng rúp của Nga cũng có nguy cơ bị mất giá.
Tuy vậy, xung đột cộng với cấm vận sẽ khiến việc giao hàng giữa xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga bị chậm, chi phí vận chuyển tăng mạnh, làm tăng chi phí. Ngoài ra, tỷ giá cũng bị ảnh hưởng. Khi đồng Rúp mất giá cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn thu và ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nga đứng vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng. Hiện số dự án Nga đầu tư vào Việt Nam là khoảng 150 dự án. Từ các số liệu trên cho thấy, tác động trực tiếp về mặt kinh tế giữa Việt Nam với các nước này không lớn.
Tuy nhiên, Ukraine và Nga hiện chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì, 19% sản lượng ngô và 80% dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Saudi Arabia với tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Nga và Ukraine dẫn đầu về sản xuất kim loại như niken, đồng và sắt trên toàn cầu.
Từ số liệu trên, cho thấy trong dài hạn các lệnh trừng phạt của các nước với Nga cũng như bất ổn tại Ukraine sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới kinh tế Việt Nam thông qua giá cả hàng hóa tăng.