Kỳ Lâm (VNTB) Sau quyết định khởi tố, số phận của nhà báo Lê Duy Phong có thể sẽ tiếp tục nối gót nhà báo Hoàng Khương (Tuổi Trẻ) – người vốn bị truy tố và kết án 4 năm tù giam vì loạt bài phản ánh mạnh mẽ thủ đoạn ăn bẩn của CSGT TP. Hồ Chí Minh.
Từ Blogger bị đàn áp
Thực trạng blogger Việt Nam liên tục bị Chính phủ đàn áp nhằm bịt miệng trước những vấn đề mà Chính phủ chưa hoặc không cho phép lên tiếng.
Trong một phóng sự của mình, trang tin Al Jazeera, cho biết, sau năm 1975, ĐCSVN đã kiểm soát tuyệt đối các phương tiện truyền thông, nhưng khi mạng xã hội ra đời, nó đã thách thức sự độc tôn đó. Và đến nay, việc đàn áp, đe dọa, bắt bớ, kỷ luật những blogger đã diễn ra thường xuyên hơn, chỉ tính riêng năm ngoái 18 blogger và nhà hoạt động đã bị bắt giam.
Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nóng số người sử dụng internet và lượng truy cập mạng xã hội Facebook gắn với điện thoại di động đang ngày càng nhiều lên.
Blogger Nguyễn Văn Hải chia sẻ với Al Jazeera rằng, ở Việt Nam, những câu chuyện như tham nhũng, lạm dụng quyền lực bởi quan chức địa phương hay những cái chết trong đồn công an là các chủ đề bị cấm. Và blogger chính là yếu tố sẵn sàng thông tin những vấn đề như vậy.
Blogger độc lập càng lên tiếng và phản ánh các vấn đề nóng thì Nhà nước lại càng tấn công mạnh mẽ hơn. Và trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Facebook để đi đến một thỏa thuận “phối hợp hạn chế các tài liệu trái pháp luật”.
Điều đó cho thấy rằng, Nhà nước Việt Nam đã và đang sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn blogger, yếu tố được cho là ảnh hưởng đến quyền lực của Đảng.
Đến nhà báo bị bẫy
Tuần vừa qua, một nhà báo tên Lê Duy Phong (báo Giáo dục) đã bị công an bắt quả tang vì nhận tiền của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Vấn đề sẽ không có gì đang nói nếu như ông Lê Duy Phong không phải là cây bút điều tra nhiều vụ việc tại Yên Bái, “trong đó có vụ việc liên quan đến giám đốc Công an tỉnh”. Tổng biên tập báo Giáo dục đã phải lên tiếng về sự khách quan khi đề cập đến việc: công an tỉnh lại trực tiếp bắt giữ, điều tra người từng có bài điều tra liên quan đến giám đốc Công an tỉnh.
Sự việc càng rắc rối hơn khi một người cũng ngồi trong bàn nhậu đó bày tỏ rằng, khi ông Lê Duy Phong đang ở Hà Nội thì nhận được một cuộc điện thoại của một người bạn “đồng nghiệp” (đang công tác ở Đài Truyền hình Yên Bái) gọi liên quan đến một doanh nghiệp Yên Bái. Trong cuộc nhậu, thì bạn “đồng nghiệp” liên tục chuốc say ông Lê Duy Phong, trong khi “doanh nghiệp” lại đẩy tiền vào, và ngay khi đó thì công an ập tới “bắt quả tang”.
Tường trình của một người trong buổi nhậu định mệnh của nhà báo Lê Duy Phong |
Yên Bái đang là tâm điểm của các vụ việc liên quan đến “đạo đức nô bộc”, trong đó có biệt phủ rộng hàng ngàn m2, và nếu vụ việc này bị báo chí theo đuổi đến cùng thì Bí Thư tỉnh ủy, Giám đốc Sở TN&MT (em Bí thư) và ông Giám đốc CA tỉnh sẽ bị kỷ luật.
Đây có phải là hình thức “bắt người” để thương lượng theo phương cách “rung cây dọa khỉ” không? Điều này chưa biết, nhưng ngay khi bài viết này đang được tiến hành, thì đã có một công văn hỏa tốc can thiệp sự vụ theo hướng “giải cứu nhà báo”, tuy nhiên đã thất bại.
Dù chưa có quyết định khởi tố, tuy nhiên số phận của nhà báo Lê Duy Phong sẽ tiếp tục nối gót nhà báo Hoàng Khương (Tuổi Trẻ) – người vốn bị truy tố và kết án 4 năm tù giam vì loạt bài phản ánh mạnh mẽ thủ đoạn ăn bẩn của CSGT TP. Hồ Chí Minh.
Cựu phóng viên Thanh Niên – nhà báo Nguyễn Hoài Nam trong một chia sẻ trên Facebook đã nhấn mạnh phải cảnh giác khi “chơi” với Công an. Trong đó ông dẫn ra hai trường hai phản ánh sự sai trái của giới công an đều bị tìm cách đặt bẫy bằng tiền. Trong đó, trường hợp của cá nhân ông là vào năm 2012 từ loạt bài điều tra của mình đã khiến, “15 Công an TPHCM phơi áo, trong đó có 2 Trưởng quận, 2 Phó quận, 2 Đội trưởng bị kỷ luật, còn lại 7 bị tước quân tịch khai trừ đảng 1 bị hạ 2 cấp (1 đội truỏng 1 đội phó), 1 đi tù.” Vào năm 2013, ông được “nhiều người lạ mặt gọi điện thoại thiết tha nhờ giúp, nhiều Giám đốc DN muốn nhờ vụ việc và sẽ bồi dưỡng”.
Điều đó cho thấy, nhà báo Việt Nam dù liên tục được trấn an là không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng và tiêu cực của đội ngũ quan chức. Nhưng với việc gài bẫy những phóng viên – nhà báo có các bài viết chống tiêu cực, và áp dụng nhanh chóng hành vi áp dụng truy tố, bắt giam đã cho thấy mức độ đàn áp tự do báo chí và nhà báo ngày càng có thủ đoạn tinh vi hơn.
Kết
Dù ở những vị trí khác nhau, nhưng vai trò của Blogger hay nhà báo là bộ phận tiên phong trong phản ánh các tiêu cực trong xã hội cũng như nạn lạm quyền lực trong cơ chế chính trị. Tuy nhiên, cũng chính vì tính chất “vùng cấm”, khi lợi ích nhóm ăn chia với nhau trong một “cái bình”, khiến cho nhà báo hay blogger phải đổi sự tự do để lấy ngòi bút thẳng. Và sự đàn áp còn nhiều, nhà báo – blogger càng bị tống giam, lại càng cho thấy một xã hội với các giá trị tự do – nhân quyền và sự cân bằng giữa cơ chế quyền lực chính trị – báo chí truyền thông và người dân trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Và bản án dành cho các nhà báo, blogger đấu tranh chống tiêu cực sẽ là những bản án “bất công và đáng hổ thẹn”.