Nguyễn Thiện Nhân (VNTB) Thực tiễn, ở các lĩnh vực phi chính trị có sự cạnh cạnh giữa những tờ báo quốc doanh. Tuy nhiên, lĩnh vực chính trị bị kiểm soát chặt, một sự kiểm duyệt kiểu mới. Những đảng viên được đảng cầm quyền chọn lọc đưa lên lãnh đạo các tờ báo và đài truyền hình sau khi quán triệt tư tưởng đảng và bị chỉ đạo xuyên suốt nhằm đảm bảo những tin tức đăng tải không trái đường lối, chủ trương của nhà cầm quyền.
I. Khởi đầu sự đấu tranh cho tự do báo chí ở Việt Nam
Với tư tưởng “khai dân trí”, năm 1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”, và đã gây được tiếng vang.
Năm 1920, tại đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã Hội Pháp, Hồ Chí Minh (HCM) phát biểu: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”.
Năm 1924, HCM viết như sau: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập và do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu đọc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có 3-4 tờ đấy”.
Báo Dân Chúng ra đời vào năm 1938. Trụ sở báo Dân Chúng đặt tại số 43 đường đường Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm), Sài Gòn.
Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng ra số báo đầu tiên. Ngày 7/9/1939, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh đóng cửa báo Dân Chúng. Báo Dân Chúng đã ra 81 số.
Có thể nói dưới thời thực dân Pháp, Pháp cho phép một tờ báo đối lập hoạt động xuất bản báo giấy có trụ sở rõ ràng và được cấp phép hẳn hoi sau 1 tháng ra đời và đã có hơn một năm hoạt động trước khi bị đóng cửa.
II. Việt Nam giai đoạn 1975-2015 chưa có tự do báo chí
Căn cứ vào đâu để xác định một đất nước có tự do báo chí hay không? Xin trích dẫn lại lời HCM: “Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập và do bọn tay chân điều khiển”.
So sánh với nền báo chí hiện nay tại VN, chúng ta thấy rằng VN chưa hề có tự do báo chí bởi tất cả 849 cơ quan báo chí và 66 đài truyền hình tại VN đều là báo “do chính quyền thành lập” và “do bọn tay chân điều khiển”, chưa có một tờ báo nào “về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác”!
Những gì HCM đấu tranh cho tự do báo chí cách nay gần một thế kỷ nay đã bị chính hậu duệ của ông tức là đảng CSVN ngày nay tước đoạt của dân nhằm tuyên truyền một chiều, bưng bít thông tin và bẻ cong sự thật hòng giữ quyền độc tôn thống trị VN vô thời hạn.
Thực tiễn, ở các lĩnh vực phi chính trị có sự cạnh cạnh giữa những tờ báo quốc doanh. Tuy nhiên, lĩnh vực chính trị bị kiểm soát chặt, một sự kiểm duyệt kiểu mới. Những đảng viên được đảng cầm quyền chọn lọc đưa lên lãnh đạo các tờ báo và đài truyền hình sau khi quán triệt tư tưởng đảng và bị chỉ đạo xuyên suốt nhằm đảm bảo những tin tức đăng tải không trái đường lối, chủ trương của nhà cầm quyền.
Ngày báo chí VN 21/6/2012, Bộ trưởng công an Trần Đại Quang đã cảnh báo báo chí không được xa rời mục tiêu chính trị và bỏ quên việc ‘định hướng dư luận xã hội’. Ông này nhắc nhở báo chí phải “Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự” .
“Báo chí công an nhân dân cần tích cực tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng… phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”
Lời của một ông tướng nắm quyền ‘bắt bớ, giam giữ, điều tra’ để chuyển qua tòa án ‘xử tội’ những ai làm trái thì khó có lãnh đạo tờ báo nào dám chống lại.
Như vậy báo chí không những bị áp đặt tư tưởng chính trị mà còn bị ép làm công cụ tuyên truyền đường lối của Đảng
Những nhân sự có tư tưởng đổi mới hay chỉ trích chính quyền hay cố phơi bày cái xấu của Đảng sẽ dần dần bị loại khỏi hàng ngũ. Những sự kiện “nhạy cảm” nổi cộm phải có chỉ đạo từ Đảng để xem xét cho đăng hay không hoặc tóm gọn, gọt dũa, thậm chí bẻ cong nó rồi mới đăng tải.
Ví dụ 1: tin tức về biều tình (2011) chống Trung Quốc xâm lược lúc thì không đăng, lúc thì đăng cực ngắn với những từ ngữ đã bị “làm nhẹ” đi như từ “biểu tình” được viết thành “tụ tập”, thông tin đăng tải không phản ánh được mức độ, màu sắc của sự kiện.
Ví dụ 2: Tin tức về cưỡng chế ở Tiên Lãng thì được tự do đăng tải, nhưng ở các vụ sau đó như cưỡng chế ở Văn Giang, Vụ Bản thì không đăng!
Ví dụ 3: Các tờ báo lớn đăng tải diễn biến cuộc đình công của công nhân Pouyuen Bình Tân từ 26/3 đến 31/3/2015 nhưng ngày khốc liệt nhất là ngày 1/4/2015 thì lại không đăng! Thay vào đó báo chí tập trung đăng tin các cơ quan của chính phủ họp và đồng ý kiến nghị quốc hội sửa luật.
Sự kiểm duyệt báo chí rất tinh vi của Đảng CSVN khiến nhiều thông tin bị bưng bít, đa số dân chúng không biết tin. Trong khi các tin tức phi chính trị thì đầy ắp các trang báo. Nhiều thông tin bị bẻ cong, đăng sai sự thật trên các báo nhất là báo QĐND, CAND,… Điều này gây ngộ nhận cho đa số người dân trong nhận thức chính trị, lĩnh vực vốn bị Đảng CSVN nhồi sọ học sinh, sinh viên suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Mặc dù Hiến Pháp cho tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng đó mới chỉ “báo chí cách mạng Việt Nam”, ngôn luận ở đây là nói theo chỉ đạo của đảng. Lưu ý, mặc dù VN đã tham gia Hội đồng nhân quyền LHQ; ký Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự nhằm thực thi quyền này, nhưng thực tế thì những người cầm quyền thông qua hệ thống công an, tòa án đã bất chất pháp luật chà đạp quyền này của người dân. Nhiều những nhà bất đồng chính kiến phải vào tù vì họ yêu cầu cải cách chính trị với mong muốn đa nguyên đa đảng…
Như vậy tự do báo chí chưa hề có kể từ khi chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước (1975) đến nay. Một điều tồi tệ hơn cả thời thực dân Pháp.
III. Kết luận
Đảng độc tài thì bao giờ cũng ra sức giữ quyền lực. Để giữ quyền lực độc tôn thì họ phải nắm trọn truyền thông, báo chí.
Nhưng xu hướng văn minh tiến bộ của nhân loại không cho phép điều đó. Đảng CSVN không thể thao túng mọi thứ cho lợi ích của mình.
Nhân dân cần biết sự thật, cần được đọc và nghe những thông tin đa chiều. Do đó, cần có báo chí tư nhân. Rộng hơn, đó chính là tự do báo chí.
Tham khảo:
Tham luận tại Hội thảo “Việt nam: Tự do cho báo chí” do Hội Nhà báo độc lập VN tổ chức tại Sài Gòn ngày 3/7/2015