Minh Trí – Ngọc Thịnh
(VNTB) – “Định hướng” chỉ duy nhất có mỗi con đường “Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản”, để rồi không cho người khác góp ý… thì chẳng khác gì sự độc tài của một chủ thuyết.
Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản”. (Trích giáo trình của khoa Dân vận, trường Chính trị ở các địa phương).
Như vậy, với giới hạn trong khung “Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản”, đã khiến cho giáo dục ở miền Bắc từ 1945 đến nay, và miền Nam trong 40 năm qua tiếp tục hết đợt cải cách này đến lượt cải cách khác, mà Việt Nam vẫn chưa có được sự tôn trọng của tiếng nói cá nhân. Đây cũng là hệ quả tất yếu của giáo dục định hướng chủ nghĩa xã hội – như lời phát biểu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ những lúc còn chập chững dưới mái trường tiểu học, phổ thông, không ít học sinh được giáo dục theo cung cách “thầy bảo sao – trò nghe vậy”. Lẽ hiển nhiên, cũng không phải ai cũng như thế. Tuy nhiên, tình trạng nếu trò nói ngược lại ý thầy, trò bị thầy ghét, thầy cho ít điểm là chuyện thường… Đây cũng là một “định hướng” để giúp nhà trường luôn bảo đảm thành tích cao trong những cuộc thi đua do cấp trên ấn xuống.
“Nhớ lúc trước, năm lớp 11, trúng thầy giáo dạy Văn nhưng lại viết sai… chính tả. Những chữ đơn giản, hầu như là thầy sai. Mình góp ý riêng với thầy. Sau đó, thầy có dấu hiệu ghét ra mặt và cũng từ đó, bài kiểm tra của mình không qua khỏi con 5…”. Bạn T. – sinh viên trường Nhân Văn nhớ lại và chia sẻ…
Dường như cái thói quen đó đã “ăn sâu” nên lên đại học, không ít bạn sinh viên vẫn giữ thái độ cũ. “Tưởng rằng môi trường đại học sẽ khác đi, nhưng không ngờ gặp lại những… tình huống cũ. Một số giảng viên khuyến khích sinh viên tư duy theo cái tôi của mình, không lệ thuộc vào người khác, nhưng cũng có người lại khéo léo “gò” sinh viên theo quan điểm của mình thông qua điểm số. Chưa hết đâu, có một số sinh viên còn mang cái tôi cá nhân quá cao, ghen tị quá mức. Mình được bầu làm nhóm trưởng, biên tập bài và lựa chọn bài đưa vào tiểu luận. Đôi khi, có một số bài gửi, mình đọc, thấy rõ là sao chép 100% trên mạng hoặc bài đó viết đó lạc đề, gửi quá trễ… mình bỏ hết. Cuối cùng bị người ta nói sao mình lại cắt, bỏ bài của người ta? Mình giải thích thì không chấp nhận, thậm chí không thèm nghe”. Bạn T. chia sẻ.
Ra trường, sinh viên nào cũng lo đi tìm công việc. Vì chén cơm, nhiều sinh viên chấp nhận với một cái nghề không liên quan với ngành vừa tốt nghiệp. Nhưng cũng có nhiều người kiên nhẫn, chấp nhận đúng nghề đã học, bất chấp thu nhập thấp hơn so chọn nghề khác. Lại sốc, vì không ít những bạn ấy không được nói lên tiếng nói chính mình. Họ góp lên những ý tưởng phát triển, cống hiến những gì mà cá nhân đeo đuổi suốt mấy năm trên giảng đường, để rồi luôn bị phủ nhận. Bạn U. lắc đầu: “Giờ cả môi trường theo nếp đó rồi. Mình chỉ là một que diêm nhỏ, đốt cũng cháy đó. Nhưng sau đó thì sao? Có cải thiện được gì đâu? Có những người nản, xuôi theo dòng nước. Còn những người tiếp tục thì cứ bị chèn ép, phủ nhận tiếng nói. Cũng có trường hợp không dám lên tiếng chỉ vì “vuốt mặt nể mũi”. Đồng ý là trẻ người non dạ, nhưng người trẻ có ý tưởng và nhiệt huyết của người trẻ chứ. Và không thể buộc người ta là rô bốt…”.
Tựu trung lại, “định hướng” chỉ duy nhất có mỗi con đường “Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản”, để rồi không cho người khác góp ý… thì chẳng khác gì sự độc tài của một chủ thuyết. Và cứ như vậy thì làm sao Việt Nam có thể kịp “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như giấc mơ hồi nào của người khai sinh Đảng Cộng sản Việt Nam.