Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam chưa tham gia công ước về người tỵ nạn, nhưng UNHCR đã có mặt tại Hà Nội

Đông Đô

(VNTB) – Việt Nam đã gia nhập Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), vào ngày 24/9/1982. Tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn đứng bên lề Công ước về Quy chế của người tỵ nạn.

 

Nói như vậy song trên thực tế thì Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR, United Nations High Commissioner for Refugees), với Cơ quan điều hành của UNHCR là Hội đồng Chấp hành gồm 64 nước thành viên (Executive Committee). Trụ sở chính của UNHCR đặt tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cuối năm 2019, do UNHCR tái cấu trúc, Văn phòng UNHCR khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển trụ sở từ Geneva, Thụy Sỹ sang Bangkok, Thái Lan. Hiện tại thì UNHCR thu hẹp hoạt động tại Việt Nam, và dừng ở mức lập văn phòng liên lạc, thay cho văn phòng đại diện như trước đó.

Theo tài liệu được lưu trữ trong chuyên mục “Hệ thống tư liệu – văn kiện Đảng” của Ban Tuyên giáo Trung ương, thì hoạt động của UNHCR tại Việt Nam có thể tóm lược như sau:

UNHCR bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 1974 và đặt cơ quan đại diện năm 1975. Từ đó đến nay UNHCR đã tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo giúp đỡ Việt Nam thông qua những chương trình tài trợ lớn.

Quá trình hoạt động của UNHCR có thể chia làm ba giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1975-1987: Sau khi ký với Việt Nam thoả thuận ngày 11-6-1975, UNHCR bước đầu hoạt động chủ yếu thông qua chương trình trợ giúp một số người Việt Nam do hoàn cảnh chiến tranh trở thành những người không nơi nương tựa.

UNHCR cũng giúp đỡ các tỉnh phía Bắc Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chiến tranh gồm các dự án xây dựng lại cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các ngành y tế, nông nghiệp và ngư nghiệp với số tiền trên l triệu USD, góp phần giúp những người dân ở vùng này ổn định cuộc sống.

Năm 1979, UNHCR ký với Việt Nam thoả thuận bảy điểm, đề ra nguyên tắc thực hiện chương trình ODP giải quyết nguyện vọng của một số người Việt Nam muốn được ra đi đoàn tụ gia đình ở nước ngoài.

Từ năm 1980, UNHCR đã phối hợp với Việt Nam giúp đỡ giải quyết nguyện vọng của những người tỵ nạn Campuchia, được hồi hương tự nguyện về Campuchia, được định cư ở Việt Nam hoặc ở nước thứ ba.

Giai đoạn 1987-1998: Các hoạt động của UNHCR tại Việt Nam liên quan chủ yếu tới việc tiếp nhận và tái hoà nhập những người hồi hương Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch hành động tổng thể (Comprehensive Plan of Action – CPA).

Bản Kế hoạch hành động tổng thể được thông qua tại Hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương họp tại Geneva vào tháng 6-1989 nhằm giải quyết vấn đề người ra đi từ Đông Dương mà chủ yếu là từ Việt Nam.

Các hoạt động của UNHCR bao gồm việc hỗ trợ tiền mặt cá nhân cho những người hồi hương, thực hiện các dự án phát triển quy mô nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người hồi hương sớm tái hoà nhập với cộng đồng, trực tiếp hoặc gián tiếp cải thiện đời sống và điều kiện kinh tế giúp đỡ cả cộng đồng nơi có người hồi hương; hỗ trợ việc vận chuyển, đi lại và chi phí cho các đoàn phỏng vấn của Việt Nam.

Tổng kinh phí dự kiến của Kế hoạch hành động tổng thể là 49,8 triệu USD.

Tại Việt Nam, có 52 tỉnh thành phố có người hồi hương. Khoảng 80% số người hồi hương tập trung ở các tỉnh Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM, Trà Vinh và Kiên Giang.

Từ 1992-1996, UNHCR hỗ trợ giúp đỡ 685 các dự án quy mô nhỏ được thực hiện trong 48 tỉnh thành với tổng số tiền tài trợ là 11.566.500 USD.

Trong đó bao gồm các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở giúp làm đường, cống thoát nước, xây cầu, trạm biến thế, dự án về nông nghiệp và thuỷ sản giúp xây dựng đê điều, hệ thống tưới tiêu, chế biến thức ăn gia súc, phương tiện đánh bắt; dự án giáo dục phổ cập giúp xây dựng nâng cấp 780 phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học; dự án nước sạch gồm l.200 giếng khoan và hệ thống dẫn nước; dự án y tế nhằm nâng cấp trạm xá, bệnh viện huyện và dự án đào tạo dạy nghề; tổ chức hội thảo và viện trợ khẩn cấp cho các vùng bị thiên tai.

Tháng 6-1996 chương trình kể trên đã chính thức kết thúc nhưng vai trò điều hành của UNHCR còn kéo dài đến năm 1998.

Hiện tại các hoạt động của UNHCR thu hẹp dần, vấn đề người tỵ nạn hồi hương cơ bản đã giải quyết xong. UNHCR chỉ còn văn phòng liên lạc tại Việt Nam và tiếp tục hợp tác giúp đỡ Việt Nam một vài dự án nhỏ như: Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo về quyền trẻ em; Giúp Việt Nam giải quyết một số người Campuchia tỵ nạn từ năm 1979 dưới thời Khơme đỏ được nhập quốc tịch và định cư tại Việt Nam.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương thì trong tương lai, UNHCR sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam giải quyết vấn đề hồi hương và định cư cho những người Việt Nam trong các trại tỵ nạn ở một số nước từ thời kỳ cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, tài trợ một số dự án quy mô nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người hồi hương sớm tái hoà nhập với cộng đồng.

Theo một báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì từ năm 2011 đến nay, UNHCR đã và đang hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với bộ nàytrong các hoạt động của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), cụ thể là các dự án “Tăng cường năng lực của ACWC trong việc thực hiện có hiệu quả các Kết luận cuối cùng của Ủy ban CEDAW và Ủy ban CRC nhằm thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN”, và “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Ác quá xá!

Do Van Tien

VNTB – Ngày đầu tiên làm việc của tân Chủ tịch nước Tô Lâm

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ai chịu trách nhiệm về sự nhố nhăng ấy?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.