Nguyễn Nam
(VNTB) – Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc các tàu Trung Quốc thách thức các tàu của Philippines tuần tra trên biển Đông bằng còi, loa và hệ thống liên lạc vô tuyến.
Manila tố cáo Bắc Kinh đe dọa hòa bình
Bản tin trên Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Philippines ngày 20-10-2021 thông báo trên tài khoản Twitter: “Những hành động khiêu khích này đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh của biển Đông, đồng thời đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế”. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hơn 200 vụ việc như vậy đã diễn ra trong khi lực lượng Philippines tiến hành các cuộc tuần tra định kỳ trên vùng biển do nước này tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, Philippines không nêu rõ các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm nào. Reuters cho biết hiện đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi thông tin do Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã âm ỉ trong suốt nhiều năm trên Biển Đông – tuyến hàng hải chiến lược mà cả hai nước đều có yêu sách lãnh thổ.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã phản đối Trung Quốc ít nhất 160 lần về những hành động tại biển Tây Philippines, cách gọi của nước này đối với một phần của Biển Đông.
Trong năm nay, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi hàng trăm tàu neo đậu ở Biển Đông. Philippines nhiều lần gửi công hàm ngoại giao nhằm phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc, thậm chí Manila tuyên bố gửi công hàm mỗi ngày để phản đối hành động của Bắc Kinh cho đến khi các tàu rút khỏi khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, nhưng Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền đối với một số hoặc tất cả các đảo trong vùng biển này.
Vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách bành trướng của Trung Quốc trong tuyến đường thủy chiến lược, nơi có khoảng 3 ngàn tỷ đô la thương mại qua tàu hàng năm.
“Ngoại giao im lặng” không thể phù hợp với “ngoại giao pháo hạm”
Mô tả sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển của Malaysia là “ngoại giao pháo hạm”, mục đích nhằm báo hiệu sự không hài lòng của Bắc Kinh, và gây áp lực đủ lớn để chính quyền Malaysia cần xem lại “chính sách ngoại giao im lặng” với Trung Quốc trong căng thẳng Biển Đông.
Ngày 4-10-2021, Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc Dương Ngọc Tịnh để phản đối sự hiện diện và hoạt động của tàu Trung Quốc, tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong năm nay Malaysia triệu Đại sứ Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định rằng, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc, kể cả tàu khảo sát, tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở ngoài khơi Sabah và Sarawak đã vi phạm Luật về Vùng đặc quyền kinh tế 1984 của Malaysia, cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi tân Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, nước này sẽ “không thỏa hiệp về chủ quyền” liên quan tranh chấp trên biển. Trước đó vào tháng 6-2021, Malaysia cáo buộc các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vi phạm “chủ quyền và không phận” của nước này, đồng thời tuyên bố việc “có quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về an ninh quốc gia của mình”.
Không riêng Malaysia, các quốc gia khác như Indonesia và Philippines cũng thực hiện những hành động cứng rắn tương tự để ngăn Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Điều đó cho thấy sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của các nước trong khu vực trước những động thái gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông – một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới.
Việc xử trí tương tự vấn đề ở trên về ngoại giao của Việt Nam, tính đến hiện tại thì về mặt truyền thông công khai, cho thấy ‘mềm mại’ và ‘ẩn dụ’ theo cách quen thuộc của ngôn ngữ ngoại giao. Có nghĩa là Việt Nam luôn đưa ra một lập trường khá trung lập, khi không công khai ủng hộ nhưng cũng không phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 23/9, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về hiệp ước này, cho biết rằng “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình trong khu vực.”
“Chúng tôi cho rằng hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này,” bà Hằng nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của Hà Nội cho thấy sự thận trọng của Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực có thể sẽ lo lắng về việc bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh canh của các cường quốc.
Thông điệp ngầm của Việt Nam?
Khi lực lượng Phòng vệ New Zealand hôm 6-10-2021 thông báo tàu chiến Te Kaha cùng tiến vào Biển Đông với nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh.
Chiến hạm hai nước sẽ song hành trong khoảng một tuần ở Biển Đông, trước khi tham gia diễn tập Bersama Gold 21 ngoài khơi Singapore từ ngày 8-10 đến 16-10, thì khi được báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam với sự hiện diện của nhóm tác chiến này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, “đề nghị các nước đóng góp có trách nhiệm, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông”.
Trong đợt diễn tập Bersama Gold 21 diễn ra ngoài khơi Singapore, tàu chiến 5 nước gồm Australia, Anh, Singapore, Malaysia và New Zealand thực hiện các nội dung phối hợp trên biển, đánh dấu 50 năm thực hiện Thỏa thuận Phòng thủ 5 cường quốc.
Quân đội New Zealand cho biết nước này thể hiện cam kết với an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định triển khai các hoạt động của họ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Và khẳng định nêu trên của quân đội New Zealand cho thấy ‘trúng ý’ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, là “phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông”.
Tất cả những phát ngôn như trên đã được lặp lại khi tại họp báo Bộ Ngoại giao chiều ngày 21-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), trước tin Ủy ban Thượng viện Mỹ duyệt dự luật trừng phạt Trung Quốc.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bà Hằng khẳng định:
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia ven biển”