VNTB – Việt Nam đang đứt gãy logistics xăng dầu hay ‘nhân sự’?

VNTB – Việt Nam đang đứt gãy logistics xăng dầu hay ‘nhân sự’?

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Tổng nguồn xăng dầu đến nay là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu.

 

Theo số liệu của cơ quan chức năng về xuất nhập khẩu thì 10 tháng năm 2022 các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, tổng nguồn xăng dầu đến nay là 18,6 triệu tấn, đạt trên dưới 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn bị đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc. Vì vậy, ông Diên cho hay Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cụm từ “đứt gãy nguồn cung ở một số phân khúc” có nghĩa là gì thì không thấy ông Nguyễn Hồng Diên nói cụ thể.

Từ căn cứ vào “lý do ởm ờ” của ông bộ trưởng, ở đây người viết ngờ rằng có ít nhất hai lý do cho “đứt gãy”, đó là “logistics xăng dầu” bị ách tắc; thứ hai là phe nhóm quyền lực nào đó trong chính phủ, và ngay luôn ở Bộ Công thương đã “cố tình” đẩy vụ việc “đứt gãy” lên, nhằm vào các ghế nhân sự được “cơ cấu” từ Bộ Chính trị.

Trước hết là về “logistics xăng dầu”.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sở hữu 2 Tổng công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải xăng dầu, đó là, Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PGT), kinh doanh vận tải thủy; và Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC), kinh doanh vận tải đường bộ.

Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu hệ thống tuyến ống vận chuyển xăng dầu dài nhất Việt Nam với 570km trải dài khắp các vùng miền đất nước. Hệ thống vận tải đường thủy, đường bộ và đường ống giúp tập đoàn chủ động, đảm bảo vận chuyển xăng dầu thông suốt từ nước ngoài về Việt Nam, từ các kho đầu mối nhập khẩu đến các cảng và đại lý tiêu thụ trong cả nước.

PGT bao gồm 05 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực vận chuyển, thuê và cho thuê tàu chở dầu và các sản phẩm dầu, các hoạt động dịch vụ, cơ khí hàng hải và kinh doanh cảng.

Theo giới thiệu thì đội tàu chở dầu của PGT có tổng trọng tải trên 500.000 DWT được phân cấp và chứng nhận bởi các tổ chức Đăng kiểm quốc tế (DNV, ABS, NK, …), tuân thủ theo các Công ước và quy định quốc tế và đạt được các chứng nhận quốc tế về An toàn quốc tế (DOC và SMC), An ninh Quốc tế (ISSC); là đội tàu chở dầu sản phẩm lớn nhất Việt Nam, bao gồm đội tàu viễn dương, ven biển và các xà lan khai thác đường sông.

Là một doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ, và đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Chính trị.

Do vậy nếu “đứt gãy” khâu “logistics xăng dầu” xảy ra và kéo dằn dai đến tận lúc này khiến chính trị bị đe dọa mất ổn định, lòng dân hoang mang, thì giả dụ Việt Nam thật sự tôn trọng quyền dân chủ – kể cả dân chủ trong chính nội bộ Đảng, tin rằng hai cá nhân đứng đầu chính phủ là Phạm Minh Chính, và đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm, kể cả búa rìu dư luận.

Vấn đề khác đó là nghi vấn về một cuộc “đình công” nhân sự quản trị ở Bộ Công thương để phản đối việc Bộ Chính trị “cơ cấu” người ngồi vào ghế bộ trưởng không phù hợp.

Nghi vấn cho thuyết âm mưu trên đến từ việc bốn thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Đỗ Thắng Hải, Đặng Hoàng An, Nguyễn Sinh Nhật Tân đều là các chuyên gia đầy kinh nghiệm và hiểu biết chuyên môn ngành công thương. Họ đã làm gì khi khủng hoảng xăng dầu đã và đang xảy ra tác động vô cùng xấu đến đời sống người dân và nền kinh tế, thậm chí đe dọa cả chính trị?

Hầu như bên ngoài không thấy họ chường mặt ra chịu trận, phó mặc về những phát biểu ngây ngô của ngài bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ở nghị trường quốc hội cho tới trên báo chí.

Và trong vấn đề này thì chỉ còn một người phải chịu mọi trách nhiệm đó là Tổng bí thư Đảng. Thế nhưng từ sau chuyến công cán Bắc Kinh, người ta chưa thấy ngài xuất hiện trở lại trước quốc hội để giải trình ở kỳ họp đang diễn ra với các bàn luận quốc kế dân sinh.

Nếu các lập luận trên của người viết được chụp mũ là ‘phản động’, vậy thì khi người dân ta thán, báo chí lên tiếng, chuyên gia hiến kế, quốc hội chất vấn… đã có đủ, nhưng, mọi chuyện đâu vẫn vào đấy, chả có địa chỉ trách nhiệm nào được truy cứu, thì chẳng lẽ vì đây là hệ lụy tất yếu khi nền kinh tế thị trường được định hướng xã hội chủ nghĩa?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)