Khánh An dịch
(VNTB) – Đàn áp nhân quyền diễn ra ngay vào thời điểm Hoa Kỳ đang thắt chặt quan hệ an ninh và kinh tế với Hà Nội.
Tác giả: Rebecca Tan
SINGAPORE — Chính phủ Việt Nam đã thực hiện cuộc đàn áp dữ dội nhất đối với những người chỉ trích trong nhiều thập niên, bỏ tù hàng loạt nhà hoạt động, luật sư và nhà báo và đẩy nhiều người hơn nữa vào cảnh lưu vong, theo các nhóm nhân quyền và các nhà phân tích an ninh.
Sự đàn áp gia tăng này diễn ra khi Hoa Kỳ nâng cao quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh vào những năm 1970, với chính quyền Biden cung cấp hàng trăm triệu đô la viện trợ an ninh và các công ty Mỹ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ và sản xuất của Việt Nam.
Hiện tại, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết họ lo ngại rằng sự đàn áp có thể trở nên tồi tệ hơn nữa cùng với việc cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản, vị trí quyền lực nhất của đất nước.
Trong 11 tháng kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ song phương vào tháng 9 năm ngoái, Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam đã bắt giữ hơn hai chục nhà hoạt động vì quyền lao động, môi trường, và nhà báo nổi tiếng nhất Việt Nam.
Hầu hết những người bị bắt không chỉ trích đảng trực tiếp và đã nỗ lực tạo ra sự thay đổi thông qua chính phủ hoặc chính họ là người của chính phủ. Nhiều người cũng có quan hệ với các tổ chức quốc tế hoặc phương Tây vốn trước đây được coi là biện pháp bảo vệ chống lại sự đàn áp công khai.
Giám đốc của một nhóm nghiên cứu chính sách năng lượng từng làm việc với Ngân hàng Thế giới và đang giúp các cơ quan quốc tế đánh giá kế hoạch giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam đã bị bắt vì cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu”.
Một viên chức của Bộ lao động từng làm việc với Liên hiệp quốc để thúc đẩy Việt Nam phê chuẩn một thoả thuận quốc tế về việc thành lập công đoàn mà không cần sự chấp thuận trước đã bị công an bắt giữ vì cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước.
Một nhà báo từng đăng ký làm nghiên cứu sinh Nieman tại Đại học Harvard đã bị bắt vì “lạm dụng các quyền tự do dân chủ” trong các bài đăng trên Facebook.
Các nhà hoạt động vì quyền cho biết những vụ bắt giữ này cho thấy chính quyền đã giăng lưới rộng hơn trước đây. Theo Dự án 88, tính đến tháng 8, Việt Nam đã giam giữ gần 200 tù nhân chính trị, số tù nhân bị bắt giam trong nửa đầu năm 2024 bằng với tổng số người bị bắt trong cả năm 2023.
Trong các cuộc họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phủ nhận việc chính phủ đang đàn áp [nhân quyền] và phản bác lại những lời chỉ trích từ bên ngoài là “can thiệp vào các hoạt động nội bộ của Việt Nam”.
Các nhà phân tích Việt Nam cho biết Việt Nam đã trải qua một thời kỳ tự do hóa chính trị vào những năm 2000 nhưng đã đàn áp ngày càng khắc nghiệt hơn với việc những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản thắng thế. Đảng đã thắt chặt quyền kiểm soát hơn nữa trong bối cảnh tranh giành quyền lực nội bộ trong những tháng gần đây dẫn đến việc Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo đảng.
Ben Swanton, giám đốc Dự án 88, cho biết các tổ chức phát triển trong ba thập niên qua để ủng hộ quyền tự do ngôn luận và buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm đã “hoàn toàn bị phá hủy”. Các Nhà xuất bản Tự do, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, các nhóm nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận đã bị đóng cửa liên tiếp, bị chính phủ cấm hoặc bị đóng cửa vì sợ bị bắt.
“Không còn ai bên trong có thể chống cự có tổ chức”, Swanton cho biết. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra những cảnh báo tương tự.
Tuyên truyền của đảng và các văn bản chính thức cho thấy rằng trong khi lãnh đạo Việt Nam tìm cách hưởng lợi từ sự hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế, thì sự phơi bày gia tăng này khiến họ nhạy cảm hơn với các mối đe dọa chính trị trong nước, theo Nguyễn Khắc Giang, người nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore.
Giang cho biết chính phủ gặp phải — và dự kiến sẽ gặp phải — không mấy phản kháng từ Washington và các quốc gia khác vì tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam như một vùng đệm chống lại Trung Quốc. Việt Nam có chung đường biên giới đất liền dài với Trung Quốc và đã đưa ra thách thức trực tiếp đối với các nỗ lực thống trị Biển Đông của Bắc Kinh.
Để ve vãn Việt Nam, chính quyền Biden đã không coi việc Hà Nội đàn áp xã hội dân sự là ưu tiên trong các cuộc họp ngoại giao cấp cao hoặc đưa ra các thỏa thuận mới có điều kiện về việc cải thiện nhân quyền, ba cựu quan chức Bộ Ngoại giao từng làm việc về quan hệ với Việt Nam cho biết.
Vào tháng 6, Hoa Kỳ đã nâng thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người (TIP) bất chấp sự phản đối của các nhóm nhân quyền, những nhóm này cho rằng Việt Nam đã che đậy các vụ buôn người.
Kelley Currie, cựu quyền phó đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc vào năm 2018 và sau đó là đại sứ Hoa Kỳ lưu động về các vấn đề phụ nữ toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2021 cho biết với việc im lặng về nhân quyền trong khi tăng viện trợ cho Việt Nam, chính quyền Biden đã cho phép chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp. Bà cho biết thật sai lầm khi nghĩ rằng có thể thuyết phục Hà Nội đứng về phía chống lại Trung Quốc, vì Việt Nam “không quan tâm đến việc trở thành một phần của bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào do phương Tây lãnh đạo”.
Một cựu quan chức khác của Bộ Ngoại giao trong chính quyền Biden chia sẻ trong thời gian ông làm việc trong chính phủ cho biết với Việt Nam, Hoa Kỳ đã không sử dụng nhiều công cụ mà họ thường sử dụng để gây áp lực lên các quốc gia khác trong các cuộc thảo luận riêng. “Chúng ta đã cấp một khoản viện trợ an ninh kha khá và rõ ràng có thể đặt điều kiện viện trợ đó vào việc cải thiện nhân quyền. Nhưng chúng ta đã không làm vậy”, vị quan chức này cho biết. Vị quan chức này nói thêm rằng khi Washington chuẩn bị nâng cấp quan hệ với Việt Nam vào năm ngoái, gần như không có thảo luận về hồ sơ nhân quyền ngày càng xấu đi của Việt Nam. Ông cho biết việc nâng cấp này “không phải là vấn đề cần bàn cãi”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã phủ nhận rằng chính quyền Biden đã giảm bớt áp lực đối với Việt Nam về hồ sơ nhân quyền của họ, và cho biết quan chức “đã đề cập đến các mối quan tâm về nhân quyền ở mọi cấp độ với các đối tác chính phủ Việt Nam trong các cuộc trò chuyện thẳng thắn”. Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 6, người phát ngôn cho biết.
Các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động đã thúc đẩy việc gắn kết hồ sơ nhân quyền của Việt Nam với các ưu tiên khác trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam.
Vào đầu năm nay, Việt Nam đã yêu cầu Bộ Thương mại cấp quy chế kinh tế thị trường thay thế cho nền kinh tế phi thị trường, nếu được sẽ giúp giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Quan chức Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đã thực hiện cải cách để đáp ứng các tiêu chí của Hoa Kỳ về thúc đẩy kinh tế thị trường như mở cửa cho đầu tư nước ngoài và giảm sự kiểm soát của chính phủ đối với các nguồn tài nguyên.
Nhưng các nhóm nhân quyền và các nhà sản xuất Hoa Kỳ phản đối sự thay đổi được đề xuất đã lập luận rằng Việt Nam vẫn hoạt động như một nền kinh tế có kế hoạch do Đảng Cộng sản định hình phần lớn và không đáp ứng các tiêu chuẩn lao động của một nền kinh tế thị trường do sự đàn áp của nước này đối với công đoàn.
Bộ Thương mại đã thông báo vào đầu tháng này sẽ không thay đổi chỉ định cho Việt Nam. Bộ Thương mại cho biết quyết định được đưa ra dựa trên “phân tích chuyên sâu thực tế” về nền kinh tế Việt Nam, nhưng một số nhà phân tích an ninh và nhà hoạt động nhân quyền cho biết đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đang xem xét kỹ hơn hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Bộ Thương mại cho biết Việt Nam sẽ yêu cầu Bộ Thương mại một lần nữa để thay đổi chỉ định.
Việt Nam đáng lẽ phải được công nhận là nền kinh tế thị trường, Ted Osius, chủ tịch hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN cho biết. Nhưng cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2017 Osius cũng cho biết sự xói mòn các quyền tự do dân sự của Việt Nam đã đến mức đặt ra “thế tiến thoái lưỡng nan” cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.
“Những gì đang xảy ra ở Việt Nam không phù hợp với câu chuyện ưa thích của chúng tôi, đó là điều chắc chắn”, ông nói.
__________________________
Nguồn:
Washington post – As Vietnam tightens leash on criticism, scores are jailed and exiled