Thạch Lam Trần (VNTB) Việt Nam đang tìm cách nâng cấp hệ thống phòng không của mình bằng việc mua máy bay chiến đấu và máy bay không người lái, một động thái quân sự hóa nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước Bắc Kinh, The Guardian ngày 5/6 đưa tin.
Hà Nội đang nói chuyện với các nhà thầu châu Âu và Mỹ để mua máy bay phản lực, máy bay tuần tra và các máy bay do thám, Reuters đưa tin hôm thứ sáu.
Trung Quốc tuyên bố 90% biển Đông thuộc chủ quyền của nước này, một khu vực được cho là có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn và là tuyến đường hàng hải quan trọng.
Hãng Reuters cho biết, Việt Nam đã thảo luận với nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển, Airbus, Eurofighter của châu Âu, và các công ty Mỹ như Lockheed Martin và Boeing.
Việt Nam sẽ mua máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: flightsim.com |
Bộ ngoại giao Việt giữ im lặng trước thông tin này.
Carl Thayer, một chuyên gia phân tích quốc phòng, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết Việt Nam đã có máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 và Su-30, nhưng lực lượng không quân vẫn cần nâng cấp.
“Việt Nam đang rất cần máy bay trinh sát hiện đại trên biển để tuần tra vùng biển rộng lớn của mình,” ông nói.
Việt Nam đã chi 3,4 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2013, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết, Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn vũ khí từ Moscow trước khi chính phủ Trung Quốc gây áp lực lên Nga.
“Một lực lượng hải quân và không quân mạnh sẽ giúp Hà Nội có khả năng răn đe hạn chế, và trong trường hợp xấu nhất, nó cũng khiến Trung Quốc phải đẫm máu trong cuộc chiến” Storey nói .
Đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2015 lên đường đến Trường Sa – Ảnh: Hữu Khoa |
Các tranh chấp ở Biển Đông thường dẫn đến va chạm, trước đó vào năm 2014, tàu hải quân hai nước Trung – Việt đã rơi vào trạng thái đó khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển Đông cũng cố gắng thúc đẩy sự hiện diện trong các đảo thuộc sự chiếm đóng và quản lý của mình. Gần đây, chính quyền Việt Nam đưa 180 công dân đến Trường Sa trong chuyến du lịch 12 ngày, chuyến đi được xem là “làm sống lại niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền biển thiêng liêng của đất nước”.
Trang tin bdnews24 dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, Washington thấy Hà Nội như là một đối tác đáng tin cậy.
Tuy nhiên, dù “Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, nhưng họ [Việt Nam] cũng không muốn chọc giận Trung Quốc,“ và họ đang tìm cách cân bằng mối quan hệ đó, từng giai đoạn, từng bước một.