Khánh Hòa
(VNTB) – Đây là một sự kiện chính trị đáng chú ý ngay từ đầu tháng 9-2020. Đáng chú ý vì tin này không mới, nhưng phải đến ngày đầu tiên của tháng 9, thì tin tức đó mới loan báo.
Ngày 20-7-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 4829/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc quản lý hoạt động khai thác của tàu cá trong vịnh Bắc Bộ.
Theo nội dung công văn này, Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký kết ngày 25-12-2000, có hiệu lực kể từ ngày 30-6-2004 đến ngày 30-6-2019. Trong năm 2019, được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, Hiệp định được gia hạn hiệu lực thêm 1 năm đến ngày 30-6-2020.
Để đảm bảo hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trong vùng biển vịnh Bắc Bộ được diễn ra bình thường trong thời gian hai nước tổ chức đàm phán xác định các nội dung hợp tác tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai ngay việc thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết về việc hết hiệu lực hoàn toàn của Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc.
Theo đó, Vùng đánh cá chung và Vùng đệm cho tàu cá nhỏ được thiết lập theo quy định của Hiệp định cũng hết hiệu lực. Cơ quan chức năng hai nước sẽ quản lý hoạt động của tàu cá trong vịnh Bắc Bộ theo đường phân định vịnh Bắc Bộ được quy định tại Điều 2 Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang yêu cầu các địa phương hướng dẫn ngư dân tiếp tục bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam; tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; kịp thời thông báo và báo cáo cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam; hoạt động kiểm soát, thu giữ tài sản, bắt giữ người và tàu cá của lực lượng thực thi pháp luật trên biển nước ngoài.
Cơ quan chức năng trung ương và địa phương cũng tăng cường giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ven biển vịnh Bắc Bộ; tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân hoạt động theo sơ đồ vùng biển trong vịnh Bắc Bộ, không vượt sang vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản. Mặt khác, kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân về đường dây nóng 24/24g của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024-62737323.
Trong 10 năm qua, số lượng tàu cá Việt Nam đăng ký xin cấp Giấy phép đánh cá trong Vùng đánh cá chung thường xuyên có khoảng 2.000 – 2.500 tàu, nhưng chỉ có tối đa 1.543 tàu cá. Phần lớn số tàu cá của ngư dân Việt Nam chủ yếu vẫn tập chung khai thác ở vùng biển Việt Nam. Phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam tham gia hoạt động trong Vùng đánh cá chung chủ yếu vẫn là các tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế.
Trong khi đó, các tàu cá Trung Quốc với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại chiếm ưu thế hơn tàu cá Việt Nam trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước Hiệp định. Nhìn chung, các tàu cá Trung Quốc được cấp phép hoạt động trong các vùng nước hiệp định cơ bản tuân thủ các quy định của Hiệp định và sự kiểm soát của cơ quan chức năng Việt Nam.
Tuy nhiên, khi mà Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã cáo chung thì phía Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ hoạt động của tàu cá theo đường phân định vịnh Bắc Bộ được quy định tại Điều 2 Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; không còn chuyện lợi dụng “vùng chồng lấn” của Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, để phía tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Chưa rõ phía Trung Quốc sẽ có những phản ứng cụ thể nào trước tin tức kể trên từ Việt Nam.