VNTB – Việt Nam nên trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư

VNTB – Việt Nam nên trả tự do cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư

Khánh An dịch

 

Điều 19 cho biết: Việc kết tội hai mẹ con người Việt vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ nhấn mạnh sự đàn áp xã hội dân sự độc lập và biểu hiện trực tuyến đang diễn ra ở Việt Nam. Nhà chức trách Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư, thực hiện các bước để bảo vệ tất cả những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền kỹ thuật số và tự do ngôn luận.

 

Tòa án tỉnh Hòa Bình hôm nay tuyên án bà Cấn Thị Thêu và con trai bà, Trịnh Bá Tư   tám năm tù, và ba năm quản chế. Cả hai đều bị kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự vì tội ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.

Trong quá trình xét xử, cảnh sát đã cho xe cứu hỏa chắn trước tòa án. Trong khi đó, những người ủng hộ tại hiện trường cho biết mạng internet bị gián đoạn nghiêm trọng, cho thấy có khả năng internet đã bị điều tiết để ngăn phát trực tiếp và các liên lạc khác.

Cả hai mẹ con bà Thêu bị bắt vào ngày 24 tháng 6 năm 2020 cùng với một người con trai khác của bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, và người bảo vệ quyền lợi khác bà Nguyễn Thị Tâm. Hai người kia vẫn đang chờ ngày xét xử. Bốn người này bị bắt liên quan đến việc vận động trực tuyến về việc thu hồi đất vào ngày 9 tháng 1 năm 2020 ở Đồng Tâm nơi ông trưởng thôn Lê Đình Kình, 84 tuổi, đã bị giết trong một cuộc tấn công của công an vào sáng sớm. Bốn người này nằm trong số những tiếng nói độc lập nổi tiếng nhất trên Facebook và YouTube tại Việt Nam giám sát các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến tranh chấp đất đai đang diễn ra. Trước khi bị bắt, chỉ riêng Trịnh Bá Phương đã có khoảng 50.000 người theo dõi trên Facebook.

Cáo trạng đối với bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư liệt kê tám video bị cáo buộc là phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam và lan truyền thông tin sai sự thật về Đồng Tâm mà hai mẹ con bà đã đăng lên Facebook. Cáo trạng cũng đề cập đến việc tịch thu một số sách nằm trong danh sách đen từ nhà của họ.

Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư là những người tích cực ủng hộ Nhà xuất bản Tự do, một nhà xuất bản độc lập bị cấm đã giành được giải thưởng của Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế Giải thưởng Prix Voltaire 2020 trước sức ép của các cơ quan chức năng. Người đồng sáng lập, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, đã bị bắt vào tháng 10/2020, cũng theo Điều 117 BLHS.

Các tổ chức quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự để phù hợp với luật pháp quốc tế. Năm 2021, bốn Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc đã nêu rằng Điều 117 là ‘quá rộng và dường như nhằm mục đích bịt miệng những người tìm cách thực hiện quyền con người được tự do bày tỏ quan điểm của họ và chia sẻ thông tin với người khác’.

Một cuộc tấn công phối hợp

Sáng sớm ngày 24 tháng 6 năm 2020, công an bắt bà Cấn Thị Thêu khi bà đang trên đường đến nhà của Trịnh Bá Phương ở Hà Nội. Công an đã đưa bà về Hòa Bình, cách đó khoảng 80 km. Bà Cấn Thị Thêu đã không được phép gặp luật sư cho đến ngày 23 tháng 3 năm 2021, tức 272 ngày sau khi bị bắt, xâm phạm quyền được tiếp cận kịp thời với luật sư.

Khoảng 5h sáng cùng ngày, ông Trịnh Bá Tư đang ngủ tại vườn bưởi của gia đình ở Hòa Bình thì bị công an phá cửa vào nhà. Cơ quan chức năng đã tịch thu tài liệu in và ổ USB chứa các tài liệu mà gia đình đã thu thập về nhân quyền của họ, cùng với một số cuốn sách của Phạm Đoan Trang. Trịnh Bá Tư không được phép gặp luật sư cho đến ngày 19 tháng 4 năm 2021, 299 ngày sau khi bị bắt.

Trịnh Bá Phương cũng bị bắt tại Hà Nội vào sáng sớm cùng ngày. Mặc dù vợ ông Trịnh Bá Phương nói rằng ông không chống cự, nhưng ông đã bị khống chế và bị đánh đập trước khi bị bắt đi. Đáng báo động là từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 3 năm 2021, Trịnh Bá Phương đã đưa vào một cơ sở tâm thần vì được cho là ‘bất hợp tác’ với công an. Phương vẫn chưa được cấp quyền tiếp cận luật sư.

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng bị bắt vào khoảng 5h sáng ngày 24/6 khi đang trên đường đi chợ ở ngoại thành Hà Nội. Được biết công an đã cắt điện và internet trong khu nhà của bà sau khi bà bị bắt, trước khi đến khám xét nhà bà. Tại thời điểm viết bài, bàn Tâm vẫn chưa được phép gặp người đại diện hợp pháp của mình.

Vào tháng 11 năm 2020, bốn thủ tục đặc biệt của Liên hợp quốc bày tỏ mối quan tâm của họ về hoàn cảnh bị bắt và giam giữ và từ chối tiếp cận với luật sư và người thân. Họ cho rằng vụ bắt giữ cũng là một nỗ lực để kích động sự sợ hãi của những người bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ.

Không có dấu hiệu kết thúc

Theo Dự án 88, một tổ chức nhân quyền Việt Nam, hơn 250 cá nhân hiện đang bị cầm tù vì hoạt động vận động nhân quyền của họ. Trong số những người này, ít nhất 40 người đã bị kết án theo Điều 117. Con số này chưa tính những người như Trịnh Bá Phương đã bị buộc tội nhưng đang chờ xét xử. Một báo cáo gần đây Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố rằng 21 trong số 27 tù nhân lương tâm bị bỏ tù tại Việt Nam vào năm 2020 đã bị truy tố vì biểu hiện trực tuyến của họ.

Kể từ đầu năm 2021, ít nhất bảy người đã bị xét xử và kết án theo Điều 117. Vào tháng 1 năm 2021, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là bị kết án theo Điều 117. Người đồng sáng lập hội, ông Phạm Chí Dũng bị tuyên án 15 năm tù trong khi hai thành viên khác là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù mỗi người. Cũng trong tháng Giêng, người nữ bảo vệ quyền Đinh Thị Thu Thủy bị kết án bảy năm tù, phần lớn là do cô sử dụng Facebook để phổ biến thông tin nhân quyền. Và mới tháng trước, vào ngày 23 tháng 4, blogger Trần Thị Tuyết Diệu bị kết án tám năm tù vì chia sẻ 25 bài đăng trên Facebook và chín video trên YouTube chỉ trích chính phủ.

Việt Nam nên ngăn chặn ngay lập tức và vô điều kiện hành vi quấy rối tư pháp đối với bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư. Việt Nam nên chấm dứt sự đàn áp không ngừng đối với những tiếng nói độc lập và trả tự do cho tất cả những người hiện đang bị giam giữ theo các điều trong Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, bản thân Bộ luật Hình sự phải được sửa đổi phù hợp với luật nhân quyền quốc tế. Cuối cùng, các nhà cung cấp internet và các nền tảng truyền thông xã hội phải chống lại áp lực từ các cơ quan chức năng Việt Nam để trở thành đồng phạm cho các hành vi vi phạm nhân quyền.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)