Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam nhường hẳn sân chơi cho báo chí nước ngoài?

 Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do báo chí trong nước và quyền tự do dân chủ của công dân, vô tình tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài phát huy vai trò của họ.

 

Chức năng của báo chí là thông tin, giám sát và phê phán chứ không chỉ khen và ca ngợi, tất nhiên phải đúng và hợp lý. Pháp luật quốc tế cũng thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và họ cũng quy định giới hạn như thế nào”.

Với biện luận trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do báo chí trong nước và quyền tự do dân chủ của công dân, vô tình tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài phát huy vai trò của họ.

Quyền tự do báo chí ở đây theo ý kiến của luật sư Nghĩa, đó là quyền tư nhân được làm báo, thay vì họ hiện chịu giới hạn bằng phương thức của hợp đồng liên kết sản xuất, với quyền sở hữu trí tuệ về tên tờ báo vẫn thuộc cơ quan công quyền.

Theo luật sư Nghĩa, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, nếu quản lý không hợp lý, không khôn ngoan, không dân chủ thì tưởng chừng như chặt chẽ, nhưng phản tác dụng, gậy ông đập lưng ông. “Ví dụ, báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, ‘lề phải’ không đăng người ta đọc ‘lề trái’, báo không đăng thì người ta lên Facebook, chẳng lẽ cứ mỗi lần như thế chúng ta lại cấm?”, luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.

Một luật sư hiện đang ‘góp mặt’ với nhiều bài viết đăng cả trên báo ‘lề phải’ lẫn ‘lề trái’ – trong đó có cả trên trang Việt Nam Thời Báo, cho rằng ‘những lỗ thủng’ về luật báo chí dường như là cố tình qua việc chấp bút biên soạn nhằm để tiện cho việc quản lý.

Luật Báo chí hiện hành của Việt Nam, thoạt nhìn sẽ thấy quyền tự do báo chí rất rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí, nhưng đọc tới đọc lui người ta lại không thấy chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung của các điều luật cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này.

Luật nói chức năng của báo chí là diễn đàn của nhân dân, nhưng mặc khác lại nói rằng báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Như vậy liều lượng thế nào, liệu có vùng cấm hay không khi báo chí phục vụ tuyên truyền đường lối của Đảng, nhưng cũng phải đưa thông tin cho người dân, và đưa tiếng nói của người dân đến Đảng và Nhà nước?.

Luật Báo chí ở Việt Nam mới chỉ đi sâu vào các cách để quản lý báo chí, còn vấn đề làm sao để cho công dân thực hiện quyền tự do báo chí thì chưa thể hiện rõ. Ngoài ra cũng rất cần xem xét lại toàn bộ Luật Báo chí, vì ở phiên bản sửa đổi gần đây, cả hai ngài bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về sau đều đã lâm cảnh tù tội vì tay nhúng chàm.

Liệu tư duy quản trị báo chí của hai vị này lúc chịu trách nhiệm về Dự án biên soạn sửa đổi Luật Báo chí, họ có lạm dụng chức trách để khẳng định tính độc quyền của báo chí nhà nước giống như họ đã ban phát quyền lực trong các cú áp phe ngay trong lãnh vực chuyên ngành mà họ chịu trách nhiệm quản lý?” – vị luật sư kiêm ‘nhà báo nghiệp dư’, có ý kiến từ góc nhìn ‘thuần về luật’.

Cùng luận bàn về yêu cầu tư nhân được quyền tự do sản xuất báo chí, một nhà báo hiện đang làm việc ở một tạp chí ‘vốn tư nhân – manchette nhà nước’, chia sẻ băn khoăn: “Tôi lấy ví dụ báo chí của chúng ta về mảng chính trị quá nặng, quan niệm về thế giới cũng vẫn còn bảo thủ, tư duy thù địch vẫn tồn tại. Điều này tương tự chuyện nhiệm vụ của con người là yêu nhau, còn nhiệm vụ của người Việt Nam là vừa yêu nhau vừa cảnh giác. Khi chúng ta cảnh giác thì chúng ta giảm bớt nồng độ của tình yêu, và do đó tình yêu ít hiệu quả. Phân tích cảnh giác và tình yêu, cái gì đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế và phát triển con người Việt Nam nhiều hơn, là nhiệm vụ của phân tích chính trị.

Tôi không khẳng định cái gì đúng, mà tôi đề nghị phân tích lợi ích mà con người có được trong quá trình cân đối giữa tình yêu và sự cảnh giác. Báo chí nhà nước và sự cần thiết của báo chí tư nhân cũng tương tự… ” – nhà báo của tạp chí ‘vốn tư nhân – manchette mậu dịch’ nói, và cho rằng chính mối bùng nhùng đó nên lắm khi người ta phải kêu gọi xin đừng để truyền thông ‘lề trái’ cứ mãi giễu cợt ‘lề phải’ về những tin tức hậu trường chốn cung đình (!?).

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự do báo chí và điều 117, Bộ Luật hình sự

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà báo tự do và quyền được tham gia hội đoàn

Do Van Tien

VNTB – Báo chí bị hạn chế tác nghiệp ở sự kiện “Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM”

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.