VNTB- Việt Nam trên tiến trình tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

VNTB- Việt Nam trên tiến trình tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Tiến trình này cụ thể ra sao thì đến nay vẫn chưa ai rõ; thậm chí người ta còn hoài nghi việc ‘thoát Trung’ rất có thể chỉ là chiêu thức tuyên truyền, vì hai quốc gia có một điểm chung là đồng minh cộng sản.

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hướng tới một nỗ lực ba bên mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc dự phòng trường hợp có một thảm họa khác như COVID-19 xảy ra trong tương lai. Chương trình này có tên là Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI).

‘Thoát Trung’ từ đại dịch Covid-19

“Việc chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó”. Mẫu câu này rất quen thuộc và hầu như mùa nào, năm nào trên báo chí Việt Nam người ta cũng bắt gặp rất nhiều bài viết có câu từ như thế, và người ta lại yêu cầu cần mạnh mẽ ‘thoát Trung’ hơn nữa.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia nhận diện rõ nguy cơ khi các chuỗi cung ứng của họ quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam càng thấm đòn, khi hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất vì thiếu nguyên liệu và tắc đầu ra.

Trong quan hệ thương mại, về mặt sản xuất, có sự khác biệt rõ giữa hai nước:  trong khi chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1% đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này nói lên mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với nền sản xuất của Việt Nam, lớn hơn hẳn so với chiều ngược lại. Đây là sự phụ thuộc rất đáng chú ý.

Khi bàn chuyện về phương thức giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, người dân có quyền hoài nghi về những giá trị đích thực từ các hiệp định thương mại gọi là “FTA thế hệ mới” mà Việt Nam đã ký kết (*). Hoài nghi vì người ta vẫn thấy rằng quanh đi, quẩn lại thì nền kinh tế của Việt Nam vẫn chịu chi phối của Trung Quốc; thậm chí là chi phối luôn cả các quyết sách về điều hành quốc gia.

Sở dĩ có hoài nghi cho chuyện ‘thân Trung’ hơn là ‘thoát Trung’, vì cho đến nay người ta chưa thấy được vấn đề cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam ra sao trước những yêu cầu của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Cải cách thể chế vẫn là từng bước dọ dẫm?

Trước tiên, thể chế có thể được hiểu là những yếu tố tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ…

Cải cách thể chế kinh tế là một khái niệm chính trị học liên quan đến sự vận hành của nhà nước đối với mọi nền kinh tế sản xuất hàng hóa.

Một vấn đề mà lâu nay được nêu ra song vẫn chưa có bước tiến triển nào rõ rệt, đó là định vị lại vai trò của ba trụ cột trong một thể chế kinh tế thị trường hiện đại là: Thị trường, Nhà nước và Xã hội; trong đó: (1) Thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực; (2) Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nhằm khắc phục những bất cập của thị trường, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển và chiến lược tăng trưởng bao trùm; (3) Xã hội đóng vai trò phản biện và giám sát.

Một đơn cử để dễ hình dung: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Về cơ sở pháp lý để ký kết hiệp định, theo Điều 1.1 của Hiệp định này, việc thành lập khu vực thương mại tự do phù hợp với Điều XXIV GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) và Điều V GATS (General Agreement on Trade in Services). Theo các quy định này, các cam kết trong EVFTA sẽ không được tạo thêm rào cản thương mại đối với các thành viên khác của WTO đồng thời phải dỡ bỏ gần như toàn bộ rào cản đối với thương mại nội khối.

Ngoài ra, lời nói đầu của EVFTA còn viện dẫn thêm các cơ sở pháp lý khác bao gồm Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) năm 2012; Hiến chương Liên Hợp quốc 1945; Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948; Hiệp định thành lập WTO và các hiệp định, thoả thuận song phương, khu vực và các hiệp định đa phương khác mà các bên là thành viên. Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1998, mặc dù được viện dẫn trong Chương 13 của Hiệp định này, nhưng không được nhắc đến trong Lời nói đầu như một cơ sở pháp lý cho toàn Hiệp định.

Các nội dung liên quan đến lao động nói chung và quyền tự do lập hội nói riêng được quy định tại Chương 13 EVFTA về Thương mại và Phát triển bền vững. Các quy định tại chương này nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc tăng cường cải thiện các khía cạnh liên quan đến thương mại và đầu tư của các vấn đề môi trường và lao động.

Vì sao lại tiếp tục chờ đợi đến năm 2023?

EVFTA dẫn chiếu đến các quy định của Tuyên bố ILO về nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 (ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work).

Tuyên bố ILO xác định bốn nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động gồm quyền tự do lập hội và quyền thương lượng lao động tập thể, quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động, xoá bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em, và quyền không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Bốn quyền và nguyên tắc cơ bản này được thể hiện trong bốn cặp công ước của ILO gồm Công ước 87 và 98 về tự do lập hội và thương lượng lao động tập thể; Công ước 29 và 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc, công ước 138 và 182 về xoá bỏ lao động trẻ em, Công ước 100 và 111 về xoá bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. EVFTA dẫn chiếu lại cả bốn nguyên tắc này.

Về quyền tự do lập hội , Điều 13.4 khoản 2 EVFTA quy định:

“2. Mỗi bên khẳng định các cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ trong ILO và Tuyên bố ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động […], sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản trong lao động, cụ thể là:

(a) quyền tự do hội họp và ghi nhận một cách có hiệu quả quyền thương lượng tập thể; […]”.

Như vậy, nếu Việt Nam mạnh mẽ trong ‘thoát Trung’ hơn nữa, thì có lẽ luật về quyền lập hội đã được rốt ráo thảo luận để sớm đi đến ban hành; đặc biệt là đã sớm sửa lộ trình phê chuẩn Công ước 87 ngay trong năm 2020, hoặc muộn lắm cũng là trong năm 2021, ngay nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam. Trong khi đó thì trên trang web của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vẫn tiếp tục ghi rằng phải đến năm 2023, Quốc hội Việt Nam mới phê chuẩn Công ước 87.

Bánh ít chưa đi, thì bánh quy chưa lại – đó là luật chơi chung của các FTA thế hệ mới.

_______________

Chú thích:

(*) Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trade Agreement) được hiểu là các hiệp định hợp tác kinh tế được ký giữa hai hay nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản với phần lớn hoạt động thương mại, đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên với nhau.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (3)
  • comment-avatar
    Minh Tangtuyet 4 years

    Phải đặt lại tựa là “Nguyễn Phú Trọng tìm cách giảm “nô Trung” để vớt vát phần nào uy tín cho Đảng…” thực tế mọi chuyện lớn nhỏ, đối nội, đối ngoại ở Việt Nam đều do ông Trọng quyết định hết…nhân dân đâu có vai trò gì?…

  • comment-avatar
    Ba-Hong Thai 4 years

    Vẫn cái bài đánh bóng mặt mũi để chuẩn bị đại hội đảng. một sự mất tin vạn lần mất tín.

  • comment-avatar
    HA Long Lac 4 years

    Cũng giống như chuyện chống ngập thôi.Càng chống,càng đổ tiền vào thì càng ngập lụt.Với thể chế này thì đừng mong điều gì tươi sáng hơn.