Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ cởi mở hơn về chính sách tôn giáo ở Tây nguyên?

 

Mai Lan

 

(VNTB) –  “Giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và với cả nước.”

 

Các “hiện tượng tôn giáo mới” có mặt ở Tây Nguyên trong những năm gần đây với cả hai chiều kích, đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng vốn đã đa dạng, lại càng trở nên đa dạng hơn.

Tôn giáo qua lăng kính thống kê

Một tham luận tại hội thảo “Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách”, cho biết về số liệu như sau:

Đạo Tin Lành được du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20 thế kỷ XX. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Đến tháng 12-2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên là 529.410 người, trong đó tín đồ là người dân tộc thiểu số khoảng 511.450 người (Đắk Lắk: 186.000 tín đồ; Gia Lai: 152.690; Lâm Đồng: 88.000; Đăk Nông: 76.050; Kon Tum: 17.710) chiếm 96,6% tổng số tín đồ đạo Tin Lành ở khu vực này.

Phật giáo ở Tây Nguyên phát triển tín đồ phật tử chủ yếu trong đồng bào Kinh (khoảng trên 600.000 phật tử), tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật rất ít so với sự phát triển và hoằng pháp chung của Phật giáo ở các vùng miền cả nước.

Đạo Cao Đài bắt đầu được truyền bá lên Tây Nguyên từ năm 1938 cùng với chính sách khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp. Tiếp đó, giáo hội Cao Đài các hệ phái Tây Ninh, Ban Chỉnh đạo đã cử chức sắc lên Tây Nguyên truyền đạo và xây dựng cơ sở.

Đến những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, nhiều hộ gia đình từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng được đưa lên Tây Nguyên sinh sống và mang theo tín ngưỡng của đạo Cao Đài. Từ đó, ở Tây Nguyên có thêm các hệ phái Cao Đài Chơn lý, Cao Đài Cầu Kho và hệ phái Truyền giáo Cao Đài.

Cũng như Phật giáo, đạo Cao Đài truyền lên Tây Nguyên chủ yếu phát triển trong đồng bào dân tộc Kinh với khoảng 22.000 tín đồ, số tín hữu Cao Đài là người dân tộc thiểu số rất ít.

Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ Công giáo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 30,9% tổng số người theo Công giáo của toàn vùng.

Công giáo truyền lên Tây Nguyên sớm, với mốc khởi điểm từ những năm 1765 và mốc chính thức đầu từ năm 1850 với khu vực truyền giáo đầu tiên ở Kon Tum, sau đến Lâm Đồng và Đắc Lắc. Trong quá trình phát triển, Công giáo ở Tây Nguyên hình thành 3 giáo phận: Kon Tum (1932), Đà Lạt (1960) và Buôn Ma Thuột (1967) với khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, hơn 630 linh mục (396 linh mục triều, 234 linh mục dòng), hơn 2714 tu sĩ nam nữ.

Tôn giáo – Sắc tộc – Chính trị

Trình bày tham luận tại hội thảo, phó giáo sư – tiến sỹ Lê Văn Lợi, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng với vị trí, vai trò chiến lược đối với đất nước, giải quyết quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên không chỉ liên quan đến sự ổn định, phát triển bền vững của Tây Nguyên mà còn đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên và với cả nước.

Theo ông Lợi, sự phát triển mạnh mẽ của đạo Tin lành trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành những cộng đồng dân tộc – tôn giáo. Ông Lợi đã dùng cụm từ “hiện tượng tôn giáo mới” khi bàn luận về trục tôn giáo – sắc tộc và thể chế chính trị đơn nguyên.

Dự báo về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên, ông Lợi cho rằng, các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài… sẽ vẫn tiếp tục đường hướng hành đạo để thích ứng, nhập cuộc sâu rộng hơn, toàn diện hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với các tộc người trên địa bàn Tây Nguyên, tiếp tục gắn bó chặt chẽ và đồng hành với dân tộc – quốc gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lợi cho rằng sự phát triển của tôn giáo tiếp tục làm rạn nứt, giải thể các thiết chế cộng đồng truyền thống và hình thành, phát triển các cộng đồng tôn giáo – tộc người, tộc người – tôn giáo ở Tây Nguyên, kể cả tính chất liên vùng, liên xuyên quốc gia và liên khu vực.

Sự thay đổi, phân hóa, liên kết, xung đột về tín ngưỡng, đức tin, về sinh hoạt văn hóa, lối sống diễn ra với nhiều cấp độ, không chỉ trong các địa bàn hành chính, trong các cộng đồng tộc người mà cả trong từng buôn làng, giữa các thế hệ, trong mỗi gia đình của các tộc người ở Tây Nguyên.

“Điều này có những khía cạnh tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không tránh khỏi sự đứt gãy, hẫng hụt về văn hóa, làm mai một các giá trị văn hóa đặc sắc quý báu của các tộc người Tây Nguyên. Hơn nữa, cùng với sự nổi trội vai trò của tôn giáo và chức sắc tôn giáo trong đời sống cộng đồng các tộc người là sự giảm sút vai trò của già làng, trưởng họ và nhất là sự mờ nhạt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở. Điều đó đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển bền vững Tây Nguyên” – ông Lợi cảnh báo.

Như vậy, với nhìn nhận của ông Lê Văn Lợi trên cương vị chủ trì hội thảo, cho thấy đang có yêu cầu của nhận diện lại mối quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên.

Bởi đang diễn ra sự giao thoa tiếp biến văn hóa, tác động qua lại giữa quan hệ dân tộc và tôn giáo. Tôn giáo làm biến đổi quan hệ dân tộc đồng thời quan hệ dân tộc có những tác động tới yếu tố địa phương hóa của tôn giáo khi vào Tây Nguyên. Điều đó đưa đến yêu cầu cần xác định một số vấn đề liên quan tới quan hệ dân tộc – tôn giáo khi hình thành cộng đồng tôn giáo – dân tộc ở Tây Nguyên để có những tu chỉnh thích hợp của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sinh viên ra trường “bao” có việc làm

Do Van Tien

VNTB – Hà Nội không coi ‘người Thượng’ là cư dân bản địa

Do Van Tien

VNTB – Niềm tin tôn giáo sẽ hỗ trợ việc quản lý trật tự xã hội tốt hơn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.