Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ đẩy mạnh giao thương với Nga trong bối cảnh ‘cấm vận’?

Mai Lan

 

(VNTB) – Liên bang Nga là nhà cung cấp thịt heo hàng đầu vào Việt Nam năm 2021 với kim ngạch 137 triệu USD

 

Liên bang Nga là nhà cung cấp thịt heo hàng đầu vào Việt Nam năm 2021 với kim ngạch 137 triệu USD, chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu thịt heo của Nga. Xuất khẩu phân bón của Nga vào Việt Nam năm 2021 tăng 162% so với năm 2020 và đạt 153,3 triệu USD.

Nguồn tin ngoại giao cho biết, chiều 7/4 (theo giờ địa phương), Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi tiếp đoàn Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga do Thứ trưởng Sergei Levin dẫn đầu đến thăm và làm việc nhằm bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu cho Liên bang Nga nhiều sản phẩm trong năm vừa qua như: cà phê 163 triệu USD (21% kim ngạch nhập khẩu của Nga), thủy sản 151 triệu USD (7,2%), hạt điều 55 triệu USD (88%), hạt tiêu 24,6 triệu USD (43%), trà 22 triệu USD (5,1%)…

Ngược lại, Liên bang Nga là nhà cung cấp thịt heo hàng đầu vào Việt Nam năm 2021 với kim ngạch 137 triệu USD, chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu thịt heo của Nga. Xuất khẩu phân bón của Nga vào Việt Nam năm 2021 tăng 162% so với năm 2020 và đạt 153,3 triệu USD.

Tường thuật từ báo chí Nga cho biết, mặc dù được cải thiện đáng kể song việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thị trường, mong muốn và năng lực của các doanh nghiệp hai nước.

Phía Nga nói rằng họ có nhiều mặt hàng thế mạnh có thể xuất khẩu sang Việt Nam, bao gồm lúa mì, bắp, dầu thực vật, phân bón.

Phía Việt Nam cho biết ngay cả trước khi xảy ra giao tranh Nga – Ukraine thì ghi nhận từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2022 vừa qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo đó, đối với thị trường Nga, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt trị giá 555,3 triệu USD các loại, chỉ chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chỉ chiếm 0,8%.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi ngày 18/3, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam đưa ra nhận định rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ làm giảm nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua đó, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, ít nhất là đến hết năm nay.

Thời điểm đó, ông Chinh lưu ý mức tăng cao nhất là giá lúa mì đã lên tới 9.850 đồng/kg, tăng tới 49,5%; khô dầu đậu tương là 16.500 đồng/kg, tăng 33,4%; bắp hạt giá là 10.200 đồng/kg, tăng 29,3%; bã bắp giá 10.300 đồng/kg tăng 23,1%. Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, cũng kéo theo giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp thị trường Việt Nam hiện đang ở mức cao.

Nếu so với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho heo thịt xuất chuồng là 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%), thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%) và thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).

Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho hay, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8/2022 đến nay đã tăng, giá bắp tăng lên 11.000 đồng/kg và giá đậu tương tăng lên 17.000 đồng/kg.

Trong một diễn biến liên quan, dường như phía Việt Nam không mấy mặn mà ở lúc này về giao thương hai chiều với đối tác Nga. Theo tin từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến thì, “Bộ đang bàn với Tập đoàn De Heus của Hà Lan để phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên để thành lập các hợp tác xã sản xuất sắn, ngô để giảm áp lực phải nhập khẩu”.

Nói thêm, với việc sở hữu 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH De Heus Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi thị trường độc lập cả về quy mô, sản lượng và doanh thu.

Những ngày cuối năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến bùng phát phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, đình trệ thì De Heus Việt Nam vẫn tất bật với việc tiếp nhận 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi mua lại từ Masan. Được biết, tổng công suất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi này lên tới gần 4 triệu tấn/năm, bao gồm số lượng thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) và thủy sản (cá, tôm)…

Trước đó, năm 2008, việc mua lại hai nhà máy tại Hải Phòng và Bình Dương đã đánh dấu lần đầu tiên De Heus gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Tháng 6/2020 De Heus đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia cầm tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tháng 9/2020 De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã triển khai Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đăk Lăk, với quy mô 200ha.

Vào đầu tháng 10/2021, tổ hợp đã đón 1.225 con heo cụ kỵ, ông bà được nhập khẩu trực tiếp từ Canada trên một chuyên cơ riêng về Việt Nam, chuẩn bị cung ứng con giống cho thị trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Xem ra chuyện Việt Nam đẩy mạnh giao thương với Nga ở thời điểm này theo lời ‘mời mọc’ của Nga, chủ yếu tiếp tục dừng trên bàn đàm phán ngoại giao.


Tin bài liên quan:

Tác Động Toàn Cầu Của Sự Xâm Lược Của Nga Vào Ukraine

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai sẽ bảo vệ những người lao động tự do?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cử tri chỉ cần giải pháp, không cần lý do

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo