Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam sẽ ‘thay thế’ Trung Quốc trong làm ăn với Apple?

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Apple lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

 

“Nhà sản xuất iPhone đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã cung cấp năng lượng cho sự tăng trưởng của nó” – mở đầu của bài viết trên The Wall Street Journal hôm 3-12-2022 cho hay như vậy.

Phần kết của bài báo nói rằng Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất cho các dòng sản phẩm khác như AirPods, Apple Watch và các mẫu MacBook. Còn Ấn Độ sẽ là quốc gia đảm nhận việc lắp ráp từ 40% đến 45% sản lượng iPhone.

Trong buổi công bố báo cáo tài chính quý II (quý kết thúc vào cuối tháng 3-2022) của Apple hồi đầu tháng 5, Apple cảnh báo sự thiếu hụt nguồn cung – phần lớn do Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19 – sẽ khiến doanh thu của hãng giảm đến 8 tỷ USD. Con số này tương đương với toàn bộ doanh số iPad của hãng trong 1 quý.

Hiện tại, nhiều linh kiện sản phẩm Apple được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Các linh kiện của iPhone, iPad, Mac và các sản phẩm khác được sản xuất trên khắp thế giới, từ Mỹ, sang Ấn Độ, Việt Nam, đến Nhật Bản. Luxshare Precision Industry Co. – nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc – cũng đã sản xuất tai nghe AirPods ở Việt Nam.

Nhưng điểm nghẽn thực sự trong sản xuất là quy trình lắp ráp (viết tắt là FATP – lắp ráp, kiểm tra và đóng gói hoàn thiện). Phần lớn thiết bị Apple đều trải qua quy trình FATP tại Trung Quốc. Đó là lý do tại sao MacBook Pro, iPad hoặc iPhone được ghi “Assembled in China”.

Đây là mô hình do Tim Cook tiên phong gây dựng lên, tập trung hoá việc lắp ráp tại một điểm trong khi linh kiện được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều thập kỷ, phương pháp này cho phép Apple hưởng lợi từ lao động chi phí thấp và các chính sách hỗ trợ của chính phủ – đồng thời tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, Apple bị ảnh hưởng lớn bởi chính hệ thống vận hành được xem là ưu việt này. Nhiều nhà máy của Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19, dẫn đến việc lắp ráp hoàn thiện thiết bị Apple với tốc độ chậm hơn, lượng hàng tồn kho ít hơn và doanh số thấp hơn.

Tuần lễ trước, tình trạng bất ổn tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu bắt đầu từ hôm 23-11, trùng thời điểm Trung Quốc có số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục, buộc chính quyền phải đưa ra ngày càng nhiều lệnh phong tỏa trên cả nước khiến người dân thất vọng.

Chính quyền thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ngày 24-11 thông báo người dân tại khu vực trung tâm thành phố sẽ không được phép rời đi nếu không có xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc được phép của chính quyền. Họ cũng được khuyến cáo không rời khỏi nhà khi không cần thiết. Biện pháp này bắt đầu từ 0g ngày 25-11 và kéo dài trong năm ngày. Khoảng 6 triệu người, tương đương một nửa dân số thành phố, bị ảnh hưởng.

Biện pháp nói trên được triển khai sau khi biểu tình bùng phát tại nhà máy Foxconn, đơn vị cung cấp lớn nhất của Apple, tại Trịnh Châu. Nhà máy này cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong hơn một tháng qua.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều công nhân chạy khỏi nhà máy. Một số cảnh quay cho thấy các công nhân đang phá bỏ hàng rào cách ly.

Hỗn loạn tại “thành phố iPhone” là nguyên nhân dẫn đến quyết định đẩy nhanh hơn nữa chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bằng việc yêu cầu các đối tác trong chuỗi cung ứng lên kế hoạch tăng cường lắp ráp tại Việt Nam và Ấn Độ.

Việc Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều thành phố khác nhằm theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) đã gây ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp phương Tây.

Những hạn chế đi lại của Trung Quốc khiến Apple khó cử các giám đốc điều hành và kỹ sư đến nước này trong 2 năm qua, khiến việc giám sát điểm sản xuất trở nên khó khăn.

Khi Apple đánh giá lại rủi ro chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và đa dạng hóa sản xuất nhiều hơn sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam; thì ở chiều ngược lại, từ bài học nhãn tiền Trung Quốc đã cho thấy các công ty và nhà đầu tư như Việt Nam chẳng hạn, ít nhiều họ cũng đang suy nghĩ về việc một khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ để kinh doanh…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – 43 năm cuộc chiến đấu chống giặc Trung Quốc: bài học nào cho Hà Nội hôm nay?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc và Việt Nam: Không khí đã bị đầu độc quá nặng nề

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bao dung: Qua Tết, có còn gặp lại?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo