Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB)
Phóng viên Không Biên giới (RSF) được báo động bởi sự gia tăng bất ngờ chiến dịch đàn áp các nhà bất đồng chính kiến do nhà cầm quyền cộng sản độc tài của Việt Nam đang tiến hành. Bảy blogger và nhà báo công dân đã bị bắt trong những tuần gần đây và hai người đã bị bắt giam một thời gian dài trước đó.
Trong một quốc gia mà chủ nghĩa dân tộc là điều cần thiết cho sự tồn tại của chế độ và những thất bại của chính phủ không được đề cập đến bởi truyền thông nhà nước thì các nhà báo công dân những người nêu lên những vấn đề này được coi là kẻ thù của quốc gia.
Trong hai tuần vừa qua, năm người đã bị bắt vì cáo buộc “lật đổ chính phủ” hoặc thực hiện các hoạt động “chống nhà nước” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Tất cả đều đang phải đối mặt với bản án tử hình vì những gì họ đã viết và đăng tải trên mạng xã hội.
Những người mới bị bắt hôm 30/7 gồm bốn cựu tù nhân lương tâm – các blogger Phạm Văn Trội và Nguyễn Trung Tôn, nhà báo Trương Minh Đức và luật sư nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển.
Họ bị buộc tội tiếp xúc với Nguyễn Văn Đài, một thành viên của Tổ chức Anh em Dân chủ, một hiệp hội của các cựu tù nhân lương tâm. Bản thân ông Đài đã bị bắt vào tháng 12 năm 2015 vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước ” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Blogger Lê Đình Lương bị bắt cóc bởi cảnh sát mặc thường phục tại tỉnh Nghệ An vào ngày 24/7, khi ông viếng thăm gia đình của Nguyễn Văn Oai, một nhà bảo vệ nhân quyền và một nhà báo công dân đã bị bắt giữ từ ngày 19/1.
Ông Lương là một công dân sống ở một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ xả thải độc hại bởi nhà máy thép Đài Loan vào tháng 4 năm 2016 và thường viết về vụ việc này trên Facebook. Là một cựu chiến binh, ông cũng viết về cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc năm 1979.
“Chúng tôi kiên quyết lên án các vụ bắt giữ và xét xử giả mạo trong vài tuần qua.” RSF nói. “Nhờ công nghệ mới, các nhà báo công dân ở Việt Nam có thể viết về sự phát triển và mô tả thực tế của đất nước một cách sống động khác với tuyên truyền của nhà nước”.
“Những vụ bắt giữ độc đoán này cần một phản ứng có hiệu quả từ cộng đồng quốc tế, bắt buộc các nhà chức trách Việt Nam phải trả tự do cho những người bị giam giữ và ngừng quấy rối các nhà báo công dân.”
Hy vọng mới cho autocrats
Việt Nam đang đàn áp tự do thông tin vì nhiều lý do, các nguồn tin nói với RSF. Những thay đổi trên trường quốc tế do cuộc bầu cử các nhà lãnh đạo mới, bao gồm cả Donald Trump ở Hoa Kỳ, đã cho phép chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn cho việc đàn áp.
Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã tôn trọng chủ quyền của Việt Nam bằng cách hạn chế các can thiệp trong các vấn đề nội bộ, tuy nhiên siêu cường này vẫn là một nhà vận động chính sách về quyền con người và đã cố gắng thúc đẩy Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.
Với chiến thắng ông Trump trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Washington đã không còn gây sức ép Hà Nội về vấn đề nhân quyền. Theo Jonathan London, một chuyên gia học thuật hàng đầu về Việt Nam, điều này đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch đàn áp đột ngột ở Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng đã xóa bỏ lý do để Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam cải thiện sự tôn trọng nhân quyền.
Các nhóm bảo thủ nhất của một đảng bị chia rẽ đang cố gắng sử dụng tình hình này để kìm kẹp thông tin trong nước. Bất cứ ai đăng các bài viết phản ánh xấu về chính phủ đều bị trừng phạt nặng nề, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng mới giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Những người viết blog nói về sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực thường bị sách nhiễu, tấn công hoặc truy tố, như trường hợp của Pham Minh Hoàng, một người bất đồng chính kiến gần đây bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Người viết blog thường đề cập đến việc xử lý sai lầm của chính phủ về thảm hoạ môi trường do xả thải độc hại từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh do Đài Loan sở hữu ở Hà Tĩnh vào tháng 4 năm 2016.
Hơn một năm trôi qua kể từ khi thảm họa môi trường xảy ra và đảng đã kỳ vọng những lời chỉ trích đã chết. Nhưng, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do thông tin, các nhà báo công dân đã tiếp tục viết về vấn đề này. Chính phủ hiện nay rõ ràng muốn làm tất cả họ câm lặng.
Những blogger không đồng tình với đảng thường bị đánh đập. Blogger Trần Thị Nga nằm trong số những nạn nhân của bạo lực thể xác trước khi bị bắt và bị kết án 9 năm tù ngày 25/7 vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger bị kết án mười năm tù vào cuối tháng 6, nói rằng sức khoẻ của Quỳnh ngày càng xấu đi và ban giám thj nhà tù từ chối cho cô nhận thuốc từ gia đình.
Trong khi đó blogger Nga đang phải chịu các biện pháp kỷ luật trong nhà tù, có thể bao gồm biệt giam trong những điều kiện khủng khiếp nhất, một biện pháp độc ác thường được sử dụng trong một nỗ lực nhằm bẻ gẫy ý chí của các nhà bất đồng chính kiến.
Việt Nam bị xếp hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2017 của RSF.