Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam tiếp tục ‘giao thiệp’ với Trung Quốc

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – “Giao thiệp” là từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sử dụng

 

Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có động thái làm phức tạp tình hình.

“Giao thiệp” là từ được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sử dụng, và nghĩa của “giao thiệp” trong ngữ cảnh này dường như không có trong từ điển tiếng Việt.

Ngày 7-3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc liên quan đến hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt nam, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định “Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông”.

Theo bà Hằng thì Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 4 đến 15-3 trong khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam của nước này và Việt Nam. Trung Quốc cũng cảnh báo tàu thuyền tránh xa khu vực diễn ra cuộc tập trận.

Một luật sư ý kiến rằng bên cạnh chuyện ‘giao thiệp’ gì đó theo cách dùng từ của giới ngoại giao, thì cần thiết ở đây là sự cứng rắn hơn nữa trong yêu cầu UNCLOS 1982.

“Tôi cho rằng, Việt Nam cần sớm kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế để đòi lại quần đảo Hoàng Sa và những đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước đây đã bị phía Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Việc khởi kiện, góp phần đoàn kết người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước; mặt khác thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng lãnh thổ Biển Đông hiện nay Việt Nam đang quản lý.

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng cường. Vì không bên nào xin bên nào được. Nếu Việt Nam lệ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì lâu dài Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí này gây bất lợi về chủ quyền cho Việt Nam. Việt Nam cần phải đối mặt với tình huống này, càng sớm càng tốt. Cái gì đến nó sẽ đến, đừng né tránh, để lâu Việt Nam càng bất lợi” – luật sư Hà Huy Sơn ý kiến.

Góc nhìn khác, một luật sư lâu nay vẫn thường hay gửi bài cộng tác trang Việt Nam Thời Báo cho rằng một khi Việt Nam đã thường xuyên “giao thiệp” với Trung Quốc thì để hiệu quả hơn, cần nghiên cứu chọn thêm một vấn đề nào nữa đó bên cạnh chuyện Hoàng Sa – Trường Sa để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đơn cử như luật hải cảnh mới đây của Trung Quốc chẳng hạn.

“Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố việc ban hành luật hải cảnh là “một hoạt động lập pháp bình thường” và “các nội dung liên quan đều phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế”. Theo bộ luật này, nhân viên hải cảnh sẽ tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trên các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và trong vùng trời phía trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Phạm vi các “vùng biển thuộc quyền tài phán” được Bắc Kinh áp đặt cho hầu hết diện tích khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh về các vùng nước có quyền tài phán ở Biển Đông từ lâu đã mâu thuẫn với UNCLOS 1982. Cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, yêu sách ranh giới biển được Trung Quốc áp dụng ở đây hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái ngược với thực tiễn quốc tế hiện hành.

Đôi co lời qua tiếng lại trong “giao thiệp” giữa Việt Nam – Trung Quốc trong vấn đề ở trên thay vì cứ dằng dai, nên rất cần đến một tổ chức chuyên trách thứ ba đứng ra phân xử đúng sai về mặt công pháp quốc tế” – vị luật sư này ý kiến.

Bản tin của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA).

Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km.

Thông báo tập trận không cho biết thông tin cụ thể về độ lớn của cuộc tập trận này nhưng yêu cầu các tàu thuyền tránh đi vào khu vực này.

Vào tối ngày 1-3, MSA cũng thông báo một cuộc tập trận vào ban đêm từ 23 giờ ngày 1-3 đến 0 giờ ngày 2-3. Khu vực tập trận nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo cũng không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Trong tháng hai vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo thông báo của MSA.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sống trong tâm trạng phập phồng của khủng bố

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc?

Trương Thế Tử

VNTB – Có thật là họ sợ mất ghế?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo