VNTB – Việt Nam vẫn còn dùng dằng về nhà nước kiến tạo hay khởi tạo?

VNTB – Việt Nam vẫn còn dùng dằng về nhà nước kiến tạo hay khởi tạo?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Muốn đưa ra tầm nhìn chiến lược và các chính sách cụ thể phải giải phóng ra khỏi những tư tưởng, lý luận có tính giáo điều, xa rời thực tiễn.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng Chính phủ có thể tham khảo mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển của các nước Đông Bắc Á và Nhà nước khởi tạo của Mỹ.

Ý kiến đa chiều thảo luận về vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, giữa nhà nước với khu vực doanh nghiệp ở cuộc tọa đàm “Từ Chính phủ Kiến tạo đến Nhà nước Khởi tạo: Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế 4.0” do Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm mô hình “Nhà nước Kiến tạo Phát triển” có thể là một lựa chọn phù hợp cho Việt Nam.

Đặc trưng của mô hình này là nhà nước có chương trình công nghiệp hoá tham vọng và can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy chương trình đó. Như vậy, đặc trưng của nó là nằm giữa hai mô hình: nhà nước kế hoạch hoá tập trung của các nước xã hội chủ nghĩa, và nhà nước điều chỉnh (mô hình Anh – Mỹ), theo đó nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường thất bại.

“Một trong những lý do Nhà nước Kiến tạo Phát triển của các nền kinh tế Đông Bắc Á có thể thúc đẩy phát triển là vì nó có một nền hành chính công vụ tinh hoa. Nền hành chính công vụ tinh hoa bắt đầu từ truyền thống khoa bảng, thi tuyển người tài. Công chức của nền hành chính này đặt trọng văn hoá liêm sỉ là cơ sở quan trọng cho sự thành công của bộ máy hành chính công. Đây là một nền tảng rất quan trọng” – theo ông Nguyễn Sĩ Dũng.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, lưu ý rằng hiện tại, Việt Nam đã gia nhập WTO, CPTPP, EVFTA, RCEP và các Hiệp định Thương mại Tự do song phương, nên Việt Nam không thể sử dụng các công cụ bảo hộ mà các nước Đông Bắc Á đã có trong giai đoạn trước.

“Vấn đề của Việt Nam là khi nhà nước có vai trò thì lại thường đẩy vai trò đó lên quá mức. Ví dụ như nhà nước có thể có vai trò tài trợ cho các dự án nghiên cứu, nhưng nhà nước có nên trở thành người thực hiện các nghiên cứu này hay không lại là một dấu hỏi lớn về tính hiệu quả” – theo ông Vũ Thành Tự Anh.

“Giống như một đàn ngựa trên thảo nguyên, phải để cho tất cả đều chạy, con ngựa nào mạnh nhất thì chiến thắng, thay vì cách làm lâu nay của Việt Nam là lựa chọn sẵn con thắng cuộc.

Do đó, phải kết hợp vai trò của nhà nước với cơ chế cạnh tranh thị trường để sàng lọc khắc nghiệt thì mới có dự án, công trình thực sự hiệu quả. Nếu không sợ rằng với đội ngũ làm chính sách, công chức không đủ hiểu biết, không thực sự liêm chính, chịu thao túng của lợi ích tư nhân thì một khoản tiền ngân sách khổng lồ có thể đổ sông đổ biển” – ông Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân.

“Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm – Danh dự – Lương tâm” – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Ông Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản, trong một tham luận bàn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đặt vấn đề của mâu thuẫn về lý luận và thực tiễn giữa hai khái niệm kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội.

“Tôi thấy có hai nhóm ý kiến hoặc hai nhóm chuyên gia: Một là của các vị làm công tác quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp trong bộ máy nhà nước, thường xuyên phải tiếp cận với các vấn đề thực tiễn, phải tìm cách giải thích đường lối, nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam sao cho hợp với thực tiễn.

Nhóm thứ hai là những vị có vai trò lãnh đạo trong các cơ quan lý luận, tư tưởng của Đảng như Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các bài viết của các vị lãnh đạo lý luận, tư tưởng ấy rất tiếc chỉ khẳng định lại những chủ trương đã cũ, xa rời với thực tiễn, đặc biệt là chỉ tham khảo, trích dẫn Văn kiện Đại hội Đảng và sách kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin, chứ không đọc những nghiên cứu mới, không xét đến những thay đổi trên thế giới và tại Việt Nam.

 Tuy nhiên qua các bài viết này, ta đọc được lý do tại sao Đảng kiên trì muốn duy trì chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là lý do có sự khó hiểu trong khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng dù không có sức thuyết phục, những khẳng định của các vị trong nhóm thứ hai này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình phát triển trong nhiều năm tới của Việt Nam nếu vẫn kiên trì với lý luận và tư tưởng này.

Nếu như vậy thì con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai rất đáng lo” – ông Trần Văn Thọ, nhận xét.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)