Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tính đến hiện tại thì quyền tự do hiệp hội theo Công nước 87 vẫn chưa được Việt Nam phê duyệt.
Việt Nam chần chờ phê duyệt Công ước 87
Công ước 87 được xem là Công ước nổi bật và mang tính nền tảng nhất trong số hơn 50 Điều ước, Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có liên quan đến quyền tự do hiệp hội. Tuy nhiên, khi đề cập đến quyền tự do hiệp hội theo các tiêu chuẩn của ILO, người ta còn đề cập đến Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Mặc dù có sự độc lập về nội dung, hai Công ước cơ bản này của ILO được xem là “cặp đôi” quan trọng trong việc thực thi quyền tự do hiệp hội.
Quyền tự do hiệp hội theo Công ước 87 gồm các nội dung chính sau: Công ước 87 ghi nhận quyền tự do thành lập và tham gia hiệp hội của người lao động. Cụ thể, người lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, có quyền được thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước, với “điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó. Sự tự do lập hội còn được thể hiện ở việc các tổ chức của người lao động phải được hưởng.
Sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình. Có nghĩa, theo Công ước, người lao động và người sử dụng lao động đều được thành lập tổ chức của mình, và không được can thiệp vào hoạt động của nhau. Tuy nhiên, người lao động là chủ thể có vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động, do đó, Điều 1 Công ước số 98 có quy định nhằm bảo vệ cho chủ thể này. Theo đó, người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử người lao động vì lý do họ tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp.
Đồng thời, người sử dụng lao động cũng không được chi phối hoặc hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sừ dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.
Luật hóa quyền tự do hiệp hội phù hợp Công ước 87
Quyền tự do thành lập và tham gia hiệp hội được thể hiện qua một số nguyên tắc như: Không phân biệt đối xử, không phải xin phép, được tự do lựa chọn tổ chức theo mong muốn của người lao động.
Như vậy theo ý nghĩa nội luật hóa cho thấy rất cần thiết việc Quốc hội phê chuẩn Luật về quyền lập hội mà mấy nhiệm kỳ trước đó của Chính phủ đã từng khởi động để thay thế Luật số 102/L.0 của Quốc hội, về quyền lập hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 01-01-1957.
Một dự án Luật Về hội đã được dự kiến thông qua vào cuối năm 2016, song phút chót đa số ý kiến đại biểu đồng ý chưa thông qua. Đa số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý Nhà nước. Và kể từ đó dự luật này vẫn chưa biết bao giờ sẽ tái khởi động.
Những nhiệm kỳ chờ đợi
“Chúng ta đã bắt tay chuẩn bị Luật về Hội từ 1986 khi cả nước bắt đầu tiến hành công cuộc “đổi mới” – Phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức tại thành phố Vũng Tàu.
Còn theo ông Đặng Đình Luyến – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa 13, thì, “Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22-9-2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế… Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004 – 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội. Đề nghị Bộ nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội”.
Xem chừng ở năm cuối cùng nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, món nợ về “quyền lập hội” vẫn chưa thấy “điểm sáng” nào cho hứa hẹn trình ở Quốc hội trong năm Giáp Thìn 2024.
1 comment
Chỉ mong tác giả nhớ cho, Quyền tự do hiệp hội của người lao động theo Công ước 87 chỉ có VNCH aka Ngụy nó OK. Chế độ này không phải là Ngụy, chỉ mong tác giả vẫn đề cao cảnh giác, đề phòng những nguy cơ giải pháp VNCH, ngay cả dưới vỏ bọc của công ước quấc tía