VNTB – Việt Nam với ám ảnh thao túng tiền tệ

VNTB – Việt Nam với ám ảnh thao túng tiền tệ

Phạm Lê

 

(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hòa, bền vững.

 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Mong manh lằn ranh của 3 tiêu chí

Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” do Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố hôm 16/4/2021, cho biết Việt Nam đáp ứng  được từ một đến hai trong ba tiêu chí của Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015:

(1) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (2) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (3) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Như vậy trước mắt cho thấy Việt Nam tuy được đánh giá không có đủ bằng chứng để xác định thao túng tiền tệ, song với 3 tiêu chí kể trên cho thấy vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với những nhà quản trị quốc gia.

Trước đó, phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam ở tiêu chí 1, đến tháng 6/2020 đã thặng dư 58 tỷ USD, tiêu chí 2 là thặng dự tài khoản vãng lai 4,6% GDP và tiêu chí thứ 3 là lượng ngoại tệ mua vào 5,1% GDP (16,8 tỷ USD) trong 4 quý tương ứng.

Ngay sau đó, phía Việt Nam có động thái là số liệu về GDP của Việt Nam sau khi tính toán lại, GDP được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố tăng thêm trên 25% năm 2019 so với GDP hiện được áp dụng.

Còn với tiêu chí thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, phía Việt Nam nói rằng chỉ mới tính đến hàng hóa, chưa tính đến dịch vụ trong khi Hoa Kỳ xuất khẩu đáng kể dịch vụ sang Việt Nam. Điều này được Hoa Kỳ công nhận ngay trong báo cáo.

Quân bài chính trị

Thực tế, nhiều đối tác đã được đưa ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ nhờ tính thêm cả thương mại dịch vụ theo hướng giảm thiểu đáng kể thâm hụt của Hoa Kỳ. Tỷ trọng thương mại dịch vụ do Hoa Kỳ cung cấp tăng lên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thặng dư từ phía Việt Nam.

Việt Nam cũng tính toán để mở rộng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, nhằm thu hẹp thặng dư thương mại từ phía Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Viêt Nam gần 300 tỷ USD, cho nên việc điều chỉnh thị trường nhập khẩu từ ngoài Mỹ sang nhập khẩu quy mô lớn hơn hàng hóa của Mỹ gồm: phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị công nghiệp cao cấp, nông sản… và dịch vụ.

Trước đó, có ý kiến rằng cần lưu ý việc ‘thao túng tiền tệ’ từng được hiểu là quân bài chính trị chứ không phải vấn đề thương mại, nhưng rồi tới thời ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu “làm nước Mỹ hùng cường trở lại”, thì ông Trump đã nhắm thẳng vào Trung Quốc để trừng phạt nước này. Lý do được ông Trump đưa ra là Trung Quốc đã sản xuất ra hàng giá rẻ, rồi bán sản phẩm cho Mỹ, khiến cho các công xưởng của Mỹ phải đóng cửa, gây ra tình trạng thất nghiệp tại nhiều nơi.

Không những vậy, các công xưởng của Mỹ dần di dời qua Trung Quốc để sản xuất rồi xuất khẩu hàng giá rẻ trở lại nước Mỹ. Ông Trump cho rằng “Trung Quốc đã sống trên lưng người Mỹ” một thời gian dài.

Trung Quốc đã từng nằm trong danh sách thao túng tiền tệ cho đến tận năm 2019, sau khi 2 nước có những thương lượng quan trọng thì Mỹ mới rút Trung Quốc ra khỏi danh sách.

Trở lại với Việt Nam.

Trong khi cán cân vãng lai của các nước tăng cao do thương mại thì ở Việt Nam, cán cân vãng lai thặng dư chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài. Đây là những khoản người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về để trợ cấp cho người thân trong nước.

Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Mỹ quy định là 2% GDP. Và chính điều này cho thấy lại thêm yếu tố tiếp tục đe dọa về nỗi ám ảnh cáo buộc “thao túng tiền tệ”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)