VNTB – Viết về anh Nguyễn Tường Thuỵ

VNTB – Viết về anh Nguyễn Tường Thuỵ

Luật sư  Lê Quốc Quân 

 

(VNTB) – Anh Nguyễn Tường Thuỵ là một người yêu nước. Tôi cảm nhận rõ điều đó qua lời anh nói, qua việc anh làm. Anh là một người lính sống chính trực, chân thành với tất cả những người trong quân đội cũng như anh em hoạt động dân chủ sau này. 

 

Đã hơn 4 tháng chính quyền bắt anh đem đi với cáo buộc về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền, thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm Chống nhà nước CHXHCNVN” theo điều 117 BLHS năm 2015. Điều khoản này gần tương đương với Điều 88 BLHS năm 1999 mà nhiều nhà hoạt động trong và ngoài nước đã vẽ nên như 2 chiếc còng số 88, sẵn sàng tra vào tay người yêu nước. 

Anh Nguyễn Tường Thuỵ là một người yêu nước. Tôi cảm nhận rõ điều đó qua lời anh nói, qua việc anh làm. Anh là một người lính sống chính trực, chân thành với tất cả những người trong quân đội cũng như anh em hoạt động dân chủ sau này. 

Tôi thường băn khoăn, điều gì đã dẫn đưa một con người gần như đã dành cả cuộc đời mình trong quân ngũ trở thành một cây viết say mê ủng hộ cho dân chủ tự do.?

Câu trả lời là bằng chính nhận thức của anh và quá trình đó đã xảy ra rất lâu. Anh là người thông minh và dũng cảm. Từ thời kỳ học cấp 3 cũng như sau này bổ túc Đại học kinh tế, anh luôn đứng trong Top đầu của lớp. Anh gia nhập quân ngũ từ năm 17 tuổi và ngay khi vào bộ đội thì có giấy gọi đi học nước ngoài. Trong quân đôi, anh làm liên lạc viên rồi huấn luyện quân lính và sau này về Binh đoàn 11, Tổng cục hậu cần. Ở vị trí nào anh cũng thể hiện rõ năng lực và tính độc lập. Anh còn là người rất bản lĩnh vì ngay khi vừa mới vào bộ đội phải đi học chính trị và bài giảng buồn tẻ quá nên anh ngồi ngáp. Giảng viên hỏi, “ai ngáp đó” anh đứng thẳng dậy, nói tôi “ngáp vì bài giảng buồn ngủ quá”. 

Tất nhiên một con người dũng cảm dám thể hiện bản thân như vậy thì bị soi mói nên hơn 30 năm trong quân đội nhưng anh không là đảng viên. Anh luôn bị theo dõi và trù dập vì đã nhiều lần bộc lộ đứng về phía những ngừoi bị bất công. 

Tôi biết anh vào sự kiện Thái Hà xảy ra năm 2008 nhưng thực sự quen thân và gắn bó với anh vào mùa hè năm 2011 khi cùng tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nhiều bài viết, bài thơ của anh thực sự gây ấn tượng với tôi và những người tranh đấu, đặc biệt là những bà con giáo dân. 

Anh luôn quan tâm, giúp đỡ mọi ngừoi một cách chân thành, thường xuyên hiện diện với bà con dân oan, với giáo dân Thái Hà. Ngôi nhà của anh là một địa chỉ tin cậy để các nhóm, các anh em thường xuyên gặp mặt. Chị Lân, vợ anh, là một người rất hiếu khách. Chị sẵn sàng rộng cửa đón tiếp tất cả mọi người đến với anh để dùng cơm và hàn huyên chuyện thời sự. 

Trong giai đoạn tôi bị đi tù, Anh thường đên thăm gia đình động viên. Anh còn đi sang tận Hoa Kỳ để vận động chính giới lên tiếng cho tôi. Ngày ra tù, tôi đã thông báo với anh em bạn bè là sẽ về Hà Nội rất khuya và dặn đừng đi đón. Thế nhưng ngay khi vừa bước ra cửa sân bay thì anh Thuỵ cùng nhiều người đã chuẩn bị băng rôn và hoa chào đón tôi thật trang trọng và xúc động. Anh ôm tôi khi vừa gặp, cảm thấy tràn ngập tình người, nồng ấm tình anh em. Cảm xúc đó tôi không bao giờ quên. 

Tại sao anh lại bị bắt? 

Bởi vì anh là người chính trực, yêu nước và chưa bao giờ ngừng lên tiếng. Đối với nhà nước thì việc lên tiếng chống lại những bất công, sai trái, lên tiếng để phản biện xã hội một cách công khai và tự do là không được. Đây chính là điều khác nhau giữa một xã hội tôn trọng cá nhân và quyền con người với một xã hội hướng độc tài, coi quyền con người chỉ là phần thứ yếu trong quyền “an ninh quốc gia” một cách tập thể, mơ hồ.

Anh là cái gai trong con mắt của chính quyền. Khi còn các cuộc biểu tình, hâu như anh không vắng mặt buổi nào, khi hoạt động cho hội nhà báo, hầu như anh chưa bỏ buổi sinh hoạt nào. Anh mong muốn đem đến tự do thực sự cho báo chí Việt Nam. Nhà nước nói bắt anh là do mở rộng điều tra vụ án sau khi đã bắt tiến sỹ Phạm Chí Dũng vào tháng 11/2019 vì anh tham gia vào Hội nhà báo độc lập. 

Nhà nước đi bắt một ông già 70 tuổi mà họ mai phục như đi đánh trận. Tôi nghe chị Lân kể lại là họ đã thuê văn phòng gần bên để nghe ngóng nhiều ngày, đã “ém quân” tại nhà cộng đồng của chung cư, đã dẹp toàn bộ hàng quán xung quanh vào ngày bắt giữ. Vào ngày 23/5 đó, tất cả cứ lặng yên như tờ cho đến khi hàng chục kẻ thường phục từ các chỗ ẩn nấp cầu thang xộc lên, lao xuống, xô cửa vào bắt anh khi anh ra mở cửa. Sự lộn xộn cũng như các hành vi côn đồ và lời nói xúc phạm tôi không thể kể hết.  

Cáo buộc Điều 117, Anh sẽ như thế nào? 

Điều 117 của BLHS hiện tại thì nội hàm mở rộng hơn so với Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Nó chi tiết hơn nhưng cũng bao trùm hơn, do đó nguy hiểm hơn cho người dân. Điều Luật này quy định việc: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm, có nội dung xuyên tac, phỉ báng chính quyền là phạm tội. Điều đó có nghĩa là chỉ cần viết, vẽ, sao chép, in ấn, kể lại…những điều mà nhà nước cho rằng “gây bất mãn với chế độ, hoặc kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét nhà nước…” thì đều vi phạm. 

Tóm lại ai “chống” Nhà nước thì đều có thể bị bắt bất luận bạo động hay ôn hoà, công khai hay bí mật, quy mô lớn hay bé. Mà “chống” hoàn toàn do sự diễn dịch của các cơ quan công quyền. Những lời nói thật, những hành động đúng hoàn toàn có thể bị/được diễn giải theo hướng vi phạm Điều 117 nếu như Nhà nước cho rằng các cá nhân thực hiện hành vi đó là với thái độ “chống”. Ví dụ một hành động sai trái của người đại diện Chính quyền bị phát hiện và lên án, nhưng Nhà nước thấy rằng việc lên án đó là “làm hoang mang dư luận, là bất lợi, suy yếu nhà nước…” thì người phát hiện, người lên tiếng chống lại hành vi xấu đó cũng có thể bị kết tội. 

Trong khi hô hào đổi mới Tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, những vụ bắt bớ và kết án gần đây, đặc biệt là với vụ Đồng Tâm, càng cho thấy sự đi xuống của một nền tư pháp. Tất cả bằng chứng đều cho thấy rằng ý chí của đảng cộng sản là cơ sở quan trọng nhất của việc ra quyết định bắt giữ và kết án chứ không phải hậu quả của hành vi mà những người bất đồng chính kiến thực hiện. Với cáo buộc đó thì bản án với Anh Nguyễn Tường Thuỵ, cũng như các nhà đấu tranh khác bao nhiêu năm là hoàn toàn do đảng cộng sản quyết định. Hàng loạt vụ án chính trị vừa qua thể hiện răng việc kết án càng ngày càng nặng mặc dù hành vi là được nhìn nhận là “ít nguy hiểm hơn” cho chế độ cầm quyền.  

Theo tôi, nếu diễn dịch đúng thực tế việc bắt giam cả 3 người ở độ tuổi 70 là Anh Phạm Chí Thành, Anh Trần Đức Thạch Anh Nguyễn Tường Thuỵ gần đây khi họ bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà, là một hành vi “chống” Nhà nước. Nghĩa là những hành vi bắt và kết án những người yêu nước, cũng như tấn công vào Đồng Tâm ban đêm, bắt người và xét xử với án nặng, bản thân nó, sẽ “lan truyền, kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét nhà nước” và như vậy: Bản thân các hành vi bắt giữ, kết án là vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự. 

Để nói về nhà nước, về luật pháp nước CHXHCN Việt Nam thì không thể nào hết được. Tôi đã từng nói “vô pháp”. Bạn tôi bảo “có pháp đâu mà vô”. Nhưng dưới góc độ cá nhân,  vào giờ này, ngồi yên tĩnh một mình tại vườn, nơi tôi cùng anh đã nhiều lần ngồi với nhau, bên bếp lửa hàn huyên, tôi rất nhớ anh. 

Tôi nhớ một con người thẳng thắn, không bao giờ luồn cúi trước bạo quyền mà cũng tràn đầy lòng yêu mến anh em, bè bạn. Tôi nhớ có lần bưng bát cơm lên anh còn nói với con “Các con có biết có nhiều ngừoi không có cơm để ăn không?”. Một người nặng lòng với nhân dân, đất nước như vậy mà bị bắt vì “chống nhà nước”, thì đó là nhà nước đó là cái gì?  

 

 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)