Việt Nam Thời Báo

VNTB- VN ‘miễn visa 5 cho nước Tây Âu’: Đá ném ao bèo

Phương Thảo (Hà Lan)


(VNTB) – Từ ngày 1/7/2015, chính phủ Việt nam miễn visa cho 5 quốc gia Âu Châu nữa để kích thích du lịch. Nhưng nếu đọc kỹ lại thông tin thì niềm vui cũng không còn vì thị thực chỉ có thời hạn 15 ngày, cũng vẫn như không miễn gì cả.
Lỗi tại ai?
Người dân phần nào có lỗi khi không tham khảo biểu phí niêm yết trên trang mạng. Lý do? Muốn tiện lợi và lười tra cứu nên chọn cách gọi điện thoại để hỏi cho nhanh. Lỗi của người dân quá tin tưởng vào sự liêm chính của các nhân viên cơ quan đại diện nhà nước Việt nam tại hải ngoại và không thắc mắc tìm hiểu nguồn căn của giá biểu trên trời.
Tuy nhiên ngay bản thân tôi cũng ngại tra cứu trang mạng của cơ quan lãnh sự vì giao diện nhìn không rõ ràng, đơn điệu, không thân thiện với người sử dụng. Các hình ảnh, tin tức cập nhật nhàm chán, kích cỡ chữ nhỏ. Các thông tin bằng tiếng Anh không đầy đủ, nhất là biểu phí hoàn toàn không có bản tiếng Anh.
Cơ quan lãnh sự có lỗi lớn khi để nạn lạm thu hay nói trắng ra là tham nhũng lộng hành. Ngoài tham nhũng còn có cả nói dối không chớp mắt khi được hỏi giá biểu phí qua điện thoại hay trực diện. Các cơ quan lãnh sự Việt nam đã rất “thành công” trong việc “xuất khẩu mặt hàng” này ra thị trường quốc tế.
Chúng tôi không ngại việc phải mua thị thực hay chứng thực giấy tờ với giá quy định vì chúng tôi biết chắc số tiền đó sẽ được đóng vào ngân sách. Nhưng nếu việc thu phí này sẽ được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng thì có lẽ mọi thứ đã được rõ ràng trắng đen và không ai phải mất thời gian.
Miễn cũng như không
Từ ngày 1 tháng 7 năm nay, chính phủ Việt nam miễn visa cho 5 quốc gia Âu Châu nữa để kích thích du lịch. Người Việt ở các nước được miễn visa hào hứng vì sẽ bớt được một khoản tiền xin visa và đỡ mất công đi lại. Nhưng nếu đọc kỹ lại thông tin thì niềm vui cũng không còn vì thị thực chỉ có thời hạn 15 ngày. Nếu là du khách đi theo các công ty du lịch lữ hành, thời gian lưu trú của khách thường là 12-14-18 hay 21 ngày. Chỉ các du khách đi theo các tour dưới hai tuần sẽ được miễn, nhưng với du khách có thời gian lưu trú lâu hơn thì vẫn không có gì thay đổi.

Với người Việt hải ngoại, hiếm ai về thăm gia đình dưới hai tuần mà thường sẽ là ba hay bốn tuần trở lên. Vậy thì với Việt Kiều và thân nhân vẫn không phải là một bước tiến mới nếu họ không xin miễn thị thực năm năm. Vậy thì miễn thị thực 15 ngày như vậy cũng vẫn như không miễn gì cả.

Sau một thời gian hoạt động góp tiếng nói nâng sao sự minh bạch ở các cơ quan lãnh sự, số người tham gia vào trang Tôi và Sứ Quán đã lên đến 6 nghìn người. Những bức xúc đã được chia sẻ và tiếng nói của người dân đã được các cơ quan lãnh sự phần nào phải tiếp nhận.

Trang web của đại sứ quán Việt nam ở Pháp đã có điều chỉnh khi thông báo rõ thời hạn tối thiểu chờ xử lý hồ sơ xin miễn thị thực đồng thời niêm yết giá biểu phí xử lý hồ sơ nhanh. Các cơ quan lãnh sự một số nước cũng đã trả lời các email khiếu nại của công dân và hứa hẹn xử lý khi có thể. Ngoài ra cơ quan lãnh sự Việt nam ở Hà lan, Đức cũng đã thu gần đúng với biểu phí quy định với một số trường hợp đặc biệt khi xin miễn thị thực lần hai với giá lần lượt là 10 và 7,5 euro.
Đá ném ao bèo
Cơ quan lãnh sự trả lời thư kiến nghị nhưng chỉ dừng ở mức sẽ chuyển giao cho người có trách nhiệm xem xét. Việc xử lý người vi phạm hoàn toàn không công khai mà chỉ len lén trả lại tiền lạm thu cho những người dám phản đối, ai không phản đối thì vẫn phải nộp giá cao. Chỉ với 20 đô la lỡ kẹp vào hộ chiếu mà một người Việt nam bị câu lưu ở biên giới Ba lan do bị tình nghi phạm tội hối lộ nhân viên công lực. Trong khi đó, cơ quan ngoại giao vẫn xem việc tham nhũng này chỉ là việc nhỏ, không xử lý nghiêm túc trong khi đây là vấn đề thể diện quốc gia. Một khi không được xử lý đích đáng thì mọi chuyện sẽ lại như cũ khi cơn thịnh nộ lạm thu đã đi qua.
Người Việt nam đa số vẫn không buồn tranh đấu và bảo vệ quyền lợi chung. Họ vẫn không mặn mà với chuyện ký tên, một số người lên tiếng phản đối đâu đó, còn ở Hà lan vẫn không hề dậy sóng, số người ký tên kiến nghị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng không thể trách họ, ở xứ tự do anh có quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình và tôi hiểu nỗi lo sợ từ trong tiềm thức của họ.

Sợ bị làm khó dễ khi có việc phải liên hệ với đại sứ quán. Cứ một lần đi đến sứ quán đã vừa mất thời gian vừa mất tiền mà lại không được việc, sau đó phải tiếp tục một lộ trình tương tự nữa thì không ai muốn làm. Như vậy để cho nhanh họ đã chọn việc chấp nhận tốn nhiều tiền. Tiền lệ này vốn là căn bệnh trầm kha ở Việt nam, khi muốn làm việc gì cứ phải chi thêm tiền để được việc. 

Sợ bị ghép vào tội chống phá nhà nước hay phản động, một khái niệm bị đánh lận để hù doạ dân chúng. Công tác tuyên truyền này đã rất thành công khi không mấy người dám mở miệng phản đối các việc làm sai trái của cơ quan lãnh sự. Khi phạm tội phản động sẽ đồng nghĩa với việc không được về Việt nam thăm gia đình quyến thuộc và bị theo dõi, làm khó dễ với thân nhân còn ở lại trong nước. Không được về Việt nam thì coi như mất hết tài sản đã gom góp tiền bỏ ra đầu tư chưa kể đến việc có thể bị cấm nhập cảnh vào Việt nam.

Nhiều người Việt vẫn giữ lối sống không minh bạch ở nước ngoài khi họ chấp nhận đi làm nhận tiền trốn thuế và sợ va chạm với nhân viên công quyền nước sở tại. Nếu lỡ có ký tên hay phản đối chẳng may bị tố cáo ngược thì họ lại mất đi nguồn thu nhập ít nhiều. Việc nhầm lẫn đấu tranh chống lại việc làm sai trái đồng nghĩa với chống lại cơ quan lãnh sự, và chống lại nhà nước Việt nam cũng không phải là thiểu số. Vì vậy dù bất bình người Việt nam vẫn không dám ra mặt phản đối và cam chịu làm con gà đẻ trứng vàng cho cơ quan lãnh sự.

Tin bài liên quan:

VNTB – Người Mỹ đã quên Người Việt

Phan Thanh Hung

VNTB – Cuộc chiến của Putin và vụ ám sát Nemtsov

Phan Thanh Hung

Vì sao Đức Giáo Hoàng hướng về phía Châu Á?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo