Hiếu Bá Linh
(VNTB) – Đệ nhất phu nhân Ngô Thị Phương Ly tháp tùng phu quân Tô Lâm đi công du nước ngoài lần đầu tiên sau khi Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư – Chủ tịch nước
Ngày mai 18/8 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng Đệ nhất phu nhân Ngô Thị Phương Ly sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây là lần đầu tiên Đệ nhất phu nhân Ngô Thị Phương Ly tháp tùng phu quân đi công du nước ngoài.
Bà Ngô Thị Phương Ly, sinh năm 1970, tức là nhỏ hơn Tô Lâm tới 13 tuổi. Đây là người vợ thứ hai của Tô Lâm. Người vợ đầu là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1959, chỉ kém Tô Lâm 2 tuổi.
Bà Ngô Thị Phương Ly (quê quán Thanh Trì – Hà Nội) là một nữ nhà báo, hiện nay làm Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam. Bà từng là một trong những người phát triển chương trình “Người xây tổ ấm” của kênh VTV3.
Bà có 2 con với Tô Lâm, tất cả đều là con gái, trong đó Tô Hà Linh là con gái lớn. Tô Hà Linh đã được nổi tiếng sau khi lỡ khoe ảnh tốt nghiệp đại học tại Anh Quốc hồi năm 2023.
Trở lại người vợ đầu của Tô Lâm, bà Nguyễn Thị Kim Loan là người cùng quê quán Hưng Yên với Tô Lâm. Bà kết hôn với Tô Lâm vào đầu thập niên 1980, khi đó bà mới khoảng 21 tuổi, đang làm nhân viên kế toán, và Tô Lâm khoảng 23 tuổi, đang công tác ở đơn vị Cục Bảo vệ chính trị I, Tổng cục An ninh, với quân hàm Trung Úy.
Vợ chồng Tô Lâm & Nguyễn Thị Kim Loan có 2 người con, một trai một gái, là Tô Long (sn 1982) và Tô Mai Liên (sn 1988).
Sau 10 năm hạnh phúc, Tô Lâm bỏ vợ cũ và lấy người vợ mới trẻ hơn vợ cũ gần một con giáp. Đó là Ngô Thị Phương Ly, người vợ hiện nay của Tô Lâm.
Điểm đáng nói, Tô Lâm bỏ vợ trong lúc người vợ (Nguyễn Thị Kim Loan) đang gặp nhiều khó khăn hoạn nạn, trầm trọng nhất là bị u xơ buồng trứng xoắn, phải mổ và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
Sau khi gia đình tan vỡ, bà Nguyễn Thị Kim Loan trở thành một nữ thanh đồng nổi tiếng (đồng cô trong hầu đồng). Bà được nhà nước trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể thờ Tam phủ (hầu đồng, lên đồng) của người Việt.
Nhân đây cũng cần nói rõ, trên mạng xã hội lan tràn thông tin cho rằng người vợ đầu của Tô Lâm là Vũ Hồng Loan. Đó là thông tin sai sự thật.
Sau đây là những hình ảnh chứng minh vợ đầu của Tô Lâm là Nguyễn Thị Kim Loan.
*****
Những giấc mơ kì lạ và mối lương duyên cửa Thánh của “cô gái mắt mèo” (Kỳ 1)
(ĐS&PL) – Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, chúng tôi tìm đến với Cô Loan, một đồng thầy có cuộc đời đầy biến cố và nhiều cống hiến…
Theo lời giới thiệu của GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, chúng tôi tìm đến với Cô Loan, một đồng thầy có cuộc đời đầy biến cố và nhiều cống hiến cho việc thực hành đạo Mẫu tại Hà Nội.
Trong không gian lung linh của biệt điện, với mùi hương ngan ngát, ánh nến lung linh và những bức tượng sơn son thiếp vàng huyền ảo, cô kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cuộc đời mình mà tôi hình dung sống động như một bộ phim được trau chuốt đến từng chi tiết. Sống động và ma mị như thôi miên. Đôi mắt, phong thái và nhất là giọng nói truyền cảm của cô khiến cho tôi như lạc vào một cõi khác.
Cô bé chăm lễ chùa và thích ngắm hoàng hôn
Tuổi thơ của cô luôn gắn với những cuộc xê dịch và chẳng mấy khi được ở cùng với bố. Số phận như đã sắp đặt cho cô một cuộc sống đủ đầy hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng luôn phải suy tư và dễ rơi vào trạng thái thiếu thốn hơi ấm gia đình. Từ khi sinh ra cho đến lúc đi lấy chồng, rất ít khi cô được gần gũi bên bố mẹ. Bố cô là một sĩ quan cao cấp trong quân ngũ còn mẹ cô trưởng thành từ đội du kích Hoàng Ngân, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cô cất tiếng khóc chào đời vào giờ Sửu ngày 17/3 âm lịch năm 1959, trùng ngày Mẫu giáng Đền Tân La, tên ngôi làng thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nơi quê hương cô. Có lẽ đó là một điềm báo cho mối lương duyên cửa Thánh mà 30 năm sau cô đã tự nguyện bước vào và dấn thân cho đến ngày hôm nay.
Mẹ cô kể, khi mang thai cô đêm nào bà cũng mơ thấy con mèo đen có đôi mắt xanh về tìm bạn tình trên nóc nhà. Thời gian đầu, cô chủ yếu ở nhà với bà ngoại, người được xem như một pho sách sống về văn hóa dân gian. Bốn tuổi cô lên Hà Nội ở với bố mẹ, nhưng chỉ ít lâu sau cô được bố gửi đi học ở tận Hải Phòng. Ngày đấy các cô bé cậu bé tuổi mẫu giáo đã phải ở cách ly gia đình, và trong lớp cô trở thành “cận thần” cho “vị tướng” của lớp mẫu giáo. Mỗi đêm trước khi đi ngủ cô đều phải bịa ra một câu chuyện để kể cho “vị tướng” nghe. Cái khiếu tưởng tượng và hoạt ngôn của cô bắt đầu từ đấy.
Lớp học tiểu học của cô ngay cạnh chùa Bà Bảy, sáng nào cô cũng mon men theo một cô gái người Trung Hoa vào đó dâng hoa. Và mỗi đêm cô lại mơ thấy ông Hộ pháp và những hình nhân đầu trâu mặt ngựa hiện về trong những giấc mơ. Lớn lên một chút cô có sở thích lên đồi cao ngắm cánh đồng khoai tây bát ngát trước mặt mỗi khi chiều về. Mỗi lúc như thế cô như chìm đắm vào một thế giới khác, như có một luồng sáng chạy qua tâm trí, khiến cô bé chưa lên 10 tuổi mơ mộng và hình dung khác lạ về cuộc đời. Cô có một biệt danh mà bạn bè vẫn gọi “Loan mắt mèo”.
Cô gia nhập quân ngũ năm 16 tuổi và sau đó đi học trung cấp kế toán ở Như Quỳnh (Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi ra trường, cô đã làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành dệt may và Ngoại thương. Ở đâu cô cũng quan sát cuộc sống và chăm lo đặc biệt đến những số phận khó khăn xung quanh mình. Khi đó cô chưa hề biết gì về cửa Thánh, nhưng hình như luôn có một sợi dây vô hình nào đó ràng buộc khiến cô gái trẻ thích chiêm nghiệm và suy tư về cuộc đời.
Đám cưới trong mơ và 10 năm hạnh phúc
Trong những tháng năm tuổi trẻ, nàng Loan “mắt mèo” xinh đẹp gặp gỡ và đem lòng yêu thương một chàng chiến sĩ công an con nhà danh giá, đẹp trai lịch lãm. Được sự vun vén của cả hai bên gia đình, đám cưới của họ thực sự là đám cưới trong mơ trong mắt bạn bè và bạn bè đồng nghiệp lúc bấy giờ. Kết quả của cuộc hôn nhân ấy là hai người con ra đời trong niềm hân hoan của cả đại gia đình. Cậu con trai cả chào đời năm 1982 và cô con gái út sinh năm 1988. Đấy là khoảng thời gian mà cuộc sống luôn diễn ra đúng với những gì cô mong đợi. Công việc của cô cũng thuận lợi và chồng cũng thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp.
Những năm tháng đó, mặc dù điều kiện gia đình không có gì khó khăn nhưng với bản tính hay lam hay làm cô vẫn làm thêm nhiều việc để lo cho gia đình. Cô vào ga Hàng Cỏ mua trứng về luộc bán cho khách đi tàu. Mỗi sáng tinh mơ cô lại đạp xe đến nhà máy hoa quả Minh Khai mua cam về bán cho công nhân nhà máy dệt may mãi dưới Thanh Xuân. Mỗi thứ cô chỉ ăn lãi chút ít nhưng công việc làm cô vui và thấy mình có ý nghĩa trong cuộc sống. Rồi thì cô nhận may vá, làm hàng thủ công, nhận bóc lạc… trong khi vẫn làm tốt công việc cơ quan và thu vén cho gia đình.
Cuộc sống đang yên bình trôi qua thì những biến cố liên tiếp xảy ra với cô. Tai nạn nghề nghiệp ập đến khiến cô chán nản và hoàn toàn mất niềm tin trong công việc. Trong 5 năm liên tiếp cuộc sống của cô đột nhiên có nhiều thay đổi, chuyện không may liên tiếp xảy ra mà không rõ nguyên nhân vì sao: tài sản hao tốn, gia đình lục đục. Điểm cuối cùng đánh cô gục hoàn toàn đấy là việc gia đình li tán. Không dừng lại ở đó, cô còn bị u xơ buồng trứng xoắn, phải mổ và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Và chính trong tận cùng nỗi đau, cô đã nhìn thấy một luồng sáng, nó “bẻ ghi” cuộc đời cô rẽ sang một hướng khác.
Bén duyên cửa Thánh
Quay trở lại thời điểm khi gia đình xảy ra nhiều chuyện, vợ chồng cô (lúc đó đều là cán bộ trong cơ quan Nhà nước) đã bàn nhau tìm “thầy” để xem. Đến chỗ nào cô cũng được nói rằng có căn đồng và được khuyên nên ra hầu đồng. Sau này, cô có tâm sự rằng ban đầu sự tín tâm chỉ có khoảng 5% thôi, còn 95% là vì sợ mà phải ra hầu đồng. Cơ duyên đưa vợ chồng cô quay lại với người đầu tiên đã từng khuyên vợ chồng cô phải ra hầu đồng và người đó trở thành Thày của cô sau này.
Thời đó, gia đình vợ chồng cô, do mất mát triền miên, đã rơi vào cảnh kinh tế khó khăn đến mức còn không có đủ tiền để làm lễ, cho nên đành phải chạy vạy gom góp tài chính trong nhà để mở phủ hầu đồng. Tròn 100 ngày sau khi ra hầu (sau lễ tạ 100 ngày), Thày của cô cho biết Thánh báo mộng và chấm cô phải mở Điện để tế độ cho người, cho đời. Cô cho biết đó là cơ duyên nhưng cũng là mở đầu cho giai đoạn tu đạo của cô với nhiều gian truân vất vả, vì làm thanh đồng đã khó (9 năm thử đồng) mà làm Đồng Thày lại càng khó hơn.
Từ mối lương duyên ấy, cô mở Hợp Tĩnh Linh Điện từ năm 1998. Tất cả những câu chuyện, những biến cố cuộc đời, những giấc mơ kì ảo được cô kể sống động như những thước phim cuộc đời đang được chiếu ngay trước mắt. Duyên đồng đên với cô từ từ, nhưng sâu sắc như một cơ duyên trời định. Với cô làm Đồng thày là để giúp đỡ mọi người, khơi lên tình người, báo hiếu dưỡng dục tiền nhân, chứ không lợi dụng nó để kiếm tiền hay tuyên truyền mê tín dị đoan.
Một tín ngưỡng linh thiêng và nhân văn
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, cô tự hào nhất là những tấm bằng khen của các cơ quan như: Ủy ban UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, UBND TP Hà Nội… Điều đó chứng tỏ, xã hội đang nhìn những người thực hành đạo Mẫu khác đi. Đây là một tín ngưỡng linh thiêng và nhân văn của dân tộc chứ không hề là chuyện mê tín dị đoan. Chỉ có những kẻ lợi dụng đạo Mẫu để làm chuyện xấu xa mới làm ô danh thánh thần. Và những liên hoan diễn xướng quy mô quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch chủ trì diễn ra hàng năm là minh chứng cho điều đó.