Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vốn FDI thấp nhất trong 4 năm và bẫy FDI

Thạch Lam Trần (VNTB) Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó đóng góp cân đối về mặt xuất nhập khẩu, đóng góp ngân sách, tạo ra nhiều việc làm, kích thích năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội và tăng trưởng GDP… Trong nhiều năm nay, Việt Nam tìm cách thu hút và xúc tiến hoạt động đầu tư này. 

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tính đến hết ngày 20/6, vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014 và thấp hơn nhiều so với năm 2012, 2013.

Trong khi đó, kỳ vọng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đặt ra khá cao, đó là con số 23 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam cho cả năm 2015. 


Do rào cản chính sách?


Trong báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao và thương mại Úc nhận định: “Hiệp định TTPP là một trong những sức hút FDI vào VN, nếu triển vọng TPP xấu đi, vốn FDI sau năm 2015 sẽ trở nên kém lạc quan hơn.”


Với việc dòng FDI đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc sang các nước đang phát triển ở ASEAN thì “việc tham gia đàm phán TPP sẽ nâng cao sức hút của Việt Nam.”

Bản thân Việt Nam giữ lợi thế về chi phí so với Malayssia, Philippines, Thái Loan nhưng báo cáo cũng thừa nhận, “mức độ thuận lợi môi trường đầu tư trong nước lại có khoảng cách không dễ rút gọn so với các nước còn lại (dựa theo báo cáo Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng thế giới).”

Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/175 nước trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, xếp thứ 126 trong Chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới và thứ 74 trong Xếp hạng đánh giá rủi ro quốc gia.

Năm 2013, trong Báo cáo đưa ra tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2013 cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước như Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%)… đặc biệt là Lào (4,13%) trong khi năm 2011, 2012 con số này khoảng 32%, lý do đến từ môi trường kinh doanh Việt Nam tham nhũng, chi phí bôi trơn trầm trọng và gánh nặng thủ tục hành chính, theo 1.609 doanh nghiệp FDI được khảo sát.

Gần đây (19/06), lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức buổi đối thoại với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) TP.HCM, theo ghi nhận của báo giới, nhiều doanh nghiệp tố Hải quan áp mức thuế sai, không cho tạm thông quan hàng; ngành thuế thì không trả lời khiếu nại… Và theo ghi nhận của tờ Thanh Niên với một giám đốc doanh nghiệp tại KCN Tân Thuận là ông Peter Engel (Giám đốc Công ty Asia Sourcing) cho biết: “Chúng tôi tham gia ít nhất 4 – 5 lần đối thoại giữa DN với chính quyền kiểu này, tuy nhiên, theo tôi, hiệu quả từ những đối thoại này còn quá thấp. Cách làm việc quan liêu của các cơ quan quản lý quá nặng, khiến DN thấy mệt mỏi và chán nản. Ví dụ, nhiều lần kiến nghị trước đây của chúng tôi về thuế, cơ quan thuế luôn luôn khuyên chúng tôi về làm công văn. Hết công văn này đến công văn khác.”

Theo khảo sát PCI 2014 với gần 1.500 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia trong năm 2014, khoảng 17% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư, và 31% trả lời đã hối lộ khi cạnh tranh giành các hợp đồng của chính phủ, 89% thừa nhận sẽ gặp khó khăn trong quá trình đấu thầu nếu doanh nghiệp từ chối chi tiền hoa hồng.
Kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy FDI?
FDI đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, trong buổi giải trình trước Quốc Hội chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cho rằng, “nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa thì nền kinh tế của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.”
Ông lấy ví dụ đề án của Samsung, với con số giải ngân hiện nay đã lên đến 11,3 tỷ đô la và sẽ còn giải ngân tiếp trong năm nay khoảng 3 tỷ USD và thu hút hàng trăm nghìn lao động.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, việc đặt kỳ vọng cao vào FDI đã khiến Việt Nam rơi vào bẫy FDI với sự biệt đãi quá mức, trong khi lại thiếu chú trọng trong việc phát triển nhân lực, công nghệ theo kịp năng lực của các doanh nghiệp FDI.
Mối lo ngại trên, xuất hiện trong bài tham luận tại Diễn đàn Kinh tế 2015 tại Vinh (Nghệ An) của chuyên gia thống kê Bùi Trinh và Nguyễn Huy Minh với chủ đề “Thực trạng về cấu trúc vốn đầu tư và đóng góp của các loại hình doanh nghiệp.” 
Hai chuyên gia cảnh báo, “giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc giảm sút này có nguyên nhân chính do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật (chuyển giá) và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.”
Điều đó cho thấy rằng, “khu vực FDI về bản chất không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất. Về cơ bản khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất đai và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế (khai lợi nhuận nhỏ đi do chuyển giá…làm tăng chi phí đầu vào)”, nhóm tác giả đánh giá.

Ưu đãi của Formosa Hà Tĩnh: Được áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% (DN trong nước là 22%) từ năm có thu nhập chịu thuế; 4 năm được miễn thuế thu nhập DN, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền…

Ngoài ra, cơ cấu vốn FDI còn bất hợp lý, chủ yếu vào những ngành có khả năng sinh lời cao như khai thác tài nguyên, khoáng sản, dầu khí, công nghiệp nặng… chiếm tới 60% tổng vốn đăng ký. 
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhằm lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém.
Việt Nam – một trong 4 nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) vẫn theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. 

Tin bài liên quan:

Kinh tế tư nhân không cần ưu đãi, mà cần đối xử công bằng!

Phan Thanh Hung

Một loạt ngân hàng giảm lãi suất

Phan Thanh Hung

Lại ‘Vinashin’: Bộ Công thương đòi bù lỗ giá điện dự án alumin đến 4.900 tỉ đồng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo