Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Vi phạm tố tụng thì đã sao?

Nguyễn Tuấn

 

(VNTB) – “Nịnh không được, họ còng một tay tôi vào ghế, tay kia bắt viết tường trình. Thấy tôi chưa viết theo đúng ý, 3 người lấy cung đấm liên tục vào đầu tôi. Quá sợ hãi, lại không chịu được những đòn đánh tôi đành phải nghe theo họ”
“Nguyễn Văn Chưởng không oan!” – Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình khẳng định như vậy khi được chất vấn về vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết tội giết người.
Đây là vụ án trước đây có kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao (giảm từ tử hình xuống chung thân), nhưng Hội đồng thẩm phán đã bác kháng nghị. Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người, nên hậu quả đến đâu Chưởng phải chịu đến đó.
“Đây không phải là vụ án oan, xin khẳng định như vậy. Tất nhiên khi có ý kiến của Quốc hội thì chúng tôi sẽ xem xét thận trọng”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.
Phát biểu này được coi như “quan điểm nhất quán” của người đứng đầu Tòa án tối cao. Trước đó, ngày 07-12-2011, Chánh án Trương Hòa Bình ký Quyết định Giám đốc thẩm số 26/2011/HS-GĐT, không chấp nhận Kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, giữ nguyên án Tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.
Từ chối chứng cứ có lợi cho bị cáo?
Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho Chưởng ở phiên tòa phúc thẩm, cho biết ở giai đoạn điều tra, ông có yêu cầu cơ quan điều tra khôi phục lại nội dung cuộc gọi vào ngày xảy ra án mạng (14/7/2007) trong điện thoại của Chưởng để chứng minh bị can có chứng cứ ngoại phạm, tuy nhiên yêu cầu này không được tiến hành.
Các tang vật thu giữ tại hiện trường như dép, khẩu trang và thanh đoản kiếm cũng không được cơ quan điều tra làm rõ thuộc về ai. Nếu các yêu cầu này từ phía bị cáo được thực hiện đến nơi đến chốn, Nguyễn Văn Chưởng có thể đã có được những bằng chứng gỡ tội cần thiết, và bản án dành cho người đàn ông 31 tuổi này có thể đã có một kết quả khác.
Khai cung theo “hướng dẫn”
Nhân chứng Trần Quang Tuất, ngụ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương khẳng định lúc 21g ngày 14/7/2007 (lúc vụ án xảy ra), Chưởng cùng 1 người bạn dến nhà anh Tuất chơi, gia đình anh mời Chưởng ăn dưa hấu.
Tuy nhiên, khi được công an Hải Phòng triệu tập lấy lời khai, anh Tuất đã bị nạt nộ, đòi bắt giam, thậm chí khóa tay vào ghế, đánh vào đầu, buộc phải khai là “Không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng”, buộc phải rút lại Giấy xác nhận trước đó vì…“nhớ nhầm” mới được cho về.
Anh Tuất tường trình: “Nịnh không được, họ còng một tay tôi vào ghế, tay kia bắt viết tường trình. Thấy tôi chưa viết theo đúng ý, 3 người lấy cung đấm liên tục vào đầu tôi. Quá sợ hãi, lại không chịu được những đòn đánh tôi đành phải nghe theo họ”. 
Nhân chứng Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) cho biết, anh bị công an Hải Phòng triệu tập và bị họ thay nhau đấm đá, bắt khai về thời điểm Chưởng có mặt tại địa phương theo… “hướng dẫn” của công an.
Có luật, nhưng không thi hành
Một câu hỏi được đặt ra: liệu cơ quan điều tra có quyền từ chối thực hiện các yêu cầu liên quan đến chứng cứ có lợi cho bị cáo? Mở rộng hơn, cơ quan điều tra và viện kiểm sát có nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo trong một vụ án hình sự hay không?
Trả lời: luật sư và công an có trách nhiệm tìm chứng cứ vô tội của bị can, bị cáo.
Điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009) quy định: “Hoạt động điều tra phải […] làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Thông tư 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân cũng ghi nhận một trong những nguyên tắc hoạt động điều tra là “phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.
Theo khoản 2 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), người tham gia tố tụng “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Điều này có nghĩa bị can, bị cáo và luật sư đại diện có quyền đưa ra chứng cứ gỡ tội trong trường hợp bên điều tra bỏ sót.
“Điều 10. Xác định sự thật của vụ án.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. (Trích BLTTHS)
Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế ràng buộc cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ xác định vô tội cũng như xem xét cẩn trọng bằng chứng do bên bị can cung cấp.
Xét trong điều kiện tố tụng hình sự Việt Nam vốn theo mô hình thẩm vấn – tức hoạt động xét xử của tòa chủ yếu dựa trên hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra và viện kiểm sát xây dựng – rõ ràng bị can, bị cáo đang phải chịu một bất lợi lớn.

Nói một cách khác, Điều 10 BLTTHS mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, chưa có những nghĩa vụ pháp lý cụ thể ràng buộc trách nhiệm. Điều này dẫn đến xu hướng chú trọng chứng cứ buộc tội và xem nhẹ chứng cứ gỡ tội của cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Hậu quả là tình trạng bỏ qua bằng chứng có lợi cho bị can, bị cáo với trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng là một ví dụ.

Tin bài liên quan:

VNTB- Chân dung Đặng Vũ Ngoạn: Ăn gì mà tạp thế, hiệu trưởng ơi!

Phan Thanh Hung

Phóng sự VNTB- Tản mạn xe lôi: Những vòng quay áo cơm

Phan Thanh Hung

VNTB- Có thể xử lý công dân Vũ Huy Hoàng theo cách nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.