VNTB – Vụ Hồ Duy Hải: Điều tra viên “sơ suất” kiểu “ăn người”?

VNTB – Vụ Hồ Duy Hải: Điều tra viên “sơ suất” kiểu “ăn người”?

Nguyễn Đình Ấm

(VNTB) – Vụ án Hồ Duy Hải dù diễn ra như thế nào thì dư luận cũng vẫn hiểu anh ta bị toan tính thế mạng cho người thân một quan chức.

 

Ngày đầu tiên 6/5/2020 xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (HDH) các báo hôm 7/5/2020 đưa tin: Điều tra viên (ĐTV) nhận “có sơ suất”. Theo đó ĐTV Lê Thành Trung thừa nhận lúc đầu HDH khai đập đầu nạn nhân vào lavabo, nhưng không có dấu vết thể hiện ở lavabo sau  HDH lại  khai dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang, trùng hợp với vết thương ở đầu, cổ nạn nhân…nhưng “do “tưởng dấu vết ở đầu, gáy nạn nhân là dao nên không để ý cái thớt” (Tuổi trẻ ngày 6/5/2020).

 

 Đây là tình tiết sai sót ư?

 

Tôi đã từng theo dõi nhiều vụ án và thấy chỉ riêng tình tiết này đã thể hiện HDH bị ép cung, mớm cung.

 

Qua các vụ giết người tôi theo dõi thì thấy ĐTV thường dùng mọi thủ đoạn gọi là “biện pháp nghiệp vụ” để đạt được mục đích phá án nhanh trong đó sai, đúng không quan trọng. 

 

Năm 2005 có một thanh niên đi ăn trộm cá ở thôn Mai Chung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị đánh trọng thương. Khi anh ta còn sống đưa đến bệnh viện có một thanh niên địa phương con nhà có thế lực khoe chính mình trừng trị tay ăn trộm cá chuyên nghiệp. Thế nhưng sau đó anh trộm không qua khỏi và công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án. 

 

Năm người ở thôn Mai Chung có ao cá bị bắt giam mặc dù có nhiều tình tiết vô lý, mâu thuẫn,  ngoại phạm còn thanh niên kia bị dân tố cáo nhưng chỉ bị thẩm vấn qua loa rồi cho qua… Buổi đầu tất cả năm người không nhận tội nhưng sau thời gian ngắn điều tra đều nhận tội. Sau này  hỏi tại sao lúc đầu không có tội mà cả năm người đều nhận đánh chết người thì họ cho biết: 

 

Đầu tiên họ giam mỗi người một phòng giam kín nóng như nung. Qua mấy ngày thẩm vấn, điều tra, không ai nhận tội. Từ đây họ giảm bữa ăn chỉ ở mức “cầm hơi”, đang đêm ĐTV thay nhau gọi dậy hỏi cung làm mình nhiều ngày đêm liền không được ngủ. 

 

Trong khi thẩm vấn nếu mình trả lời không đúng ý họ tra tấn như tát, dí điện vào người, đá vào mạng sườn, thúc gối vào thóp bụng… Đến khi cảm thấy không thể sống nổi thì ĐTV đem vào một mảnh giấy viết tay nói là thằng B trong nhóm bị bắt đã khai cả lũ  rồi đây, mày có nhận không. 

 

Đọc bản viết thì đúng là người trong nhóm mình thật nhưng không phân biệt được mặt chữ vì xưa nay ai để ý xem hàng xóm mình viết như thế nào. Dù vậy tôi cũng không nhận và “mày ngoan cố à” và những seri đòn giáng xuống. Nếu kéo dài kiểu này thì không thể sống nổi nên tôi phải nhận bừa để sống và tự nhủ để khi ra tòa sẽ phản cung. 

 

Tưởng thế là xong, hôm sau ĐTV lại thẩm vấn và tôi phải khai như thế nào để phù hợp với việc cùng đánh chết người. Khi tôi không nghĩ ra được tình tết phù hợp thì ĐTV nhắc |phải như thế nọ, thế kia chứ. Khi đã hoàn thành bản cung theo chỉ đạo của ĐTV, lại phải ghi thêm: “ Tôi tự khai không ai ép buộc”.

 

Sau này tôi mới biết từ bản “nhận tội” tôi viết thật dẫn đến bốn người còn lại cũng phải nhận tội hết rồi cũng phải cùng ĐTV thảo lời khai cho khớp với hiện trường, vết thương trên nạn nhân…

 

Sau khi năm người nhận tội với lời khai “ăn khớp” với ý ĐTV mọi người được đối xử tốt, đợi ngày ra tòa để cãi nhưng khi ra tòa họ phản cung thì quan tòa, viện kiểm sát dở các bản cung ra đọc bác bỏ hết vì trong đó ghi “đã nhận tội” lại còn khẳng định mình “tự khai không ai ép buộc…”. Thế là năm nông dân nghèo hèn kia phải đi tù nhưng có lẽ cơ quan pháp luật cũng biết họ oan có chút lương tri chỉ áp mức án nhẹ, người cao nhất 11 năm tù nhưng không ai phải thi hành hết thời hạn.

 

Vụ này tôi đã viết, đăng bài:  “Kỳ án trộm cá và mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án”, trên báo Cựu chiến binh ngày 6/6/2011.

 

Theo tôi, không chỉ riêng vụ này mà cả vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…tuy tình tiết có thể khác nhau nhưng cũng diễn ra cảnh bị ép cung, tra tấn, nhục hình phải nhận tội bừa như kiểu trên và với những “sơ xuất” một cách quá “ngây thơ” kiểu “ăn người”  của ĐTV Lê Thành Trung ở vụ HDH chắc chắn cũng là như vậy. ĐTV điều tra trọng án không thể không phân biệt được vết đập bằng thớt hay chém bằng dao ở đầu, cổ nạn nhân. Việc này thì người thường cũng xác định được vết thương do thứ gì gây ra chứ không cần đến một ĐTV được học hành, đào tạo và có kinh nghiệm.

 

Còn việc rút hồ sơ của Nguyễn Văn Nghị khỏi vụ án, dấu vân tay không khớp với HDH, không xét nghiệm máu, tại sao không triệu tập nhân chứng phủ nhận không nhận diện được HDH mà cơ quan tố tụng khẳng định đã nhận diện được HDH- một tình tiết đặc biệt quan trọng trong vụ án kết tội HDH…để xem hội đồng xét xử phán như thế nào.

 

Vụ án HDH dù diễn ra như thế nào thì dư luận cũng vẫn hiểu anh ta bị toan tính thế mạng cho người thân một quan chức.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)