VNTB- Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Phú Trọng – Ai ‘đủ đau’?

Anh Văn
(VNTB) – Vũ Huy Hoàng sẽ không bị xử lý hình sự, Trịnh Xuân Thanh vẫn hưởng cuộc sống vui vẻ bên trời Tây, 3.200 tỷ đồng coi như chưa từng có và 1 ông Tổng bí thư vẫn đăng đàn đều nói về “kỷ luật” bằng Điều lệ Đảng. Điều mà có lẽ chỉ riêng mỗi ông Trọng là “đau”.
Kết quả hình ảnh cho hinh anh buổi tiếp xúc với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri huyện Đông Anh
“Quốc hội tuyên bố nghiêm khắc phê phán thế, đã đủ đau chưa?”
 
 
Cử tri cho là “nhẹ”
Vào ngày 6/12, trong buổi tiếp xúc với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri huyện Đông Anh cho biết, mức độ kỷ luật đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương là “còn nhẹ”, và việc để Trịnh Xuân Thanh “chuồn” ra nước ngoài là điều không thể chấp nhận được, chưa kể vụ Trịnh Xuân Thanh với ông Vũ Huy Hoàng liên quan đến thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.
Điều này cho thấy, vấn nạn các bộ cơ sở lẫn cao cấp và lợi ích nhóm đã tác động mạnh mẽ đến bộ phận cử tri thủ đô. Tuy nhiên, không chỉ dừng tại đó, nó làm xoáy mòn niềm tin của đội ngũ này đối với đại diện của họ.
Đáp lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng về vụ Trịnh Xuân Thanh trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh (Hà Nội): “Có ý kiến đánh giá việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng là nhẹ, tôi xin nói, đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng, về mảng công tác cán bộ, chưa nói đến vấn đề vi phạm hình sự, kinh tế. Mà lần đầu tiên Quốc hội tuyên bố nghiêm khắc phê phán thế, đã đủ đau chưa?”
 
Thẩm quyền cao hơn “chưa có tiền lệ”
Lần đầu tiên, ông Tổng bí thứ nhấn mạnh về “kỷ luật cán bộ trong mảng cán bộ” và đề cập đến khả năng “vi phạm hình sự” – tức xử lý hình sự đối với đảng viên cao cấp – ông Vũ Huy Hoàng.
Nhưng có vẻ, đây chỉ là câu nói mang tính an ủi cử tri. Bởi vế sau đó, ông nhắc lại sự phê phán sự kiện Quốc Hội phê phán đối với ông cựu Bộ trưởng Bộ Công thương và đưa ra hình thức kỷ luật đối với sai phạm của vị này thông qua việc xử lý ngay cả khi ông Hoàng đã rời chức vụ, và sự kiện này được nhắc dưới cụm từ “chưa từng có tiền lệ”.
Tuy nhiên, dù tính chất nghiêm trọng của câu chữ như thế, cùng với hàng tấn ngôn từ mạnh mẽ khác như “kỷ luật nghiêm minh”, tiến trình “cách chức người đã rời chức” trong thực tế lại cực kỳ khó khăn. Cụ thể, khi Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật thì nảy sinh chuyện, ông Hoàng không còn chức vụ. Chính vì thế mà đẩy trách nhiệm “nghiên cứu kỷ luật” lại cho Chính phủ, Quốc Hội. Tuy nhiên, khi đến cơ quan hành pháp và lập pháp, thì kết luận được đưa ra là “thiếu khả thi” vì liên quan đến “thẩm quyền”. Cụ thể, chức vụ Bộ trưởng phê chuẩn thuộc thẩm quyền Quốc Hội, bổ nhiệm là thẩm quyền của Thủ tướng. Theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm thì người đó có quyền cách chức. Mà giờ cả người bổ nhiệm và người được phê chuẩn, bổ nhiệm đều đã nghỉ rồi.
Như vậy, theo đúng mô-tuýp thì quyết tâm loại trừ cán bộ suy thoái, biến chất ra khỏi hàng ngũ đã được người đứng đầu Đảng đưa ra và chỉ đạo. Tuy nhiên, kết quả là không thể kỷ luật được. Và do đó, cụm từ “cách chức khi rời chức vụ” trở nên vô nghĩa, “chưa từng có tiền lệ” hoàn toàn không tồn tại trong vấn đề xử lý cán bộ cao cấp, rõ hơn là bế tắc trước tính chất “thẩm quyền”.
 
 
Ai “đủ đau”?
Tương tự nêu trên, khi người đứng đầu Đảng có vẻ thể hiện quyết tâm của mình là kỷ luật hình sự ông Vũ Huy Hoàng, quá trình này sẽ chông chênh không kém gì so với quyết tâm “cách chức người rời khỏi chức vụ”. Lý do nằm ở 3 yếu tố:
Thứ nhất, cho đến hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ một quan điểm “mềm” về tham nhũng và suy thoái đạo đức của đội ngũ cán bộ. Khi ông luôn gắn liền tính “hiện tượng” thay vì bản chất của tham nhũng. Bốn năm trước, khi ông tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, và chỉ ra “hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ đảng viên đúng là nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…”. Bốn năm sau, trong dịp dự Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận, ông tiếp tục dẫn “hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng” để nói chuyện.
Điều này có nghĩa gì? Đó là ông không chịu nhìn thẳng vào sự thật, mà né tránh bản chất của thể chế làm nảy sinh ra tham nhũng và suy thoái con người ngày một nghiêm trọng. Việc sử dụng ngôn từ “hiện tượng” càng mang tính bào chữa cho sự bất lực của Nghị quyết T.Ư 4 về phòng chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng – hiển nhiên nó là sự bất lực về mặt thể chế trong “nạn nội xâm” này.
Thế nên, dù tham nhũng, tiêu cực của cán bộ đảng viên “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” nhưng các biện pháp trừng phạt hay kiềm chế đều vô hiệu, vì nó chỉ là “hiện tượng”. Dẫn đến hành vi “giơ cao đánh khẽ” trong nội bộ đảng với nhau, điều này cũng phần nào liên quan trực tiếp đến sự ràng buộc giữa các nhóm lợi ích, sự chồng chéo và chịu chi phối lợi ích giữa các đảng viên cao cấp và cơ sở với nhau.
Thứ hai, chính vì tư duy “hiện tượng” của người đứng đầu Đảng nên xử lý hình sự (mức phạt nặng) càng khó khăn hơn, bởi nó mặc nhiên chạm phải bình phong là “thẩm quyền” xử lý. Điều này, không phải mới xuất hiện trong kết luận về “nghiên cứu kỷ luật” ông Vũ Huy Hoàng, mà cách đây 4 năm – vào tháng 2/2012, trong Hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (2/2012) ông Nguyễn Phú Trọng đã nhìn ra rõ. Cụ thể, “hiện nay thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân xác định không rõ, nên nhiều vụ việc không xử lý được vì không ai chịu trách nhiệm”.
Bản chất của thẩm quyền nằm ở việc, không ai dám bứt dây động rừng, toàn bộ hệ thống kỷ luật pháp sinh đối với cán bộ cấp cơ sở lẫn cao cấp đều phải tiến hành theo quy trình: kỷ luật nghiêm minh nhưng phải “nhân văn”.
Ngay trong buổi tiếp xúc cử tri vào 6/12, ông Nguyễn Phú Trọng quán triệt quy trình nêu trên với quan điểm: xử đúng, đúng tội, đúng trách nhiệm và phải nhân văn mới là nghiêm khắc, công minh.
Quan điểm đầy biện chứng về xử lý cán bộ cao cấp của người đứng đầu đảng chính là “giơ cao đánh khẽ”. Và vì thế, dù để ngỏ về xử lý hình sự đối với ông Vũ Huy Hoàng một cách nghiêm khắc, nhưng vì tính “nhân văn” trong Đảng nên có thể sẽ không tiến hành. Hình thức “nghiêm minh” nhất sẽ vẫn xoay quanh “phê phán, kỷ luật” về mặt Đảng – tức dựa trên Điều lệ Đảng, chứ không phải là Bộ luật hình sự 2015.  
Khi bị cử tri dồn hỏi về xử lý Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng là “nhẹ”, thì ông Nguyễn Phú Trọng chữa cháy bằng cái “chưa từng có tiền lệ” và đặt câu chất vấn ngược “đã đủ đau chưa”? Đây là một sự lúng túng của người đứng đầu Đảng? Không, đó là quan điểm xuyên suốt của ông đối với vấn đề xử lý cán bộ tham nhũng. Vì thế, nên trong đợt tiếp xúc cử tri này, dù thừa nhận tình hình có phức tạp hơn với nhóm lợi ích nhưng cơ bản, vẫn là “hiện tượng”, là “đập chuột” bằng xử lý kỷ luật là chính.
Vũ Huy Hoàng sẽ không bị xử lý hình sự, Trịnh Xuân Thanh vẫn hưởng cuộc sống vui vẻ bên trời Tây, 3.200 tỷ đồng coi như chưa từng có và 1 ông Tổng bí thư vẫn đăng đàn đều nói về “kỷ luật” bằng Điều lệ Đảng. Điều mà có lẽ chỉ riêng mỗi ông Trọng là “đau”.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)