VNTB – Vụ Tân Hiệp Phát: Lỡ ăn “xôi chùa” nên…

Minh Tâm (VNTB) – Việc bà Nguyễn Thị Trang khước từ đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh (nói ở trên), cho thấy người đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa, không chỉ là “tắc trách công vụ”, mà còn là sự yếu kém nghiệp vụ.

Ngày 6-3, bà Nguyễn Thị Trang – chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa – xác nhận hội không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), về việc khiếu nại sản phẩm kém chất lượng của Công ty Tân Hiệp Phát.

“Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định đối tượng được bảo vệ là người mua sản phẩm và tiêu dùng trực tiếp, còn trường hợp của ông Anh là chủ quán, mua để bán lại cho khách nên không đúng đối tượng” – bà Trang giải thích.

Căn cứ theo Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Trang đã trả lời không đúng.

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”.

Như vậy, với phạm vi điều chỉnh khá rộng của Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ở đây không thể hiểu theo cách người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm trực tiếp. Người tiêu dùng có thể là bất kỳ ai mua, sử dụng, được cho, tặng hoặc vô tình phát hiện một sản phẩm nào đó của nhà sản xuất bị lỗi thì đều có thể yêu cầu Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ.

Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng khi có yêu cầu, mà còn có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự khởi kiện vì lợi ích cộng đồng.

“1. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động sau đây: a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; b) Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; c) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

d) Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

đ) Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”(Trích Điều 28. Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội)

Như vậy, với tư cách chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Trang cần thiết là nguyên đơn đại diện lợi ích công cộng để khởi kiện Công ty Tân Hiệp Phát về việc đưa ra thị trường những sản phẩm không đúng với chất lượng đã cam kết của nhà sản xuất.

Nói thêm, trong quan hệ giao dịch dân sự, việc bà Nguyễn Thị Trang khước từ đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh (nói ở trên), cho thấy người đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa, không chỉ là “tắc trách công vụ”, mà còn là sự yếu kém nghiệp vụ.

Giả dụ việc từ chối thụ lý yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc Anh, có nguyên nhân “muốn giữ quan hệ với Tân Hiệp Phát”, thì bà Trang lại càng cần “rốt ráo” nhận “đơn đề nghị bảo vệ”, vì để tiến đến một phiên tòa xét xử đòi hỏi qua nhiều giai đoạn “hòa giải ngoài tòa”.

Lẽ ra để “lobby” hóa giải các vụ việc tương tự, về mặt pháp luật, Tân Hiệp Phát cần “kêu gọi” các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương hãy “sốt sắng – chủ động” trong tiếp cận và vận động người tiêu dùng mạnh dạn thông qua tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để “thưa” Tân Hiệp Phát. Khi ấy, “hòa giải ngoài tòa” sẽ giúp giảm thiểu những “tai bay vạ gió” mà nhà sản xuất khó thể lường hết được.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)