VNTB – Vu vạ cho người lao động để làm gì vậy?

VNTB – Vu vạ cho người lao động để làm gì vậy?

 

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Hàng trăm người dân xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, TP.HCM, chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

 

Theo quy định, sau một năm nghỉ việc, người lao động không tìm được việc làm mới, không phát sinh đóng bảo hiểm xã hội sẽ đủ điều kiện làm thủ tục nhận trợ cấp một lần. Người lao động sẽ nhận tiền qua tài khoản sau 7 ngày hoàn thành hồ sơ.

Tuy nhiên trên thực tế thì để nhận số tiền “bảo hiểm xã hội một lần” đó, người lao động phải ‘trầy da tróc vảy’ như nhận của bố thí vậy.

Theo ghi nhận của báo chí thì hiện Bảo hiểm xã hội TP HCM chưa công bố số liệu gần nhất về người nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên đơn vị này ghi nhận một số địa phương ngoại thành như quận 12, huyện Hóc Môn, thành phố Thủ Đức, thường xuyên quá tải do lượng lớn lao động ở các tỉnh đến làm thủ tục.

Hình ảnh người đàn ông ở bài viết này đó là Võ Trường Sơn, mang theo chai nước, bánh ngọt, sạc dự phòng ngồi trước cổng trụ sở bảo hiểm xã hội từ 23g của đêm về sáng ngày 6-12-2022.

Ông Sơn làm công nhân từ năm 2015, do dịch phải nghỉ việc, mất nguồn thu nhập nên rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống, mua sắm cho Tết sắp tới. “Ba lần trước tôi đến đây lúc 3-5g đều hết số nên lần này tôi phải đi thật sớm để làm hồ sơ”, người đàn ông 41 tuổi nói.

“Hết số” ở đây là số thứ tự để giải quyết hồ sơ.

Theo quy định, tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tổng các loại bảo hiểm đến 32%. Trong đó, người lao động đóng 8% và chủ doanh nghiệp đóng 14%. Tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận trợ cấp một lần, với mỗi năm tham gia trước năm 2014, người lao động chỉ nhận 1,5 tháng lương, con số này từ năm 2014 trở đi là 2 tháng.

Không chỉ nhận tiền ít hơn số đóng vào, khi rút một lần, về già người lao động không có lương hưu, phải sống phụ thuộc người thân; mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…

Thế nhưng, “Tôi rút khoản trợ cấp một lần để lo cho con cái vì tiền để dành đã hết. Cả năm mất việc không có thu nhập” – ông Lê Văn Thanh, 39 tuổi, ở Thủ Đức, cho biết xếp hàng chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội lúc 3g sáng.

“Bây giờ ít nơi nào nhận công nhân qua 35 tuổi nên tôi tính rút bảo hiểm một lần về quê buôn bán nhỏ” – bà Hương kể một năm trước mất việc, qua nơi làm mới chưa kịp đóng lại bảo hiểm, bà phải nghỉ tiếp vì công ty thiếu đơn hàng. Cùng đường, bà tính kiếm chút vốn về quê.

Mỗi người một hoàn cảnh, thế nhưng khá bất ngờ là phía cơ quan quản lý đang ngờ vực rằng công nhân đang bắt tay với giới chủ doanh nghiệp để gian lận khoản tiền “bảo hiểm xã hội một lần” này.

“Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp bắt tay với người lao động lách luật làm thủ tục cho người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần, nhưng thực tế người lao động vẫn làm việc tại doanh nghiệp, song không ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Luật Lao động hiện hành không quy định về hình thức lao động thời vụ, do vậy đây là hành vi lách luật, người lao động và doanh nghiệp mượn danh nghĩa lao động thời vụ để né ký hợp đồng lao động, đóng các khoản bảo hiểm xã hội và bắt tay cùng người lao động trục lợi chính sách. Khi làm công việc thời vụ, người lao động có được một số lợi ích trước mắt nhưng về lâu dài sẽ thiệt hại” – trích báo cáo của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TP.HCM.

Con sầu làm rầu nồi canh?. Giả dụ ghi nhận trên là phổ biến, thì hóa ra các tổ chức công đoàn lâu nay ở doanh nghiệp, cùng việc phổ biến pháp luật về lao động chỉ là hình thức của làm đẹp chính sách, phục vụ tuyên truyền lấy thành tích?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)