Trần Thành – Nguyễn Tuấn
(VNTB) – “Gấu Bố đi công tác với lịch trình dày đặc Friday London, Saturday Holland… Sunday Prague, Monday first Germany evening London… Tuesday up and down London to Denmark… Wednesday London and Prague… Thursday morning back to Vietnam, arriving on Friday. Thương Gấu Bố luôn cố gắng đi công việc rồi về nhà nhanh nhất có thể cùng 2 mẹ con… I love you so much”.

Vợ chồng ca sĩ Thu Minh
Đó là nội dung status mà ca sĩ Thu Minh đăng tối ngày 11/8 trên fanpage trong bối cảnh nhiều công ty, trong đó có công ty TNHH Gia Hân (Đồng Nai), tố ông Otto De Jager – Tổng giám đốc Công ty Global Home S.R.O (có trụ sở tại Cộng hòa Czech), chồng của Thu Minh, lừa đảo doanh nghiệp.
Thứ sáu nào sẽ trở về?
Tối 11-8, Thu Minh đăng ảnh trên trang fb cá nhân của mình là đang cùng chồng làm thủ tục ở sân bay để đi công tác tại một quốc gia ở Châu Âu, gồm có Anh, Hà Lan, Czech, Đức, Đan Mạch rồi mới về Việt Nam vào thứ sáu.
Trước đó, trong văn bản gởi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai hồi tháng 5/2016, công ty TNHH Gia Hân (Biên Hòa) đã đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm xuất cảnh ra khỏi Việt Nam đối với ông Otto De Jager. Nguyên nhân là do công ty Global Home S.R.O do ông Otto làm chủ bị tố “lừa” 20 tỷ đồng của công ty Gia Hân, đồng thời cũng bị nhiều doanh nghiệp gỗ khác phản ánh là không trả tiền hàng, chiếm dụng vốn.
Nếu ông Otto De Jager không quay trở lại Việt Nam thì khả năng không riêng công ty Gia Hân, mà các chủ nợ khác của Global Home S.R.O sẽ bị mất trắng các khoản tiền hàng mà công ty nước ngoài này đã nợ.
Vụ việc ông Otto De Jager xuất cảnh là một đe dọa cho các chủ nợ làm ăn với Global Home S.R.O tại Việt Nam, vì trên hợp đồng mua bán giữa Global Home S.R.O với các đối tác Việt Nam có điều khoản nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình hợp tác thì sẽ được giải quyết tại Toà Trọng tài ở Hong Kong và vận dụng pháp luật của Anh quốc. Trên hợp đồng, phía công ty của ông Otto cũng không thể hiện cụ thể về lịch và số lượng cho mỗi đợt giao nhận. Điều này đã dẫn đến lượng hàng tồn lớn tại kho của các doanh nghiệp sản xuất cung cấp đơn hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam có yêu cầu phía Global Home ký kết thêm một hợp đồng tiếng Việt được dịch có công chứng từ bản tiếng Anh, nhưng ông Otto De Jager từ chối. Do vậy, các đối tác chỉ cho dịch hợp đồng sang tiếng Việt để tham khảo chứ không có một giá trị pháp lý nào.
Đói đơn hàng và vì đó là… ca sĩ Thu Minh
Các doanh nghiệp cho biết hợp đồng cung ứng sản phẩm từ gỗ cho công ty Global Home chỉ ký một lần duy nhất. Sau đó, cứ mỗi đợt sản xuất từng lô hàng thì phía Global Home sẽ thông báo bằng thư điện tử về số lượng và thời gian bàn giao hàng.
Đại diện công ty Gia Hân nói thêm rằng những điều khoản trong hợp đồng làm ăn với chồng của ca sĩ Thu Minh đúng là không theo như các mẫu hợp đồng ngoại khác mà công ty ký kết. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ cạnh tranh gay gắt và việc giành được một hợp đồng lớn là không hề đơn giản. Do đó, khi đặt bút ký hợp đồng với Global Home cũng chỉ dựa trên uy tín là chính.
“Khi hợp tác với nhau, chúng tôi nghĩ uy tín của cô ca sĩ Thu Minh cũng tốt nên chắc họ không thể làm gì sai để hạ thấp uy tín mình. Những lần giao hàng đầu tiên, đối tác thanh toán rất sòng phẳng, nhưng càng về sau thì họ càng đưa ra nhiều lý do không trả tiền và nhận số lượng hàng tồn kho”. Đại diện công ty Gia Hân cho biết.
Phía công ty Gia Hân nói rằng trong những lần gặp gỡ thương thảo hợp đồng làm ăn, ca sĩ Thu Minh đều có mặt và cũng góp phần không nhỏ trong các phi vụ này. Vài ngày tới, công ty Gia Hân sẽ tiếp tục cho công bố trên các phương tiện thông tin những đoạn băng ghi âm và clip có sự tham gia của Thu Minh trong những lần thương thảo này.
Global Home có văn phòng nằm ở tầng 18 tòa nhà Ree, quận 4 TP.HCM. Trong ngày 12-8, báo chí có tìm tới nơi đây thì được trả lời là ông Otto De Jager không đến văn phòng.
Nhìn vào các hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, ngoài những nội dung cơ bản được đề cập như mọi hợp đồng, đó là đối tượng, chất lượng, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán… thì thường xuất hiện điều khoản luật áp dụng. Trong vụ làm ăn nói trên, vấn đề là liệu hệ thống pháp luật được các bên thỏa thuận trong hợp đồng có “hợp pháp” hay không, nghĩa là có được cơ quan tài phán chấp nhận sử dụng khi giải quyết tranh chấp hay không mới là vấn đề chính yếu?
Đối với Trọng tài nước ngoài, hiện có hai quan điểm về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam, không có thẩm quyền đối với Trọng tài nước ngoài (vì được thành lập theo pháp luật nước ngoài). Quan điểm ngược lại cho rằng, Tòa án Việt Nam không chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam mà cả với Trọng tài nước ngoài khi địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
Nhiều luật sư nhìn nhận với những doanh nghiệp nhỏ lẻ, có hợp đồng là sướng lắm rồi, nhưng đều thực hiện một chiều. Đây cũng là hệ luỵ của quá trình hội nhập.