VNTB- Vũng Áng trước thảm họa biển chết: Cộng đồng vô tình tiếp tay cho Formosa

Kiều Phong
(VNTB) – Công ty thép Hưng Nghiệp xả thải gây thảm họa cá chết vào được Vũng Áng, sở dĩ chúng làm hại được dân ta, ngoài sự tối tăm của quan chức còn là do những cái gật đầu vô thức của quần chúng. Những tư liệu ghi lại mấy năm trước thảm họa Formosa cho thấy, vì thiếu hiểu biết, quần chúng đã vô tình nối giáo cho giặc.
Hình ảnh quán xá vắng khách, người làm ngồi chơi tại 18 hộ kinh doanh mực đặc sản cảng Vũng Áng 

Dân Vũng Áng bán đất đồng loạt
Vào giai đoạn khoảng năm 2010-2011, người dân ở cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Hà Tĩnh bán đất ồ ạt. Hàng loạt gia đình nông dân và ngư dân đột nhiên được gõ cửa hỏi mua đất với giá rất cao. Người dân miền quê  như Vũng Áng lúc đó không có nhu cầu bức thiết phải có một chồng tiền, vốn dĩ không có áp lực phải bán đất. Ban đầu, chỉ một ít vài gia đình bán đất vì giá quá cao ( so với mức sống của dân Vũng Áng lúc đó). Các nhà xung quanh cũng thấy vậy, cũng bán đất ở đường lộ lấy một chồng tiền, rồi mua đất ở sâu trong làng hoặc tương đương. Rồi như kết quả một hiệu ứng Domino, rất nhiều hộ dân bán đất ngay khi có lời chào mua. Thời gian đó đó họ không biết ai mua đất của mình, mua để làm gì. Xóm làng nghe biết loáng thoáng là bán cho khu công nghiệp liên danh nào đó, được tiền là bán đại.  
Khu công nghiệp chưa thành hình đầy đủ thì đã xảy đến phong trào ghi danh làm công nhân cho nhà máy mới  ở Vũng Áng“nở rộ” khắp Hà Tĩnh. Thanh niên trai tráng vùng lân cận, kể cả các huyện xa Vũng Áng như Can Lộc, Lộc Hà cũng ào ào rủ nhau vào Kỳ Anh làm việc. Vào giai đoạn ấy, mức lương bình quân công chức ở tỉnh nghèo Hà Tĩnh chỉ là 2,5-3 triệu, cho nên khi một ông chủ ở đâu rao mức lương 5-6 triệu thì hiển nhiên nhiên thanh niên Hà Tĩnh lập tức vào đó đi làm thợ hàn thợ nề. Lúc đó cũng không ai biết làm thợ hàn cho ai, ông chủ tên gì, người ở đâu. Đúng/sai, tốt/xấu, thiện/ác, cả xã hội Hà Tĩnh lúc đó không ai lường trước được.
Rồi những điều khuất tất của khu công nghiệp Vũng Áng lớn dần và phải lộ ra. Các thợ hàn, thợ xây đi Vũng Áng về làng bảo với xóm giềng rằng “không biết bọn  Trung Quốc xây cái chi mà mần tường cao 4-5 mét, tui đứng bên ngoài không thấy chi hết”. Nhà thầu Trung Quốc- Đài Loan sử dụng chính công nhân Việt Nam để xây tường bao, “lấy mỡ nó rán nó”. Xong, tường đã xây cao lắm rồi, giới chủ Trung-Đài đuổi công nhân Việt ra, bên trong bức tường bấy giờ thuộc về một giống dân khác, người Việt muốn đi vào đó coi cũng không thể xâm nhập được.

Sự khốn nạn lên đến cao điểm ngay sau đó: Khoảng năm 2011- chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Võ Kim Cự đi vào một nhà máy trong khu công nghiệp Vũng Áng. Tên bảo vệ người Trung Quốc kêu dừng xe lại, bắt chủ tịch Cự trình giấy tờ. Đây quả là một sự nhục nhã của dân tộc, ngoại bang xúc phạm danh dự nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quá trớn ngay trên quê hương mình. Giới công chức cấp trưởng phòng ở Hà Tĩnh trở lên không ai là không biết chuyện này, ai ai cũng căm phẫn. Nhưng thời gian trôi qua, câu chuyện nhạt dần. 
Đến tận cuối năm 2013, nhân dân Hà Tĩnh vẫn không tiên liệu được những sự trắc trở đang chờ đợi họ phía trước. Xã hội ở Hà Tĩnh còn có những người hy vọng vào khu công nghiệp Vũng Áng, thậm chí còn tổ chức ca hát văn nghệ ca ngợi công nghiệp hóa. Mảnh đất nông nghiệp-ngư nghiệp ngày nào trong thoáng chốc trở thành  thiên đường của nghề cò mồi. Tác giả bài báo này đã chứng kiến đoạn hội thoại sau trong một nhà hàng cơm bình dân. Hai người khách, một người cháu và một ông chú tới ăn cơm trưa trong quán cơm, người cháu hỏi người chú:

         – Chú, bây giờ làm nghề gì mau ra tiền hả chú?

         – Buôn nước bọt con ạ.

         – Là gì ạ?

        – Đi thuyết phục người ta bán đất. Chú đi thuyết phục dân Vũng Áng bán đất, nói được cho một nhà nghe là sống được một năm.

Người cháu nghĩ ngợi rồi tròn xoe mắt tán thưởng. Người chú nói thêm:

         – Còn không thì vào Vũng Áng bán sơn. Thuê cái ốt rồi bán sơn, cũng có tiền nhanh.

Luật đời, dân hám danh thì lấy danh ra mà mồi chài, dân hám lợi thì lấy lợi ra mà mồi chài. Giới tư bản ngoại bang bất lương rất hiểu tâm lý người miền Trung Việt Nam, lấy tiền mặt ra, mua chuộc chính người Việt để thâu tóm đất của người Việt. Chẳng mấy chốc, chúng mua được hầu hết đất dọc hai bên đường vào nhà máy thép Formosa, trong ngoài cứ như là đất lạ. Dân Việt mình cầm tiền dọn đi nơi khác ở, nhà nào biết nhà nấy, cũng không cần biết gì rằng chúng làm gì trong đó.
Cho đến một ngày tháng tư năm 2016, bỗng  cá chết trắng 200 km biển miền Trung. Biển Vũng Áng chết, nước trở nên một màu xanh đáng sợ – theo nhà báo JB.Nguyễn Hữu Vinh. Thợ lặn ở Vũng Áng lặn trong nước biển đó cũng chết. Cả xã hội đến lúc này mới sáng mắt ra rằng  cái nhà máy thép Hưng Nghiệp-Formosa là thủ phạm. Nhân dân ngay lập tức truy cứu trách nhiệm quan chức Hà Tĩnh rước hung thần Formosa vào giày xéo quê hương. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, rồi sau là bí thư, ông Võ Kim Cự – dù có được trung ương bảo kê thế nào, cũng đã chuốc lấy sự nhục nhã cho bản thân mình. Cả dòng họ Võ của ông Cự cũng nhục nhã lây, tất cả những người có quan hệ chú bác bà con gì với Võ Kim Cự đều tự xấu hổ với làng nước. Tuy nhiên, công bằng mà nói, quê hương Hà Tĩnh tan nát như ngày hôm nay là có phần tội lỗi của mỗi người. Không có mỗi người, mỗi nhà tiếp tay thì làm sao Formosa hoành hành như thế được? Và nếu mọi người, mọi nhà đều biết tiền án tiền sự của Formosa, tất cả họp nhau lại mà chống tập đoàn thép này ngay từ đầu, thử hỏi quan địa phương Hà Tĩnh có gan bao che cho nó hay không?
Đất nước tan nát như ngày hôm nay, ngoài lý do chế độ, có lẽ còn phải kể đến yếu tố dân tộc tính. Nhà báo lão thành Lê Phú Khải thường kể với các đồng nghiệp em út trong các cuộc họp của Hội nhà báo độc lập Việt Nam câu chuyện nhà ngoại giao Việt Nam tại Pháp – ông Lê Phú Hào  tiễn ông lên máy bay từ sân bay Charles De Gaulles về bay Việt Nam. Ông Lê Phú Hào cầm tay đứa cháu và nói một câu thật sâu sắc: “Người dân nào thì chính phủ nấy.”

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)