Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vương Đình Huệ: an toàn nhưng không an toàn

Johnny Thái

 

(VNTB) – Lãnh đạo chủ chốt, theo ngôn ngữ của Đảng, chính là bốn nhân vật “Tứ Trụ” và người mà ông Tô Lâm đang đề cập đến là cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

 

Việc Bộ Công an vừa mới đây đề nghị truy tố ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – một trợ lý thân cận, lâu năm của cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – đã gây chân động dư luận chính trị trong nước. Càng gây chú ý hơn khi báo chí nhà nước, vốn thường dè dặt trong các vấn đề “thượng tầng”, bất ngờ đăng tải bài viết có tiêu đề đầy gợi mở: “Sau bữa sáng ở nhà Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tập đoàn Thuận An trúng thầu dự án cầu Vĩnh Tuy 2”. (1)

Bí thư Thành ủy Hà Nội vào năm 2020 chính là ông Vương Đình Huệ, và ông Hà cũng là trợ lý của ông Huệ thời điểm đó.

Ông Huệ, tháng 4 năm 2021, đã được thăng tiến lên làm Chủ tịch Quốc hội, và ông Phạm Thái Hà trở thành trợ lý của ông Huệ vào tháng 9 năm đó.

Nhưng đúng ba năm sau, ông Huệ, vào tháng 4/2024, đã bị Bộ Chính trị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban chấp hành Trung ương, rồi sau đó, đến đầu tháng 5, ông bị mất chức Chủ tịch Quốc hội. (2)

Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó. Đến tháng 11/2024, Bộ Chính trị, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ và sự kiện này ghi tên ông là nhân vật trong Tứ Trụ đầu tiên bị kỷ luật sau khi đã mất chức.

Với những tình tiết mới trong bản kết luận điều tra của Bộ Công an, vai trò của ông Vương Đình Huệ đã được nhắc đến một cách gián tiếp, làm dấy lên câu hỏi liệu cựu Chủ tịch Quốc hội có phải đối mặt với thêm hình thức kỷ luật nào khác?

Điều này càng có cơ sở hơn khi mới đây, vào ngày 10/4, Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật cách toàn bộ chức vụ trong Đảng đối với ông Trương Hòa Bình dù hơn 3 tháng trước đó ông này đã bị “cảnh cáo”.

Và có thể thấy rằng, chỉ sau hai bữa ăn tại nhà ông Vương Đình Huệ – nơi ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Huệ, làm cầu nối giới thiệu – Tập đoàn Thuận An đã trúng hai gói thầu là Vĩnh Tuy 2 (giá trị gần 290 tỷ đồng) và cầu Đồng Việt (1.132,7 tỷ đồng).

Phải chăng đây là bước đầu của một quy trình truyền thông định hướng dư luận – thường thấy trước khi “đả hổ” cấp cao mà Đảng và Ban Tuyên giáo thường làm trước khi “lụm nhau” để thông báo trước và chuẩn bị tinh thần cho người dân.

– Và đặt ra khả năng ông Vương Đình Huệ có thể là lãnh đạo “tứ trụ” đầu tiên bị khởi tố trong lịch sử chính trị đương đại.

– Vai trò của ông Hà đối với ông Huệ và cách gửi tín hiệu của truyền thông:

Cách truyền thông Việt Nam đưa tin về vụ án Thuận An từ ngày đầu đến nay đã có những thay đổi.

Những ngày đầu, khi đưa tin về việc ông Phạm Thái Hà bị bắt, báo chí trong nước thường né tránh nhắc trực tiếp đến tên ông Vương Đình Huệ, chỉ mô tả ông Hà là “trợ lý Chủ tịch Quốc hội”.

Tuy nhiên, sau khi ông Huệ được cho thôi chức và sau đó bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, báo chí trong nước dường như đã thay đổi cách đưa tin.

Trong các bài viết liên quan đến việc Bộ Công an đề nghị truy tố ông Phạm Thái Hà, tên ông Vương Đình Huệ được nhắc đến.

Thậm chí, một số tờ báo còn nêu rõ quá trình công tác của ông Hà, cho thấy ông là trợ lý thân cận của ông Huệ từ thời ông Huệ làm Tổng Kiểm toán Nhà nước từ năm 2006, đến khi ông Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, sau đó là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, rồi đến Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau cùng là Chủ tịch Quốc hội.

Như vậy, ông Hà là một trợ lý thân cận của ông Huệ trong suốt gần 20 năm.

Nhưng đó là trên truyền thông. Còn cơ quan điều tra ban hành bản kết luận điều tra gián tiếp nhắc đến tên ông Vương Đình Huệ, cho thấy ông này có vai trò trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An, dường như gửi đến một tín hiệu khác.

– Tập đoàn Thuận An – một “con cờ” hay “sân sau”?

Tập đoàn Thuận An, với hàng loạt dự án hạ tầng lớn tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đã từng là một cái tên không mấy nổi bật cho đến khi xuất hiện trong các hồ sơ điều tra về đấu thầu sai phạm. Những cáo buộc liên quan đến việc doanh nghiệp này nhận ưu ái trúng thầu nhiều dự án nghìn tỷ – đặc biệt là cầu Vĩnh Tuy 2, đặt dấu hỏi lớn về mối quan hệ giữa nhóm lợi ích trong Quốc hội và chính quyền địa phương.

Việc Phạm Thái Hà bị đề nghị truy tố không chỉ là “một cá nhân sai phạm” – mà có thể là mắt xích trong một chuỗi cấu kết quyền-tiền, nơi Thuận An được đồn đoán là công cụ “rửa tiền” và làm giàu cho nhóm thân cận của ông Huệ. Nguồn tin từ nội bộ cho thấy Phạm Thái Hà từng là “kênh trung gian” giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo cấp cao trong việc phân phối, giới thiệu và vận động trúng thầu dự án công.

– Dư luận và truyền thông – đang bật tín hiệu “bật đèn xanh”?

Khác với nhiều vụ án liên quan đến quan chức cao cấp khác thường được bao phủ bởi lớp “bình phong im lặng”, bài báo “bữa sáng – trúng thầu” như một dấu hiệu rõ ràng cho thấy truyền thông đang được “bật đèn xanh” để từng bước “gợi mở” sự thật cho công chúng.

Trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm và phe nhóm Hưng Yên đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò”, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: liệu đây có phải là màn khởi động cho đợt xử lý kỷ luật lần hai đối với ông Vương Đình Huệ, hay thậm chí là bước đầu cho việc khởi tố một thành viên “tứ trụ” đầu tiên?

Chuyện “tứ trụ” – chưa từng có tiền lệ, nhưng không còn là bất khả?

Trong lịch sử chính trị Việt Nam hiện đại, chưa từng có trường hợp một thành viên “tứ trụ” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy nguyên tắc “không có vùng cấm” đang dần đi từ khẩu hiệu sang hành động thực tế. Việc hàng loạt cán bộ cao cấp – từ nguyên Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, đến tướng lĩnh Công an – bị truy tố trong các vụ án như Việt Á, Vạn Thịnh Phát, FLC… đã tạo tiền lệ chưa từng có cho sự “truy hồi trách nhiệm chính trị đến tận gốc”.

Nếu sự thật được chứng minh, và nếu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quyết tâm “khui sạch”, thì ông Huệ hoàn toàn có thể trở thành người đầu tiên “trả giá” dù đã rời ghế quyền lực.

– Câu hỏi chưa lời đáp, “trùm cuối” vẫn chưa lộ diện – nhưng đã có tín hiệu

Liệu ông Vương Đình Huệ có bị kỷ luật lần hai hay thậm chí khởi tố?

Hiện chưa thể khẳng định, nhưng các dấu hiệu từ công an, truyền thông và việc truy tố trợ lý thân tín của ông đang dần xếp thành một bức tranh đầy khả nghi.

Ông Vương Đình Huệ đã chịu mức phạt cảnh cáo từ Bộ Chính trị vào tháng 11/2024 và trở thành nhân vật đầu tiên trong Tứ Trụ bị kỷ luật sau khi đã mất chức.

Cảnh cáo là một trong bốn mức kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho đảng viên, bao gồm (từ nhẹ đến nặng): khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Việc đưa ra hình thức kỷ luật với ông Huệ, người trước đó được thông báo là đã xin thôi chức và được Trung ương Đảng “đồng ý” trong một hội nghị bất thường của Trung ương Đảng vào ngày 26/4/2024, được đánh giá là một bước bất ngờ.

Khi vụ án Thuận An nổ ra và được mở rộng điều tra, ông Huệ đã chủ động xin rút lui khỏi chính trường và được Đảng đồng ý “cho thôi”.

Đây được xem là cách mà Đảng cho các lãnh đạo cấp cao – gồm cả các ủy viên Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt – “hạ cánh an toàn”, rút lui trong danh dự.

Nhưng đó là thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm quyền, tới thời của Tổng Bí thư Tô Lâm, mọi chuyện dường như đổi khác.

Ông Vương Đình Huệ một lần nữa nổi bật trên truyền thông khi bị Bộ Chính trị cảnh cáo, chừng bảy tháng sau khi ông đã rút lui.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội ngày 3/12/2024, ông Tô Lâm nói rằng lần đầu tiên, Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với “lãnh đạo chủ chốt” của Đảng. (1)

Lãnh đạo chủ chốt, theo ngôn ngữ của Đảng, chính là bốn nhân vật “Tứ Trụ” và người mà ông Tô Lâm đang đề cập đến là cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cũng ngày hôm đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng “không có gì dừng lại mà phải tiếp tục”.

Đúng 10 ngày sau, 13/12/2024, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận quyết định cảnh cáo sau khi đã chủ động xin thôi chức vào tháng 1/2023, trở thành lãnh đạo chủ chốt thứ hai bị kỷ luật.

Mặc dù Ông Phúc, ông Thưởng, Ông Bình, Bà Mai và Ông Huệ đều bị kỷ luật “chung vui” với nhau nhưng riêng cá nhân ông Huệ là được “đặc cách” với sự xuất hiện của các chức danh “Bí thư Thành ủy Hà Nội”, và “Chủ tịch Quốc hội”, trong bản kết luận điều tra của cơ quan công an để đề nghị truy tố trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An mới đây, rất có thể ông Vương Đình Huệ sẽ còn phải đối mặt với những rắc rối lớn hơn trong thời gian tới.

Câu chuyện về Thuận An không chỉ là một vụ án doanh nghiệp – mà có thể là bước ngoặt trong công cuộc tái lập kỷ cương và niềm tin chính trị. Nếu điều này được làm đến nơi đến chốn, sự thật sẽ không chỉ là một vụ “bữa sáng – trúng thầu”, mà là lời cảnh tỉnh cho mọi cấu kết quyền – tiền đã ăn sâu trong hệ thống và là một lời đe dọa cảnh cáo cho các đồng chí đã tưởng mình “hạ cánh an toàn”.

 

_____________________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/sau-bua-sang-o-nha-bi-thu-thanh-uy-ha-noi-tap-doan-thuan-an-trung-thau-du-an-cau-vinh-tuy-2-20250512195159869.htm

(2) https://baochinhphu.vn/mien-nhiem-chuc-vu-chu-tich-quoc-hoi-doi-voi-ong-vuong-dinh-hue-102240502173807515.htm

(3) https://vov.vn/chinh-tri/lan-dau-tien-ky-luat-can-bo-chu-chot-tiep-tuc-tinh-than-khong-co-vung-cam-post1144113.vov?jskey=gublNUPY44MJYwr6LB6LMxX00FetUqrYAg%3D%3D

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bí thư Bắc Giang có phải chia lại chút nào cho dân trong thôn không một tấc đất

Do Van Tien

VNTB – Liệu tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ‘lập pháp’ với “Luật về Đảng”?

Phan Thanh Hung

Hà Nội phá vụ ‘tuồn’ gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, khởi tố 10 bị can

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo