LS
(VNTB) – Chuyến đi sắp đến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không nằm ngoài mục đích làm sâu sắc hóa “quan hệ quốc phòng” vì chiến lược “win-win” giữa hai nước.
“Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam” hay cả hai đang cần nhau trên phương diện đối tác, giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông, rộng hơn là thách thức vị trí của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?
VOA trích lời vị dân biểu Chris Smith, thành viên cấp cao của Uỷ ban Đối ngoại và là Chủ tịch của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu, cho rằng, “chính phủ Việt Nam cần hợp tác an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam.”.
Ý niệm “ai cần hơn ai” chỉ đúng khi nó được đặt vào trong bối cảnh cả hai nước đang bị cái gì, điều gì thúc đẩy phải đứng sát cạnh nhau.
Quan hệ Mỹ – Trung: hòa hoãn hơn đối đầu
Việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán áp đặt chủ quyền lên vùng biển Đông, từ đường chủ quyền 9 đoạn, đến đặt ADIZ, khai hoang đảo trên rạn san hô và đảo san hô hiện nay tổng số hơn 2.000 mẫu Anh, và quân sự hóa đảo nhân tạo, xây dựng hai ngọn hải đăng ở Biển Đông, xét cấp quyền lập pháp trên đảo… Nhịp độ áp đặt chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc đe dọa trầm trọng đến tự do hàng hải, khi khu vực quần đảo Trường Sa có hơn 45% lượng vận tải thương mại của thế giới phải đi qua, trong đó lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Và tất nhiên Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất – với vai trò là một cường quốc và thực thi vai trò “nhà lãnh đạo” thế giới.
Tuy vậy, đặt trong mối quan hệ kinh tế – chính trị giữa Trung Quốc – Mỹ hiện nay thì lãnh đạo hai nước vẫn chỉ sẵn sàng trong tư thế hòa hoãn hơn là đối đầu. Do đó, ngay cả khi xảy ra vụ một máy bay Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát, săn ngầm P-8A Poseidon của hải quân Mỹ, chưa kể vụ máy bay EP-3, vụ đụng độ tàu chiến Cowpens… thì Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama cũng tìm cách đi đến ký kết Bản ghi nhớ chung về các Quy tắc Ứng xử An toàn trong các vụ đụng độ trên biển và trên không sau cuộc họp cấp cao ngày 12/11/2014.
Trước thềm Đối thoại Chiến lược Mỹ-Trung về Biển Đông (22-24/6), Mỹ tuyên bố sẽ không che giấu những khác biệt với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông, tuy nhiên, dù Mỹ lo ngại Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông thì theo ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, cho hay, những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông về cơ bản không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước đòi hỏi chủ quyền khác, giữa Trung Quốc và ASEAN. Do đó, Mỹ kiên quyết tránh xảy ra đối đầu quân sự.
Trước đó, Mỹ cũng nhiều lần khẳng định chính sách xoay trục không nhằm vào Trung Quốc.
Thế nhưng, ông Daniel Russel và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của Mỹ cũng luôn nhấn mạnh rằng, các nguyên tắc tự do hàng hải, và các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc phải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhưng muốn thực thi chính sách quốc tế về hàng hải và tránh được sự đối đầu quân sự thì Mỹ phải làm đậm quan điểm “tranh chấp Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN”. Điều này chỉ có được khi Mỹ triển khai hoạt động giám sát Biển Đông một cách gián tiếp thông qua mở rộng và củng cố quan hệ quốc phòng, an ninh với các quốc gia có mâu thuẫn với yêu sách chủ quyền biển Đông của Trung Quốc. Một biện pháp “cân bằng” cuộc chơi, quốc tế hóa giám sát biển Đông nhằm đảm bảo sự kiềm chế và ngăn chặn sự hung hãn của Trung Quốc.
Thực dụng hóa chính sách của nước thứ 3 để bảo vệ lợi ích Mỹ
Việc ngăn chặn Trung Quốc trong vấn đề quân sự hóa biển đảo không chỉ dựa trên “ngoại giao micro” ở cấp song phương, mà gián tiếp thông qua việc đảm bảo các nước có liên quan nhất đến vấn đề tranh chấp phải có tiếng nói ngăn chặn – nghĩa là đủ năng lực để tạo ra sự răn đe mang tính dè chừng cho phía Trung Quốc.
Và sự hỗ trợ cấu trúc an ninh khu vực là một phần trong chiến lược thông minh nhằm khoanh vùng và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là tại vùng biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng nhiều lần tái khẳng định cam kết của Mỹ với Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhắc lại Mỹ hỗ trợ cho một cấu trúc khu vực, cho phép tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng cường an ninh và phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, Mỹ không bao trùm sự hỗ trợ lên trên mọi quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Lý do, mặc dù khu vực Biển Đông là vùng chiến lược, và Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có hẳn một cơ chế để trao đổi với Bắc Kinh với Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhưng tổ chức này lại thiếu sự thống nhất trong giải quyết vấn đề an ninh khu vực nội bộ, bản thân các chính phủ trong tổ chức này cũng có cách tiếp cận thực dụng đối với vấn đề lãnh thổ. Do đó, nhiều quốc gia không có liên quan đến đến yêu sách biển Đông như Campuchia, đã từng nhấn mạnh ASEAN không nên giải quyết tranh chấp Biển Đông với vị thế là một khối bởi chỉ có 4 nước ASEAN có liên quan đến vấn đề này.
Bốn quốc gia có liên quan đến yêu sách Biển Đông gồm Philippines, Malaysia, Brunei, và Việt Nam. Nhưng chỉ có Việt Nam và Philiphines là 2 quốc gia “to tiếng” nhất với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Vậy nên, hỗ trợ cho đồng minh Philippines và đối tác Việt Nam là cách mà Mỹ chia sẻ “nỗi lo chung” về việc Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các đảo nhân tạo như các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát hàng hải ở Biển Đông. Và đây cũng là cách Mỹ bảo vệ các giá trị pháp lý quốc tế về lãnh hải bằng cách thúc đẩy các quốc gia có liên quan thực thi điều đó một cách có năng lực (bao gồm giám sát thực thi luật tại Biển Đông).
Và ngay cả trong sự “tài trợ” xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam cũng giúp cho Mỹ “danh chính ngôn thuận”, đảm bảo rằng, Trung Quốc sẽ phải “giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”, đơn giản là vì, dù Mỹ khẳng định “Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, tuy nhiên Mỹ lại chưa phê chuẩn Công ước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 15/11/2014 tại Úc, đã nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng quốc gia và dân tộc nào cũng có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, rằng an ninh ở châu Á không nên dựa vào các vùng ảnh hưởng, các hành vi ép buộc hoặc đe dọa với việc các nước lớn ức hiếp các nước nhỏ.”
Sự cung cấp “năng lực an ninh, quốc phòng” trong tiến hành luật chơi chung của Mỹ, đảm bảo thu hút đồng minh, đối tác về phía mình, đồng thời đảm bảo “tự do hàng hải Biển Đông” – như là một trong những minh chứng nước này sẽ bám trụ lâu dài tại Châu Á.
Do đó, vào cuối tháng 5, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã lên tiếng rằng, Việt Nam cần được cung cấp vũ khí để chống lại các “hành vi quyết đoán” của Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn thấy họ (Việt Nam) có khả năng tuyệt vời, đặc biệt là những vũ khí có tính chất phòng thủ có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ nói.
18 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam để mua sắm một số các tàu tuần tra; hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển trung tâm huấn luyện gìn giữ hoà bình cho quân đội Việt Nam hay mở ra khả năng hợp tác sản xuất vũ khí – và cộng tác an ninh hàng hải là một tiến trình giúp Mỹ có thể thông qua Việt Nam “tuần tra giám sát hàng hải” tại khu vực Biển Đông.
Tất cả mới chỉ là bước đầu, bởi sự tiến triển của quan hệ đối tác giữa Mĩ và Việt Nam đúng như Đại sứ Mĩ tại Việt Nam Ted Osius đặc tả: “đang mỗi tuần, nếu không muốn nói là mỗi ngày, trở nên sâu sắc hơn.”.
Vì Biển Đông và vì lợi ích của cả hai nước xoay quanh vấn đề này.
Ngoài ra, sự trợ giúp về vấn đề quốc phòng đối với Việt Nam cũng là một cách tốt nhất để triển khai giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Đông theo quan điểm của Mỹ, trong đó ngăn chặn việc “nguy cơ leo thang thành sự đối đầu” thông qua kêu gọi ngừng quân sự hóa trên các đảo, mà Việt Nam – nước đang kiểm soát 19 hòn đảo và có quân đội trên đó.
Hỗ trợ Việt Nam, kêu gọi ngừng quân sự hóa, cũng là cách Mỹ có cơ sở pháp lý để buộc Trung Quốc phải “dừng lại vĩnh viễn” các chương trình cải tạo đảo làm tiền đồn để kiểm soát hang hải biển Đông. Nhất là khi vào ngày 26/5/2015, Trung Quốc ra Sách Trắng về chiến lược quân sự mới có đề cập tới cụm từ “Phòng ngự tích cực” với nội dung chủ yếu là có thể “tấn công trước để tự vệ.”.
Cách tiếp cận mềm mỏng này đem lại hiệu quả nhiều hơn so với việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn mang tính khiêu khích, đảm bảo cho cho các nước liên quan trong khu vực không e ngại vì chính sách “can thiệp thô bạo” của Mỹ trong vấn đề nội bộ, mà nâng nó lên thành “tiếng nói của quốc tế”.
Chuyến đi sắp đến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không nằm ngoài mục đích làm sâu sắc hóa “quan hệ quốc phòng” vì chiến lược “win-win” giữa hai nước.