VNTB – Xã hội dân sự – Cuộc chiến kéo dài với chế độ chính trị độc tài.

VNTB – Xã hội dân sự – Cuộc chiến kéo dài với chế độ chính trị độc tài.

Ngô Thái Văn

 

(VNTB) – Xã hội dân sự độc lập là tiền đề cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh, sự vắng mặt hoặc sự suy giảm tương đối của nó nằm trong các thể chế chính trị bệnh hoạn.

 

Xã hội dân sự là mạng lưới các nhóm, cộng đồng có quan hệ công dân liên kết bởi các lợi ích chung cùng hoạt động và độc lập với nhà nước. Xã hội dân sự (XHDS) là những thành phần quen thuộc của các chế độ tự do và dân chủ. Thuật ngữ xã hội dân sự hàm chứa nguyện vọng đạo đức, chính trị. Đối với người ủng hộ, xã hội dân sự độc lập là tiền đề cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh, sự vắng mặt hoặc sự suy giảm tương đối của nó nằm trong các thể chế chính trị bệnh hoạn.

Các xã hội dân sự được hình thành trong nhiều chế độ từ cổ đại. Việt nam đã có tổ chức xã hội, hội đoàn, nghiệp đoàn, đảng phái chính trị từ đầu thế kỷ 20 khi khái niệm dân chủ và quyền công dân được người Pháp đưa vào xứ thuộc địa này, không phải như người ta nói đó là từ ngữ sáo rỗng trong âm mưu diễn biến hòa bình mới được đưa vào VN vài năm trước đây hòng khuynh loát chế độ.

 

Luôn luôn có quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự.

 

Các nhà quản lý chế độ độc tài nhận thức được rủi ro mất quyền kiểm soát nhà nước nếu xã hội dân sự được phép phát triển và hoạt động tự do, vì vậy, họ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chận quá trình phát triển các xã hội dân sự này xảy ra, hoặc tạo ra các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu. Tilly (Skocpol, 1999) đã chứng minh hiện tượng này thông qua sự phát triển của các quốc gia ở Tây Âu vài thế kỷ qua. 

Cũng theo Tilly, các quốc gia dân chủ được sinh ra bởi các cuộc đấu tranh giữa nhà nước và các xã hội dân sự, trong đó nỗ lực kìm hãm xã hội dân sự của nhà nước không thành công; nhà nước độc tài phải lùi bước, nới lỏng sự kìm hãm, khắc nghiệt việc chấp nhận một số quyền tự do là kết quả cuộc vật lộn với các xã hội dân sự, không phải từ lòng nhân từ, vì dân, vì nước. 

Công Đoàn Đoàn Kết thành lập trong chế độ cộng sản Ba Lan đòi hỏi những yêu cầu thiết yếu, thực tế của công nhân lập tức gặp sự đàn áp tàn khốc bởi chính phủ độc tài. Sự đối kháng mãnh liệt đưa đến thắng lợi của công nhân trong công đoàn, dẫn đến thay đổi toàn diện chế độ độc tài, chuyển qua chế độ dân chủ. 

Đối với xã hội dân chủ lành mạnh, các tổ chức xã hội dân sự độc lập có khả năng tự điều chỉnh quyền lợi của họ phù hợp với cộng đồng, không bị chính quyền xem là lực lượng đối kháng, mà giúp chính phủ nhìn rõ thực trạng, nhu cầu của xã hội. Nhà nước dân chủ cấu thành từ các xã hội dân sự có khả năng và trách nhiệm hoàn thành các đòi hỏi chính đáng mà các tổ chức xã hội không giải quyết được, có thể là xung đột giữa hai hay nhiều nhóm XHDS, có thể là dung hoà lợi ích của các cộng đồng trong một xã hội quốc gia hay quốc tế. Sự giúp sức hỗ tương giữa các tổ chức xã hội dân chủ và chính quyền giúp giải quyết các vấn nạn mà XHDS không có khả năng tự giải quyết và một mình chính phủ cũng không giải quyết được

Chính phủ các quốc gia chậm phát triển, thiếu dân chủ, độc tài luôn cho rằng họ đã nắm quyền lực tối thượng thì phải có mặt trong mọi lĩnh vực xã hội, các tổ chức xã hội dân sự không được phép độc lập với nhà nước, hay nói cách khác, chỉ có nhà nước mới có quyền sinh ra các tổ chức XHDS, các tổ chức này phải chịu sự nuôi nấng, chi phối của nhà nước 

 

Luật Việt Nam về Tổ chức xã hội cho thấy rõ chính quyền kìm hãm các tổ chức xã hội dân sự (*). Trang web luatduonggia. viết:

Ở nước ta có 5 loại tổ chức xã hội gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

  1. Tổ chức chính trị
  • Đây là tổ chức mà các thành viên sinh hoạt theo khuynh hướng chính trị cụ thể và nhất định.
  • Chỉ được phép công khai thừa nhận nếu quyền lực nhà nước thuộc về một lực lượng nhất định (nguyên văn)
  • Gia nhập tổ chức qua hình thức bầu cử bởi tổ chức này là đại diện của một giai cấp/ lực lượng xã hội nhất định.
  • Nước ta có một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng cộng sản Việt nam với nhiệm vụ cốt lõi là giành và giữ chính quyền.

 

  1. Tổ chức chính trị xã hội.
  • Đây là tổ chức đại diện cho các tầng lớp trong xã hội với hoạt động của nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, cơ sở chính quyền nhân dân.
  • Ở nước ta hiện nay có 06 tổ chức chính trị xã hội, gồm có: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam.

 

  1. Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp 
  • Đây là tổ chức được thành lập theo sáng kiến của nhà nước, hoạt động chặt chẽ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Có vai trò trong việc hỗ trợ nhà nước giải quyết một số vấn đề xã hội.
  • Hoạt động theo cơ chế tự quản, cơ cấu do nội bộ tổ chức quyết định và hoạt động mang khuynh hướng quyền lực chính trị và tự nguyện.
  1. Tổ chức tự quản
  • Đây là tổ chức thành lập theo sáng kiến của nhà nước, dưới sự quản lý bởi cơ quan nhà nước. Nhằm thực hiện nhiệm vụ tự quản ở phạm vi nhất định các công việc mà nhà nước không trực tiếp quản lý
  1. Các tổ chức khác

Được thành lập theo các tiêu chí khác nhau như sở thích, nghề nghiệp…chẳng hạn như tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, hội nuôi chim, cây cá cảnh…

 

Ngoài các tổ chức XHDS con đẻ kể trên, chính phủ thành lập các hiệp hội dân sự tôn giáo như Cao Đài chi phái 1997, các ủy ban đoàn kết tôn giáo, ủy ban đoàn kết công giáo, giáo hội Phật giáo VN… Nhà nước lãnh đạo và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hình thái độ và quan điểm của công chúng (Jamal, 2007). Các tổ chức XHDS khác, ngay cả các tôn giáo không được nhà nước chấp nhận đều bị đàn áp.

Các quốc gia độc tài sử dụng sức mạnh vượt trội của họ so với sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát, đàn áp và thao túng sự phát triển của xã hội dân sự hầu duy trì tình trạng chuyên quyền của họ (Jamal, 2007). Họ cố gắng bóp nghẹt xã hội dân sự, từ chối các quyền dân sự và chính trị của công dân như quyền biểu đạt, quyền lập hội, v.v. Không có những quyền căn bản này, xã hội dân sự khó có thể tự hình thành, củng cố sức mạnh. 

 

Mặt khác, chính quyền độc tài cố gắng kiểm soát sinh kế của mọi người. Nhà nước muốn mở rộng khu vực công, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước càng nhiều càng tốt. Họ thậm chí cố gắng kiểm soát các tập đoàn tư nhân. Hình thức ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ mang dáng dấp của sự kiểm soát kinh tế toàn dân. Trung Quốc, và Việt nam chẳng hạn, thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp, xí nghiệp quốc doanh hay cổ phần. 

 

Tổng công đoàn lao động hay công đoàn lao động cơ sở được dựng nên bởi nhà nước nghiêng về lợi ích của nhà nước và chủ nhân, kể cả chủ nhân ngoại quốc và nhằm kiểm soát công nhân (**). Những cộng đồng và các thành phần chính trị muốn xây dựng xã hội dân sự có một nền văn hóa phù hợp (Almond và Verba, 1966), hay họ muốn thành lập các hiệp hội có vẻ không phù hợp với quyền lợi của nhà nước, (Putnam, 1994), có thể bị trấn áp bởi các tổ chức dân sự giả hiệu GONGO, A government-organized non-governmental organization như Hiệp Hội Thanh Niên, Mặt Trận Tổ Quốc v..v. 

 

Thâm hiểm hơn chính phủ thành lập các hiệp hội dân sự (Cao Đài 1997) do nhà nước lãnh đạo và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hình thái độ và quan điểm của công chúng (Jamal, 2007). Cũng theo Jamal, chính quyền độc tài cũng có thể tưởng thưởng cho một tổ chức XHDS để có sự ủng hộ và trung thành của họ với chính phủ. Ban lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine sử dụng mối liên hệ của họ với viện trợ nước ngoài để thưởng cho các nhóm chính trị và xã hội dân sự trung thành với họ (Jamal, 2007). 

Điều gì khiến nhà nước nới lỏng các hạn chế đối với sự phát triển của các hiệp hội dân sự? Điều gì làm cho quá trình dân chủ hóa dễ chấp nhận hơn đối với cả các nhà quản lý nhà nước và xã hội dân sự? Đó là nội dung của bài viết sau. “Đừng bao giờ nghĩ rằng một nhóm nhỏ không làm gì được để thay đổi xã hội.”

 

__________________

Ghi chú:

(*)https://luatduonggia.vn/cac-loai-to-chuc-xa-hoi/

(**)Thường là các chủ nhân này người Á Châu. Giới chủ nhân thuộc các nước tây phương dân chủ không bị mua chuộc bởi chính phủ hay nghiệp đàn lao động được dựnng nên bởi chính phủ. Mới đây sự rút lui của Apple ra khỏi VN là một bằng chứng.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)