VNTB – Xăng có khả năng tăng 20/5, người dân tiếp tục bị móc hầu bao

Thế Hiền tổng hợp (VNTB) Sau đợt lễ dài ngày, ngày 5/5, người dân Việt Nam đón một “tin mừng” là xăng dầu tăng giá kỷ lục, gần 2.000 đồng một lít.

Với sự kiện này, đã chứng minh dự đoán của chuyên gia Ngô Trí Long đúng, khi từ tháng 4/2015, ông đã cho rằng rất khó để giữ giá xăng dầu từ ngày 1/5, do thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 300% so với hiện nay. Lý do: “Với mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng quá lớn, việc dùng quỹ bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu là không thuyết phục, có chăng đây chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi”.



Trong khi đó, đại diện Bộ Tài Chính, ông Đinh Nam Thắng – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính lại cho dân ăn lời hứa hão, khi khẳng định thuế môi trường (lên đến 300%) không làm đội giá bán lẻ xăng dầu.

Sau tăng giá xăng dầu kỷ lục, thì phía Bộ Tài chính tự biện hộ rằng: “Để chia sẻ với người tiêu dùng, liên bộ cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn thêm 446 đồng mỗi lít. Nếu không dùng quỹ bình ổn, giá xăng có thể phải tăng 3.300 đồng.”

Và lời biện hộ về dùng quỹ bình ổn đó đã cho thấy một đợt tăng giá xăng dầu mới, khi gần đây, thành phẩm thế giới duy trì mức cao, quỹ bình ổn giá xăng dầu cạn (ở thời điểm hết quí 1 còn tồn 2.843 tỉ đồng, giảm hơn 1.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2014), trong khi thuế môi trường vẫn giữ mức 300%.

Và vào ngày 20/5 – là ngày cơ quan điều hành công bố giá cơ sở tiếp theo.

Việc điều hành giá xăng dầu của các cơ quan chức năng gây ra nhiều sự khó hiểu. Khi các cơ quan chức năng biết cách bám sát tình hình tăng giá dầu thế giới, và giả vờ trong thời điểm giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, khiến cho người dân đón nhận tin giảm vài trăm nhưng tăng lại đến vài đồng. 

Do đó, lời tuyên bố của Liên Bộ Tài Chính – Công thương về “việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện trên cơ sở chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng, và cân đối ngân sách nhà nước” chỉ đúng được mỗi vế “lợi ích doanh nghiệp, ngân sách nhà nước”.

Nhưng phương thức “móc hầu bao của dân đen” đó chưa phải là tất cả, trong một thông tin đáng chú ý khác, số tiền thuế môi trường (300%) đánh vào xăng dầu hiện đang bị nghi ngờ sử dụng sai mục đích.

Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.Tuy nhiên, Bộ Tài Chính chưa đưa ra được một đề án chi tiết về việc sử dụng hơn 10 nghìn tỉ đồng vào việc bảo vệ môi trường như thế nào. Trong khi đó, vào ngày 12/3, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường lại không nắm rõ.

“Tôi cho rằng, việc tăng thuế BVMT là đúng nhưng phải dùng đúng mục đích, tức là thuế BVMT phải dùng để bảo vệ môi trường chứ không phải dùng vào mục đích khác”.

Sở dĩ ông Hoàng Dương Tùng phải khẳng định như thế, vì trước đó, Bộ Tài chính lý giải tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu.

Điều này được nhiều chuyên gia, ĐBQH đánh giá là không phù hợp, lý do nằm ở thuế BVMT và thuế nhập khẩu là tách bạch nhau, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho một loại thuế khác.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)