VNTB – Xăng, dầu tiếp tục ‘đá’ sang Bộ Tài chính

VNTB – Xăng, dầu tiếp tục ‘đá’ sang Bộ Tài chính

Đông Đô

(VNTB) – “Giải pháp tháo gỡ là tăng chi phí vận chuyển trong nước đã được bổ sung vào kỳ điều hành giá ngày 11-10, song với chi phí vận chuyển trong nhập khẩu cũng bị tăng theo, nên sẽ kiến nghị lên Chính phủ để điều chỉnh sớm nhất”.

“Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp giảm chiết khấu bán hàng, cắt giảm sản lượng kinh doanh. Tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, tỉ giá đồng USD tăng, khó tiếp cận ngoại tệ, nên doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tiền để nhập khẩu hàng, nên chỉ duy trì lượng nhập khẩu phục vụ cho hệ thống. Cộng thêm chi phí chưa được cập nhật đầy đủ vào cơ cấu giá” – ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giải thích về nguyên nhân dẫn đến cây xăng bán lẻ thiếu hàng hóa.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói rằng Bộ Công thương “kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đang tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường”.

Đại diện Bộ Công thương cũng “kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường”.

Như vậy, theo quan điểm của Bộ Công thương, thì nguồn không thiếu nhưng định giá bán, không chiết khấu trong khi thuế phí thu đủ nên phía nhập hàng không kham nỗi lỗ lã kéo dài.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, cho biết kế hoạch sản xuất xăng dầu của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu. Hiện 02 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong Quý IV năm 2022.

Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường. Về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022. Nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trước câu hỏi, “giá xăng dầu trong nước tăng; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ ở mức cao, dù giá xăng dầu đã giảm. Bộ Công Thương có biện pháp gì để bình ổn giá cả thị trường?”, thì câu trả lời từ đại diện Bộ Công thương như sau:

“Việc kiểm soát giá các hàng hóa khác nói chung trên thị trường thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đề nghị xin ý kiến thêm của Bộ Tài chính. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường để bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá hợp lý cho thị trường, nhất là trong những giai đoạn lễ, Tết (nhu cầu tăng cao)”.

Bộ Công thương tiếp tục ‘đá’ trách nhiệm sang Bộ Tài chính, khi nhắc lại rằng: “Từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển, premium… tăng, nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh”.

Nhận trách nhiệm về mình ở đây của Bộ Công thương, đó là: “Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng do vi phạm hành chính dẫn đến thiếu nguồn hàng cho các thương nhân phân phối và các đại lý mua hàng của các thương nhân đầu mối này, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa bàn”.

…Như vậy trong chuyện ‘đổ thừa’ qua lại này cho thấy trách nhiệm cuối cùng thuộc về người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 1 year

    Lỗi của ông Chính? Hừm, bộ ổng hổng biết đổ thừa cho chủ tịch Phúc hay sao?