Nguyễn Tường Thụy (VNTB) Vụ tai nạn do xe chở khách của Hãng Phương Trang (do lái xe Nguyễn Văn Lan điều khiển) gây ra cướp đi mạng sống của cháu Phạm Thị Ngọc Linh xảy ra đã gần 1 tháng. Sau khi tai nạn xảy ra, người nhà cháu bên Hoa Kỳ và sau đó là Thúy, chị gái của Linh đã gọi điện cho tôi bày tỏ sự bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của lái xe và nhà xe Phương Trang.
Do tang gia bối rối và đang sốc về tâm lý nên hôm nay, chị cháu là Phạm Thị Ngọc Thúy mới thay mặt gia đình viết đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan truyền thông.
Ai là người vi phạm Luật giao thông?
Theo đơn cháu Thúy trình bày thì khi tai nạn xảy ra, ba chị em cháu với 3 xe máy đang đi thành một hàng, theo hướng Vĩnh Long – Cần Thơ. Thế nhưng lái xe lại cho rằng, khi đang đi tốc độ cao (70 km/h), cháu Linh xi nhan rẽ trái tránh không kịp nên mới xảy ra tai nạn. Trong khi đó, cháu Thúy nói đây là một lời khai hoàn toàn sai sự thật vì lúc đó 3 chị em cháu đang di chuyển từ hướng Vĩnh Long đi Cần Thơ nên không có lý do gì cháu Linh phải xi nhan rẽ trái quay xe lại.
Cháu Thúy cho biết xe cháu đi đầu, cách xe Linh (nạn nhân, em gái Thúy) đi cuối khoảng 60 mét nên cháu vẫn có thể quan sát được vị trí của em cháu. Khi nghe va chạm, cháu Thúy quay lại. Người dân có mặt ở hiện trường nói em cháu chạy xe ở làn đường dành cho xe máy.
Giả thiết rằng, người tham gia giao thông có đi lấn phần đường đi chăng nữa thì lái xe vẫn phải luôn luôn làm chủ tốc độ, làm chủ tay lái, chứ không có nghĩa được quyền tông vào người đi sai phần đường.
Điều 202 Bộ luật hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Lái xe Lang có vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không?
Cháu Linh có đi vào làn đường dành cho xe ô tô không, điều này cần làm rõ. Nếu lời khai của hai bên có mâu thuẫn nhau thì việc này vẫn có thể xác định qua các nhân chứng.
Điều lệ an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị” cũng quy định “Người lái các xe khách khi qua nơi xẩy ra tai nạn có trách nhiệm trở người bị thương đến nơi cấp cứu gần nhất”. “Người trốn tránh nghĩa vụ cứu trợ tai nạn sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành”.
Huống chi, lái xe Lan không những lái xe khách mà còn là người trực tiếp gây ra tai nạn nhưng lại bỏ chạy, để mặc nạn nhân ở hiện trường. Điều này đã gây nên sự phẫn nộ cho gia đình nạn nhân. Đây là hành vi không thể chấp nhận được của lái xe Nguyễn Văn Lang.
Trao đổi thêm với chúng tôi, cháu Phạm Thị Ngọc Thúy cho biết, “Con có hỏi lại người dân tại hiện trường họ nói em con đi đúng không thì họ nói lúc đó do xe PT vượt qua chiếc xe du lịch nên khi vừa nhìn thấy xe của em con vưà bóp kèn là tông luôn. Nói cho con nghe thôi chứ họ không dám làm chứng. Họ nói “hãng xe này lớn lắm kệ đi, coi như mình xui đi, họ muốn đền sao thì đền kệ đi em. Mình không không làm gì được họ đâu.
Nghe như vậy con vô cùng đâu buồn em mình chết oan như vậy”.
Phải chăng có chuyện công an làm sai lệch hồ sơ?
Ngoài lá đơn trình bày, cháu Thúy cho biết thêm: Sau này cháu quay lại nơi xảy ra tai nạn, thấy vết sơn vẽ lại điểm va chạm là ở làn đường dành cho xe lớn. Còn biên bản hiện trường cho đến nay, cháu Thúy chưa được xem. Công an nói khi nào giải quyết xong vụ việc thì mới đưa cho cháu.
Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn cướp đi mạng sống Phạm Thị Ngọc Linh. Ảnh: Tường Thụy |
Ngày 11/05 công an giao thông mời cháu đến để xem tình trạng của xe máy sau khi xảy ra tai nạn, nhưng đồng thời đã lấy thêm lời khai của cháu về vụ này. Khi làm việc với cháu họ nói theo “sơ đồ hiện trường” có thể em chị điều khiển xe máy chạy ở làn đường dành cho xe lớn. Chị đừng có nóng ruột em chị mà bênh em của mình nghe chưa.
Cháu Thúy cho rằng, những người làm chứng có thể sợ không dám đứng ra đối mặt với bên gây ra tai nạn hoặc với công an. Tuy nhiên, cháu cho biết cụ thể một người có mặt tại hiện trường, khẳng định em cháu không đi vào làn đường ô tô. Chị này cũng khai với công an như vậy. Nhưng không hiểu sao, khi quay lại nơi xảy ra tai nạn, cháu Thúy lại thấy vết sơn vẽ lại điểm va chạm là ở làn đường dành cho xe lớn.
Cháu Thúy cũng đã ghi âm cuộc nói chuyện tại hiện trường với nhân chứng kia.
Trong các bức thư cháu Thúy gửi chúng tôi, có một nội dung rất khó hiểu như sau: Vụ tai nạn cho tới giờ vẫn không thấy thông tin trên các phương tiện truyền. Thậm chí trên trang web của Công An tỉnh Vĩnh Long cũng không hề ghi nhận ngày hôm đó (3/5/2015) có xảy ra tai nạn. Gia đình nạn nhân đã liên lạc với đường dây nóng 0703 823 328 của Công An Vĩnh Long yêu cầu họ tra cứu vụ tai nạn này nhưng đến nay (tức ngày 28/5) đã gần 1 tuần họ vẫn không hề sửa chữa thông tin trên đó. Cháu Thúy đặt câu hỏi: “Tại sao thông tin lại bị bưng bít? Nguyên nhân do đâu?. Như thế nghĩa là không hề có vụ tai nạn nào xảy ra ngày hôm đó (3/5) sao?”
Trang web của Công An tỉnh Vĩnh Long ngày 3/5/2015 không ghi nhận ngày 3/5/2015) có xảy ra tai nạn. Ảnh: chụp website Công an tỉnh Vĩnh Long |
Như vậy, không thể loại trừ việc công an đã làm sai lệch hồ sơ để giảm nhẹ trách nhiệm cho lái xe. Điều này nếu có cũng là dễ hiểu qua hướng giải quyết nhiều vụ tai nạn giao thông từ trước tới nay.
Có một điều khó hiểu nữa là trong bản xác nhận liên quan đến tình trạng tử vong, phần bệnh sử có ghi: “người nhà khai bệnh nhân chạy xe honda va chạm với xe khác, té xuống chảy máu miệng hôn mê đưa vào viện”. Về việc này cháu Thúy tỏ ra rất bức xúc, cháu nêu ý kiến của mình như sau:
– “Xe em cháu không va chạm “xe khác” mà “xe khác” va chạm xe em cháu nên gây ra tai nạn
– Khi đến bệnh viện bác sỹ mới nhìn là bảo chết rồi chứ không phải cấp cứu 15 phút rồi mới tử vong.
Cháu không khai gì trong tờ giấy đó, toàn bộ là do bên phía nhà xe Phương Trang tự viết với nhau, vậy mà họ dám dùng từ “người nhà khai”. Khi đó cháu chỉ lo cho em cháu chứ đâu có thời gian mà khai như vậy với bệnh viện”.
Vụ việc còn phải tiếp tục
Đến hôm nay, phía gia đình lái xe (và nhà xe Phương Trang?) mới đưa 2 lần tổng cộng là 25 triệu đồng tiền phúng viếng, ngoài ra không có động thái gì thêm ngoài 1 lần hẹn gia đình sẽ xuống vào ngày 14/5 để làm việc nhưng lại không đến. Như vậy, vấn đề bồi thường chưa được đặt ra, hoặc họ coi 25 triệu đồng tiền phúng viếng là đã xong chuyện.
Xe Phương Trang gây tai nạn và xe máy nạn nhân. |
Việc nạn nhân đã chết, bản thân nạn nhân và gia đình phải chịu, điều đó đã đành. Nhưng về phía gây ra tai nạn, cần phải xác định trách nhiệm. Họ có bồi thường bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể bù được mạng người. Tuy nhiên, nếu ỷ thế mạnh hiếp yếu, nhất là khi có dấu hiệu bao che từ phía công an thì nỗi bức xúc của gia đình, và cả công luận sẽ nhân lên, và như thế, vụ việc ngày càng thêm phức tạp.
Rất mong các phóng viên, nhà báo ở gần, có điều kiện lấy thêm tài liệu, nhân chứng, làm rõ sự thật vụ tai nạn giao thông này, giúp gia đình nạn nhân đòi được công bằng, lẽ phải.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ooo
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Tên tôi là: Phạm Thị Ngọc Thúy, sinh năm 1987.
CMND số: 381390906, cấp ngày: 05/01/2007 tại Cà Mau.
Địa chỉ thường trú: Khóm7, Thị trấn Sông Đốc, Huyện Trần Văn Thời, Tỉnh Cà Mau
Chổ ở hiện tại: 329, Ấp Phước Yên A, Xã Phú Quới, Huyện Long Hồ, Tỉnh Vĩnh Long
Số điện thoại: 01225849730
Tôi xin trình bày sự việc như sau:
Vào trưa Chủ nhật, ngày 03/05/2015, sau chuyến chơi lễ ở Vĩnh Long, 3 chị em chúng tôi gồm; tôi (Phạm Thị Ngọc Thúy – sinh năm 1987), chị họ tôi (Trần Thị Hằng Nhung – sinh năm 1993), và em gái tôi (Phạm Thị Ngọc Linh – sinh năm 1994). Ba người đi 3 xe máy hướng từ Vĩnh Long về TP Cần Thơ. Trong đó; xe tôi chạy đầu tiên, xe chị Nhung chạy giữa, và xe em Linh chạy sau cùng, khoảng cách giữa 3 xe khá gần nhau, chúng tôi chạy ở lề phải của con đường với tốc độ bình thường.
Khoảng 13h, chúng tôi đến đoạn đường Quốc Lộ 1A thuộc Ấp Phú An-Xã Phú Thịnh-Huyện Tam Bình-Tỉnh Vĩnh Long, một xe khách Phương Trang (PT) mang số hiệu 51B-13870 do tài xế Nguyễn Văn Lang (sinh năm 1984) tuyến Sài Gòn – Cần Thơ ở đằng sau chạy vượt lên va chạm vào xe em Linh. Khi vừa nghe thấy tiếng “Rầm” sau vụ va chạm, tôi và chị Nhung lập tức quay lại nhìn và nhận ra xe máy bị nạn là của em Linh. Chúng tôi vội quay đầu xe chạy về phía em, lúc đó xe PT cũng đã dừng lại. Tài xế xe PT lúc này mở cửa xe trốn thoát khỏi hiện trường. Chị Nhung đỡ bé Linh còn tôi do nghĩ rằng em chỉ bị bất tỉnh chưa nguy kịch lắm nên vội chạy lên xe PT lấy chìa khóa xe giữ lại nhằm yêu cầu xe chịu trách nhiệm sau này.
Một lúc sau, có 2 người thanh niên chạy xe máy dừng lại, một anh trong đó (có lẽ học y vì anh mặc áo có túi để nhiều dụng cụ y khoa) đã nhanh chóng sơ cứu cho em Linh, anh xác nhận rằng em Linh đã tử vong tại chỗ. Nhưng tôi không tin và vẫn bám lấy hi vọng rằng em vẫn còn có khả năng cứu chữa. Khoảng 30p sau kể từ lúc tai nạn xảy ra, chúng tôi tưởng chừng đã mất hết hi vọng vì không liên lạc được xe nào để đưa đi cấp cứu thì một xe trung chuyển của PT chạy đến (có lẽ sau khi bỏ trốn khỏi hiện trường, tài xế Lan đã liên lạc nhà xe nên họ cử xe đến). Lúc này, chị Nhung ở lại hiện trường để chờ công an đến giải quyết còn tôi nhanh chóng đưa em Linh lên xe đưa đi cấp cứu. Anh Măng (tài xế xe trung chuyển PT) chở chúng tôi đến bệnh viện đa khoa Bình Minh – tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, bác sĩ vừa kiểm tra và thông báo rằng em đã chết trước khi đến bệnh viện rồi. Sau đó, bệnh viện chuyển em Linh đến một nhà kho (trong phòng đó có nhiều vỏ thuốc và dụng cụ y khoa).
Một lúc sau, công an đến, họ yêu cầu mổ để khám nghiệm tử thi. Tôi điện thoại xin ý kiến ba mẹ (lúc đó đang trên xe từ quê ở Cà Mau lên Vĩnh Long) thì ba mẹ không đồng ý vì thương em thể xác bất toàn.
Công an đồng ý chờ ba mẹ chúng tôi lên mới tiếp tục. Khoảng 7h tối, ba mẹ tôi lên đến bệnh viện. Công an tiếp tục yêu cầu mổ xác để khám nghiệm. Họ giải thích rằng có như vậy mới xác định được tình trạng tử vong cũng như phục vụ công tác điều tra. Cuối cùng, dù rất đau lòng, nhưng ba mẹ tôi đã đồng ý.
Sau khoảng 1 tiếng khám nghiệm xác em Linh, bên công an đưa tôi một tờ giấy ghi rõ tình hình thương tích trên cơ thể em và yêu cầu tôi ký xác nhận. Chúng tôi tiến hành thủ tục đưa xác em về. Và bên bệnh viện có thông báo rằng toàn chi phí vào viện đã được người đại diện nhà xe PT thanh toán rồi. Người đại diện cũng có chi trả chi phí đi xe của ba mẹ tôi từ Cà Mau lên Vĩnh Long, và thuê xe cho chúng tôi chở em từ Vĩnh Long về đến Cà Mau.
Về phía chúng tôi, xe đưa em về tới quê nhà ở Thị trấn Sông Đốc – Huyện Trần Văn Thời – Tỉnh Cà Mau lúc hơn 2h sáng Thứ 2-04/05/2015 và liên hệ làm thủ tục tang lễ cho em.
Từ khi vụ tai nạn xảy ra, người nhà của tài xế Lan (người gây ra tai nạn) đến chia buồn với gia đình. Ông đưa cho chúng tôi 15 triệu nói là phúng điếu cho em Linh
Đến chiều Thứ 3, 05/05/2015, một thanh niên xưng tên là Phạm Ngọc Quý, đại diện pháp lý của hãng xe PT đến. Sau khi chia sẻ nỗi đau với gia đình tôi, anh ta có đưa chúng tôi 10 triệu, anh nói đây chỉ là tiền phúng điếu của nhà xe PT. Gia đình chúng tôi cũng chỉ ký giấy xác nhận số tiền 10 triệu chỉ là tiền phúng điếu.
Biết rằng đây chỉ là một tai nạn không mong muốn, vì chẳng ai muốn gây tai nạn, cũng không ai muốn mình trở thành nạn nhân. Nhưng qua toàn bộ sự việc xảy ra, hãng xe PT làm chúng tôi vô cùng bức xúc bởi cách xử lý của họ:
1. Tài xế Lang – người gây ra tai nạn: ngay lúc tai nạn xảy ra, lẽ ra anh ta nên đưa em tôi lên xe chở đi cấp cứu (thì có lẽ vẫn còn một tia hi vọng) thì lại lập tức bỏ trốn khỏi hiện trường, để chúng tôi phải kêu cứu trong vô vọng.
2. Trong lúc lấy lời khai ở trụ sở công an tỉnh Vĩnh Long, tài xế Lan có khai rằng: xe anh đang lái với tốc độ hơn 70km/h thì xe em Linh xi nhan rẽ trái nên anh không tránh kịp mới gây ra tai nạn. Đây là một lời khai hoàn toàn sai sự thật vì lúc đó 3 chị em chúng tôi đang di chuyển từ hướng Vĩnh Long lên Cần Thơ (3 người 3 xe) nên không có lý do gì em Linh phải xi nhan rẽ trái quay xe lại.
Chúng tôi có chụp lại hình ảnh chiếc xe PT, biển số 51B-13870 đã gây tai nạn thì cho thấy dấu vết va chạm nằm phía trước bên phải mũi xe ô tô. Điều này chứng minh rằng xe ô tô PT biển kiểm soát 51B-13870 đã vượt từ phía sau lên và đâm vào xe máy của em Linh khi em Linh đang đi đúng phần đường bên phải của mình.
Tôi làm đơn này kính gửi các cơ quan có thẩm quyền hãy điều tra vụ tai nạn để trả lại sự khách quan, công bằng cho em Linh và gia đình chúng tôi. Đồng thời buộc nhà xe Phương Trang và tài xế Nguyễn Văn Lan phải bồi thường thỏa đáng cho gia đình chúng tôi.
Chúng tôi kính mong các cơ quan báo chí hãy tham gia điều tra và lên tiếng bênh vực gia đình chúng tôi.
Tôi xin trân trọng cảm ơn.
Vĩnh Long, ngày 28 tháng 05 năm 2015
Người làm đơn
Phạm Thị Ngọc Thúy