Nguyễn Thiện Nhân
(VNTB) – Sự bất bình, phẫn nộ đã phủ kín mạng xã hội và các blog sau khi bà Lê Thị Châm bị xe ủi cán đè qua người nguy kịch đến tính mạng. Trong khi phía chính quyền cho biết “sức khỏe bà Châm tạm ổn” nhưng những gì diễn trái ngược như thế: bà Châm đã chuyển từ BV tỉnh Hải Dương về BV Việt Đức. Không khí tan thương lan tỏa, thấm qua da thịt vào đến tận từng trái tim của con người.
Hai chục năm tích tụ, số dân oan bị cưỡng chế đất đai đền bù không thỏa đáng tăng lên đến mức báo động, hình thành nên cũng cuộc xô xát đẫm máu giữa người dân bị cưỡng chế đất và chính quyền. Một đoàn dân oan ngày ngày đang rong đuổi kêu oan khắp phố phường Hà Nội trong sự cưu mang của cộng đồng. Sự việc bà Châm là đỉnh điểm nhức nhối mà phần bất công dồn về phía người nghèo trong chính sách đất đai bất hợp lý cộng với lối hành xử bạo ngược của chính quyền nơi thu hồi đất.
Ngày nào tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ vang trời dậy sóng báo đài với cái kết là những năm tháng tù tội cho anh Vươn mặc dù khởi sự do những sai trái từ phía chính quyền huyện Tiên Lãng, tiếp theo là tiếng súng Đặng Ngọc Viết. Đã rất nhiều dân oan vào tù do chống lại sự cưỡng chế nhẫn tâm của kẻ cai trị. Điển hình là vợ chồng ông bà Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu ở Hà Đông, Hà Nội và ông bà Nguyễn Trung Can – Mai Thị Kim Hương ở Thạnh Hóa, Long An.
Quan chức chính quyền trơ trẽn phủ nhận
Sự việc diễn ra hãi hùng trước sự la ó kinh hoàng của hàng chục người, bằng chứng đã được quay rõ ràng cộng với những nhân chứng là chính những người bị cưỡng chế đất. Chiếc xe ủi xích sắt đã cán chèn qua từ phần ngực trở lên của nạn nhân. Thế nhưng quan chức vẫn chối quanh.
Trung tá Nguyễn Trọng Hiển – Phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng khẳng định: “ Không có chuyện xe ủi cán qua người dân, khi lực lượng công an huyện có mặt tại hiện trường thì nạn nhân Lê Thị Châm đã được người dân đưa đi viện. Tại hiện trường, qua xác minh cho thấy không có chuyện xe ủi chèn lên người bà Châm”.
Chủ tịch huyện Cẩm Giàng Vũ Hồng Khiêm khẳng định: “Đây là clip ghép”. Ông Khiêm cho hay, bà Châm ngã vào máy xúc và bị thương ở xương bả vai, đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Phương – Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh cũng khẳng định: “Làm gì có chuyện máy xúc chèn qua người dân”. Về clip được lan truyền trên mạng ông Phương cho biết “đang họp nên chưa có thời gian xem”.
Tình hình bà Châm khi đưa vào BVĐK tỉnh Hải Dương rất nguy kịch, khó qua khỏi. Thế nhưng ông Giám đốc bệnh viện Nguyễn Hữu Thắng lại thông tin rằng: “Bệnh nhân Lê Thị Châm hiện đã tạm ổn định về sức khỏe. Bệnh nhân bị đa chấn thương, gãy cổ xương cánh tay và xương hàm”.
Trong khi đó, những người chứng kiến kể lại như sau:
Ông Phương cho biết chiều ngày 9/7/ 2015, có 2 chiếc xe con chở người lạ đến quậy phá, đánh nhau với người dân. Đến sáng hôm sau tức là ngày 10/7/ 2015 lại cũng 2 chiếc xe đó tiếp tục đến và có đưa thêm xe ủi (xe xúc) vào gây sự, xô xát. Trong quá trình đó, bà Châm có ra ngăn chặn chiếc xe xúc và bị tài xế của chiếc xe xúc cho xe cán ngang người bà Châm.
Bà Dương Thị Hợi, khoảng 70 tuổi, chứng kiến sự việc kể lại: “Tối qua, Công ty thuê 12 xã hội đen về đánh một người của chúng tôi bị thương. Hiện nay ruộng đất của chúng tôi bị mất hết, bồi thường cho chúng tôi giá rẻ mạt, chúng tôi đi khiếu kiện nhưng đến giờ này vẫn chưa giải quyết. Họ cứ cố tình ép và lấy đất của chúng tôi. Tối qua đã xảy ra đánh nhau rồi. Sáng hôm nay, họ thuê 4 xe và 12 xe máy, cộng vào là 50 xã hội đen. Họ mang theo dao, kim tiêm, đầy đủ các vũ khí… chúng tôi không cho vào, họ cố tình vào lái xe máy xúc bánh xe xích vào ủi cờ thì cô Châm lao vào, lấy cờ, thế là bánh xe xúc đè lên cô luôn, chỉ còn 2 cái chân không. Bây giờ cô ấy hai bả vai và đầu vẫn rỉ máu, đang thoi thóp, sắp về thế giới bên kia rồi.”
Được biết, dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền . Năm 2008, Cty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư. Vào tháng 4/2015 đã chuyển cho Công ty TNHH VSIP Hải Dương (thuộc Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore). Hơn 100 hộ dân cương quyết không chấp nhận mức giá đền bù mà theo họ là “rẻ mạt” và đang đấu tranh đòi một mức giá cao hơn thì xảy ra sự việc đáng tiếc.
Số phận thương tâm của bà Châm sẽ đẩy sự đấu tranh “cứu lấy dân oan” lên cao trào để cuối cùng buộc nhà cầm quyền phải thay đổi nhận thức về chính sách về đất đai bất cập hiện nay.
Tham khảo: