(VNTB) – Vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Vĩnh Long, trong một diễn biến mới, mẹ của nạn nhân Nguyễn Ngọc Bảo Trân đã gửi đơn tố cáo tới Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao.
Theo lá đơn được viết nắn nót từng chữ, bà Nguyễn Thị Hiền tố cáo đích danh những cán bộ công an, VKSND ở địa phương vì cho rằng có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, bỏ lọt tội phạm, không truy tố người có tội trong tiến trình điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 khiến bé Trân, con của bà, tử vong.
Trở lại câu chuyện tai nạn giao thông đã xảy ra vào tháng 9 năm 2024, theo thông tin, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe tải vượt xe bán tải và xảy ra va chạm với em Trân, dẫn đến tử vong. Sau vụ tai nạn, cơ quan tố tụng huyện Trà Ôn đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” và “không có sự việc phạm tội”.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc (42 tuổi; cha ruột em Trân) nhiều lần đi khiếu nại với mong muốn làm rõ vụ tai nạn khiến con gái mình tử vong nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 28/4/2025, ông Phúc dùng súng bắn tài xế Trung rồi tự sát. Ông Phúc tử vong, còn ông Trung nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.
Ngày 7/5/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” – quy định tại khoản 1, Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan vụ tai nạn giao thông nói trên.
Ngày 26/5, Cơ quan điều tra VKSND thông báo tiếp nhận tố giác tội phạm. Nội dung tố giác về tội phạm thể hiện việc “tố cáo hành vi ra quyết định trái pháp luật và bỏ lọt tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn trong quá trình cơ quan này giải quyết tin báo “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” xảy ra ngày 4/9/2024 tại Tỉnh lộ 901, đoạn thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân” mà em Trân là nạn nhân.
Quy định không khởi tố vụ án khi “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” chỉ áp dụng khi xác định có tội phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Và chỉ khi đã chứng minh được người vi phạm phạm tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội hay người bị khởi tố về hình sự mới được xem là tội phạm.
“Tôi không phải luật sư, luật gia hay liên quan đến ngành luật. Nhưng tôi nghĩ thế này, cần phân biệt rạch ròi giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự trong vụ việc tai nạn ở Vĩnh Long. Lấy một ví dụ đơn giản, một vụ tai nạn xảy ra giữa hai người, một người có chất men trong cơ thể và một người vượt đèn đỏ. Vậy hành vi nào dẫn đến chết người? Có phải do vượt đèn đỏ không? Vậy thì ai mới là người vi phạm hình sự?”, độc giả bút danh An Nguyễn chia sẻ.
Trong một chia sẻ tương tự, theo tài xế NT: “Thường đi tỉnh, nhất là những con đường hẹp, để qua mặt một chiếc xe, tôi thấy nhiều xe đầu tiên là canh xem hướng ngược lại có xe hay không? Nếu có, họ sẽ nhường, trừ một số vẫn cố chấp vượt, bất chấp làn đường bên kia xe có chịu dừng hay không? Còn nếu không, họ sẽ xi nhan, bóp kèn, tăng ga vượt. Còn này, quan sát vụ việc trên báo chí, tại sao xe của tài xế Trung không chủ động nhường cho hai em học sinh đi qua rồi hãy vượt?”.
Mong rằng, với sự nghiêm minh của pháp luật sẽ xử lý vụ việc này với sự trắng đen rạch ròi, đem lại công bằng cho người đã mất…