Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xử phạt hành chính: có phải đang vì nguồn thu ngân sách?

Xử phạt hành chính

 

Song Minh

 

(VNTB) – “Kiến nghị tăng, bổ sung mức phạt hành chính nhiều lĩnh vực” là nội dung bài viết trên tờ Hà Nội Mới – cơ quan của Thành ủy thành phố Hà Nội. Theo luật sư Nguyễn Thanh Bình, đề xuất tăng này là theo mô hình của Trung Quốc.

 

Đề xuất tăng ra sao?

Bài báo trên tờ Hà Nội Mới (*) cho biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, Dự thảo lần thứ 5 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất hồi tháng 2-2020 có sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 24 về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:

a) Phạt tiền đến 30 triệu đồng: Hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại;

b) Phạt tiền đến 40 triệu đồng: An ninh trật tự, an toàn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính;

c) Phạt tiền đến 50 triệu đồng: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen (trừ nguồn gen giống vật nuôi); trồng trọt; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;

d) Phạt tiền đến 75 triệu đồng: Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội;

đ) Phạt tiền đến 100 triệu đồng: Đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an toàn thông tin mạng; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực…

Phạt hành chính là nhằm để nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật?

Luật sư Nguyễn Thanh Bình nhận xét rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam gần như chép lại Luật Xử lý vi phạm hành chính của Trung Quốc. Do đó không áp dụng nguyên tắc xác định mức độ tiền phạt áp dụng đối với hình thức phạt tiền cho các vi phạm hành chính – nói gọn là vi cảnh.

Theo luật sư Bình thì để đảm bảo tính nghiêm khắc và tính khả thi cho hình thức phạt tiền vi cảnh, đa số các nước đều áp dụng các nguyên tắc sau:

  1. Mức phạt tiền cao nhất áp dụng cho công dân không được quá 1/2 mức lương, hoặc mức thu nhập thấp nhất của người lao động có việc làm trong quốc gia, vùng hay tiểu bang.
  2. Mức phạt cao nhất phạt tiền vi cảnh không được ngang bằng hình phạt tiền thấp nhất trong bộ luật hình sự.
  3. Mức phạt tiền cao nhất có thể hoán đổi bằng số lượng X ngày lao động tự nguyện của cư dân tại cộng đồng, địa hạt để có thể áp dụng với người không có việc làm, người nghèo không có thu nhập.
  4. Mức phạt tiền cao nhất không được quá tỷ lệ X% áp dụng cho các hành vi trong một số lĩnh vực như kinh doanh thương mại, đầu tư, thuế…

“Có người băn khoăn cho rằng nếu vậy thì người nhiều tiền có thể sẵn sàng vi phạm hành chính đệ đạt lợi ích nào đó. Xin trả lời là để đảm bảo tính nghiêm khắc và răn đe, khi một công dân vi phạm có tính chất nguy hiểm hơn hoặc tái phạm thì chuyển sang nhóm tội phạm nhẹ: như khinh tội hay tội vi cảnh để toà án áp dụng chế tài hình phạt đối với người vi phạm, chứ không bao giờ được tăng mức tiền phạt tuỳ tiện như pháp Luật Xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam” – luật sư Nguyễn Thanh Bình biện giải.

Với những nguyên tắc trên, khi xử phạt, ai ai cũng có thể chấp hành, nộp phạt và không bao giờ chây ì. Mức phạt hoàn toàn nằm trong khả năng thu nhập của người bị phạt. Và với người giàu có dư dả tiền đóng phạt dù có cao bao nhiêu đi nữa, thì khi phải ‘đáo tụng đình’ bởi bản án của ‘nhóm tội phạm nhẹ’, sẽ là lo ngại hơn gấp bội của ‘án tích’; và họ sẽ hiểu sức mạnh đồng tiền vẫn có thể phải dừng nơi chốn công đường, nhất là công đường ấy ở một quốc gia có nền tảng của “pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” được ghi tại Điều 2.1, Hiến pháp 2013.

 

______________

Chú thích:

(*) https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/968104/kien-nghi-tang-bo-sung-muc-phat-hanh-chinh-nhieu-linh-vuc

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền cơ bản công dân đã Hiến định thì không thể hạn chế?

Phan Thanh Hung

Hà Nội xử phạt người đi bộ, nhiều người ngơ ngác

Phan Thanh Hung

VNTB – Suy nghĩ từ một tin tức ‘phạt vạ’ 25 triệu đồng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.