Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xuân Vũ: Đường Đi Không Đến

TS Phan Quang Trọng

 

(VNTB) – Xuân Vũ Một nhà văn hồi chánh, có sức sáng tạo tuyệt vời. 

 

Bài viết như một nén hương lòng nhân ngày giỗ Xuân Vũ.

Hai tuần sau tang lễ của Anh Xuân Vũ, tôi gọi điện thoại để xin gặp Chị vào một chiều Chủ Nhật. Bên kia đầu giây là tiếng nói của một phụ nữ lớn tuổi, tôi đoán là chị Xuân Vũ vì đã được tiếp chuyện với Chị hôm đám tang của Anh. Không rào đón, tôi nói rõ mục đích chuyến viếng thăm là để tìm hiểu về nhà văn Xuân Vũ. Trong đầu đã chuẩn bị tinh thần nếu Chị từ chối. Không ngờ Chị Xuân Vũ còn nhớ và mời tôi đến nhà. Tôi với tay quơ đại cuốn sổ tay, máy chụp và chạy nhanh ra xe. Ngoài trời mây mù vần vũ và mưa bụi. Đoạn xa lộ dài hơn 40 dặm từ nhà tôi trơn ướt và xe cộ như mắc cửi mà tôi lái không đến nửa tiếng. Bên tai còn nhớ câu dặn dò của Chị Xuân Vũ vì chắc nghĩ tôi ở gần “Tôi chờ cậu trước cửa” làm tôi chạy thục mạng.

Con đường Dugas dẫn đến nhà Anh Xuân Vũ thật thơ mộng, trải dài như mảnh lụa vắt qua một ngọn đồi nhỏ, hai bên là trường học, ao hồ, và công viên. Dưới chân đồi xa xa thành phố San Antonio đang bắt đầu lên đèn. Tôi nghĩ thầm chắc Anh Xuân Vũ đã từng đi lại trong cái công viên này để nhớ về bờ tre, bụi chuối, sông nước miền Nam quê nhà của anh. Đúng số nhà, tôi chạy xe vào sân và như chờ sẵn, ngọn đèn cửa và phòng khách được bật sáng. Hóa ra, Chị Xuân Vũ đợi ở cửa thật. Hơi do dự nhưng tự trấn tĩnh tôi rảo bước nhanh vào tiền sảnh căn nhà ấm cúng. Chị Xuân Vũ với nụ cười của người Mẹ hiền, trên tay đang bồng đứa cháu nhỏ, Chị gọi tôi nhanh bước vào nhà vì trời bắt đầu mưa nặng hạt.

Gặp Anh Xuân Vũ trong vô số những bình luận, biên khảo, tiểu thuyết, bút ký chính trị của Anh, nhưng chưa được tiếp chuyện trực tiếp với Anh trừ một lần đi tháp tùng theo hai vị lão thành (tôi sẽ kể buổi thăm viếng này trong một lần khác). Đến lúc được gặp Anh lần thứ hai thì Anh đã ra người thiên cổ. Tiếc cho mình không có cái duyên được biết thêm nhiều về ngòi bút hùng khí miền Nam như Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu ‘Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm’, mặc dù ở cùng thành phố. Theo những người thân quen của Anh Xuân Vũ, anh là người quý bạn bè. Họ kể: bạn bè đến thăm thì Anh dù ốm đau, bận bịu cũng tiếp đón bạn hữu tận tình, còn Chị thì cho thưởng thức những món đặc sản miền đồng bằng Nam Bộ. Theo dõi những mục do Anh làm “Cai Vườn Văn Nghệ”, tôi thấy Anh trả lời bạn đọc rất thân tình, đầy quý mến chân thật. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi chưa từng thấy nhà văn nào quý mến người đọc như Anh Xuân Vũ. Lúc biết Anh sống cùng thành phố, nên khi mua sách của Anh tôi hỏi thử anh chủ hiệu là người quen nhờ xin chữ ký của Anh trên sách làm kỷ niệm. Hầu như người độc giả vô danh này của Anh lúc nào cũng được toại nguyện. Chữ ký Xuân Vũ khí phách, hiên ngang nhưng trông hiền lạ, bên cạnh dấu triện son đỏ quý phái thỏa mãn được tật mê sách.

Tôi muốn được biết đời sống hàng ngày của Anh thế nào mà Anh có thể như con tằm có phép lạ nhả những sợi tơ óng ả bất tận trong hơn 50 năm qua. Rất may, Chị Xuân Vũ mặc dù không biết nhiều đến những công việc của Anh, đã có nhã ý cho tôi bản chính lá thư cuối cùng Anh định gửi cho một (hay nhiều) người bạn văn trong lúc nằm bệnh viện một tháng trước khi mất. Trong những dòng chữ viết li ti rất nhỏ (một thói quen có lẽ trong những năm tháng tập kết sống trên đất Bắc thiếu thốn giấy mực), anh viết “…tôi đã viết cùng biết bao nhiêu ngòi bút nhưng vẫn chưa hết cái tâm sự, ngay khi bắt đầu thấy yếu thì lại xông vào một đề tài gai góc mà các ông bạn tiều phu, đấng nghiệp bỏ dở như một cánh rừng chưa ai khai phá bằng văn học.” Cũng trong lá thư trên tôi đã thấy được phần nào cái năng lượng đã giúp Anh viết không mệt mỏi trong nhiều năm qua. Anh viết như thấy rõ giới hạn của một kiếp người, “tôi vẫn còn sáng suốt trong cái sứ mệnh của Nhà Văn (viết hoa) mà văn hào IIlya Ehrenburg(*) đã dạy khi tôi bắt đầu cầm bút (làm nhà văn).” Như vậy, đối với Anh Xuân Vũ viết không phải là công việc chỉ vị nghệ thuật như những nhà văn tháp ngà, hoàng phái . Viết với Anh là một sứ mệnh với mục đích rõ rệt. Viết chứ không lách, “văn dĩ tải đạo”, đúng truyền thống nho gia Nam Bộ:

 

“Tiếng Cụ Đồ ngâm ấm mái nhà tranh,

Đâm mấy thằng gian, chẳng tà ngòi bút.”

(Thơ Xuân Vũ, “Ta Về Hôn Đất”, 1991)

 

Anh Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, sinh ngày 19 tháng 3 năm 1930 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Năm 15 tuổi Anh đã theo một người cậu đi kháng chiến chống Pháp. Theo tiếng gọi của Mặt Trận Việt Minh, Anh tập kết ra Bắc năm 1955. Sau khi khám phá ra bộ mặt thật của CSVN anh tìm cách về lại Miền Nam theo đường bộ dọc Trường Sơn và ra chiêu hồi năm 1971. Trước ngày mất Miền Nam, Anh Xuân Vũ là Phó Giám Ðốc Trung Tâm Chiêu Hồi. Năm 1975, anh sang tị nạn tại Hoa Kỳ và sinh sống tại Tiểu bang Texas cho đến lúc mất vào ngày 1 tháng Giêng năm 2004, hưởng thọ 74 tuổi. Chị Xuân Vũ cho biết lúc mới dọn từ Corpus Christi về San Antonio, Anh Xuân Vũ thỉnh thoảng có hành nghề vẽ kỹ nghệ còn phần nhiều sống bằng ngòi bút. Hiếm có một nhà văn tại hải ngoại đã sống trọn đời cho cái nghiệp cầm bút như anh.

Từ sự yêu thích khởi đi từ “Đường Đi Không Đến” (ĐĐKĐ), tôi luôn mang trong người hình ảnh một Xuân Vũ trung niên, hào khí, mạo hiểm, yêu nước và lãng mạn. Tôi còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn về con ngựa và mớ cỏ non anh viết để mở đầu bút ký ĐĐKĐ về cái bánh vẽ khổng lồ đã đẩy hàng trăm ngàn thanh niên miền Bắc dấn thân vào cái lò thiêu người Trường Sơn không có lối về qua mỹ từ ‘giải phóng miền Nam’. Anh viết “con vật ngây thơ vẫn cố sức phi tới với chút sức tàn mong đớp được mớ cỏ. Có bao giờ lão chủ xe lại giải thích cho con vật thân yêu của lão vì sao nó chạy hoàì mà không ngoạm được mớ cỏ?” Lúc đó ở cái tuổi 40 với 25 năm lăn lóc trong chiến tranh với người CS, cái tâm tư của Anh Xuân Vũ quá đủ tư cách và thẩm quyền để đánh giá ‘cái lão đánh xe’ là đảng CS cầm quyền tại Miền Bắc bấy giờ. Thế hệ của Anh và nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc sau Anh đã mất tất cả, kể cả sinh mạng để đi tìm thiên đường như cái ‘mớ cỏ khô’ không bao giờ tìm thấy.

Sau này đọc lại bài viết của BS Lê Văn Lân về Anh tôi biết thêm về việc trở lại phía quốc gia của Anh cũng ly kỳ. Rất may phía quốc gia đã biết dùng tài của Anh không chút nghi kỵ để chúng ta có một nhà văn để lại hơn 70 tựa sách và những chứng liệu quý gia về giai đoạn chiến tranh quốc – cộng. BS Lân cho biết, Bác sĩ Hồ Văn Châm, nguyên Bộ trưởng Chiêu Hồi đã kể cho BS Lân rõ về trường hợp của Xuân Vũ như sau: “Vào thời điểm 1970- 1971, hạ tầng cơ sở Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hầu như tan rã. Xuân Vũ muốn bỏ ra đi, nhưng còn e ngại sợ bị chính quyền Cộng hòa ở địa phương khinh rẻ, đối xử như kẻ bại trận, phản bội. Vì vậy, Xuân Vũ nhờ người quen lặn lội lên Sàigon móc nối với đường dây bộ Chiêu Hồi để xin hồi chánh. Tôi bèn nhờ Trung tá Nguyễn Hữu Thiên là Giám đốc nha Công tác lái xe xuống Kiến Hòa đến điểm hẹn đón Xuân Vũ về Sài Gòn đưa vào gặp tôi. Những gì trao đổi giữa tôi và Xuân Vũ hôm đó, sau này Xuân Vũ viết thành ký sự “Phút giao cảm đầu tiên”. “Kể từ “Phút giao cảm đầu tiên“, Xuân Vũ đã tìm lại chỗ đứng trong lòng dân tộc, chen vai thích cánh với những người nặng lòng yêu nước thương dân, không còn cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa dòng người bon chen danh lợi. Giã từ hàng ngũ Cộng sản, Xuân Vũ trở thành người không Cộng sản, thậm chí trở thành người chống Cộng sản, và điều này bản thân Xuân Vũ ý thức đầy đủ rõ ràng về cả hai mặt tư duy và hành động.

Như tiếng nói thay cho bao nhiêu thế hệ đã bỏ thân mục rữa với lá rừng Trường Sơn hay ‘Sinh Bắc Tử Nam’ trên những chiến trường Miền Nam. Anh Xuân Vũ từ năm 1971 đến lúc mất, đã không mệt mỏi nói cho nhân loại biết sự tàn độc khủng khiếp của một thứ triết lý nguy hiểm và con người CS vong bản, nô lệ cho CS quốc tế. Cái bi kịch của người anh em phía bên kia đã được Xuân Vũ viết lại cho đến bây giờ vẫn còn sức lôi cuốn, vì được lấy ra từ vốn đời thực tế của Anh. Tại hải ngoại cũng như trong nước (qua đường dây sách chui), những nghệ phẩm của Anh Xuân Vũ, theo tôi được biết, là những sản phẩm trí tuệ được tìm đọc nhiều nhất. Bạn của Anh Xuân Vũ, Anh NVL đã viết “Xuân Vũ là một trong những nhà văn hiếm hoi tại hải ngoại sống bằng ngòi bút.” Tôi xin thêm, Xuân Vũ là một nhà văn hiếm hoi sống vì ngòi bút và cho lý tưởng của một nhà văn chân thật.

Trở lại ngày đến thăm gia đình Anh Chị Xuân Vũ, khi bước vào gian phòng đầu tiên của căn nhà nhỏ và ấm cúng của Anh Chị, tôi thấy hai tủ thờ lừng lững như chế ngự cả không gian của căn phòng. Trên bàn thờ còn vương khói hương là hình ảnh song thân và Ông Bà Nội Ngoại của Anh Chị Xuân Vũ. Nhìn kỹ tôi mới thấy hình của Anh, nhỏ nhắn và khiêm nhượng trước vong linh các bậc tiền bối của gia đình. Chị Xuân Vũ quả thật tế nhị. Nhìn bàn thờ gia tiên nhà Anh, tôi biết ngay Anh là người nặng tình với gia tộc:

 

“Mai này Xuân (viết hoa) vắng trên đồng lúa,

Thì Xuân đang ngự trên mây

Giữa trời Xuân hóa thêm hương sắc

Đền ơn Cha Mẹ, tạ ơn Thầy”

(Thơ Xuân Vũ, “Cuối Đời Hiu Quạnh”)

 

Chị Xuân Vũ cho biết thân phụ của Anh mất năm 1972 (một năm sau ngày Anh về hồi chánh), còn thân mẫu của Anh sống với gia đình Anh Chị cho đến lúc mất trong vài năm qua. Tấm hình để trên bàn thờ, Chị cho biết được chụp năm 2001. Tôi thấy mái tóc Anh còn đen nhánh, vầng trán cao, gương mặt phúc hậu và nghiêm nghị. Tôi thầm chào nhà văn “Đường Đi Không Đến” và thầm nghĩ bây giờ thì Anh “đường đi đã đến”. Trên bàn thờ tôi thấy Chị để một cassette nhỏ phát ra tiếng tụng kinh Phật râm ran. Được hỏi về sức khỏe của Anh, Chị Xuân Vũ cho biết Anh là người tương đối khỏe mạnh và vui sống. Với nước mắt ngắn dài, Chị cho biết Anh Xuân Vũ thường hay đùa về sức khỏe của Anh. Gần đây khi đi khám bệnh về, Anh Xuân Vũ cười vui nói giỡn với Chị “Bác Sĩ nói tim Anh phải đập ít nhất 20 năm nữa”. Tôi tin trái tim tôn trọng sự thật, nhân bản, yêu nước của Anh không bao giờ ngừng đập trong chúng ta mỗi khi đọc lại những nghệ phẩm của Anh.

 

“Nghe lòng ta phượng múa rồng bay

Hồn tổ tiên như những đóa mây

Ta ngước lên tràn đầy nước mắt

Ta hôm nay tuổi đời chất ngất

Như ta sống lại tuổi ấu thơ

Nhịp võng trưa tiếng hát ầu ơ

Ngậm vú Mẹ tai lắng nghe Quan Họ”

(Thơ Xuân Vũ, “Ta Về Hôn Đất”, 1991)

 

Sau khi thắp nén nhang cho Anh. Chị Xuân Vũ như hiểu ý thằng em nhỏ nên mời tôi vào xem phòng làm việc của Anh. Gian phòng độ ba thước rộng và năm thước dài. Trên bàn làm việc tôi thấy hình Chị Xuân Vũ giữa hàng chồng sách báo, bản thảo, thư từ. Nhìn qua bên kia tôi thấy một hình vẽ sơn dầu Đức GiêSu được treo trên lò sưởi. Bên cạnh hàng hàng lớp lớp sách và sách là một cái gường nhỏ. Trên đầu gường của Anh tôi cũng thấy toàn sách, Chị Xuân Vũ hình như cố ý để căn phòng y như lúc Anh còn sinh tiền. Chị Xuân Vũ cho biết Anh thích nằm đọc sách và viết lách sinh hoạt trong ngày phần lớn là ở căn phòng này. Mặc dù sống tại địa phương lâu năm, tôi hiếm thấy Anh xuất hiện trong những sinh hoạt, lễ hội của người Việt. Chị cho biết Anh rất quý thời giờ, sợ như không đủ thời giờ để viết những gì mình mong muốn viết, nên Anh rất ít khi đi ra khỏi nhà.

Ở cái tuổi ‘thất thập cổ lai hy” mà Anh còn làm việc rất chăm chỉ. Anh viết đều đặn 8 tiếng mỗi ngày như một công chức. Tôi được biết Anh sắp viết xong một trường thiên về Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và một số tác phẩm về địa linh nhân kiệt Miền Nam. Sức làm việc của Anh quả ‘danh bất hư truyền’. Đóng góp với đời hơn 70 tựa sách và hàng ngàn bài bút ký đăng trên báo chí hải ngoại. Ở trong phòng làm việc của Anh, giữa chồng sách vở ngổn ngang, tôi nghĩ Anh còn muốn viết, viết nhiều lắm. Trong đoạn cuối lá thư viết trong bệnh viện tháng 12, 2004, anh tâm sự khiêm nhường với bạn “còn cây bút của nhà văn thì quá nhỏ bé so với thiên nhiên”. Cây bút của Anh đối với chúng ta thật quá lớn. Xin cảm ơn Nhà Văn Xuân Vũ đã để lại cho đời những văn phẩm quý giá và đặc biệt một tấm lòng trung trinh với vận mệnh dân tộc. Chúc Anh an nhiên nơi cõi vĩnh hằng.

 

“Ta hôm nay đứng giữa đất trời

Dứt kiết lưu vong, lang bạt quê người

Lau nước mắt ly biệt

Ta quỳ hôn đất

Tạ Ơn Chúa, ơn Trời, ơn Phật”

(Thơ Xuân Vũ, “Ta Về Hôn Đất, 1991)

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nguyên Ngọc 

Do Van Tien

VNTB – Củ Chi và Wikipedia

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo.

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 07.03.2024 1:06 at 13:06

“con người CS vong bản, nô lệ cho CS quốc tế”

Theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, họ là Nguyễn Trọng Vĩnh, Văn Cao, Trần Độ, Trần Quốc Hoàn, Lê Phú Khải, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt, Hoàng Tụy, Nguyễn Trung, Nguyễn Trung Thành, Tố Hữu, Huy Tưởng, …

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo