Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – “Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
có còn bay trong đêm,
sớm mai còn giữ được màu đỏ ?”
(Nguyễn Khoa Điềm)

Đôi lời giới thiệu
Khác với lời thơ nồng nàn khắc khoải ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANHcủa cô giáo Trần Thị Lam tóc xanh đang gây bão xướng hoạ bằng thơ và cả bằng tiếng đàn tiếng hát, trên mọi trang mạng, bài thơ ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN của Nguyễn Khoa Điềm với giọng điệu trầm tư của người cao tuổi tóc bạc, nhỏ nhẹ mà da diết…
Nguyễn Khoa Điềm và Trần Thị Lam – hai sinh viên cách nhau non nửa thế kỷ ra đi từ một khoa Văn, cùng trăn trở một chủ đề thơ ĐẤT NƯỚC.
Nhiều thế hệ còn nhớ bài thơ ĐẤT NƯỚC nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xuất bản năm 1971 (rút trong trường ca Mặt đường khát vọng) … Từ ấy đến nay đã hơn bốn chục năm trôi qua, lời thơ ĐẤT NƯỚC thủ thỉ tâm tình yêu nước thuở nào đã chuyển hoá thành ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN- buồn rũ rượi. Hai bài thơ về đất nước bao quát một đời thơ đời chính trị gia, hai cột mốc, một hành trình tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm- cựu sinh viên Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi từ chiến trường về (1975) Nguyễn Khoa Điềm đi học Lý luận cao cấp chính quy ở Trường Nguyễn Ái Quốc trung ương, về quê làm giám đốc Sở Văn hóa Trị Thiên- Huế, rồi cất lên Bộ trưởng Bộ văn hoá thông tin, rồi Uỷ viên Bộ CT, Bí thư, Trưởng ban Tư tưởng văn hoá trung ương, kiêm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Rồi nghỉ hưu… và không bao giờ bước lên Lễ đài Hà Nội nữa.
Bài thơ “Đất Nước” (1971) của Nguyễn Khoa Điềm bao nhiêu năm qua hiện vẫn nằm trong sách giáo khoa Văn 12, đã từng được chọn rất nhiều lần làm đề thi Tú tài và đề thi Đại học, Cao đẳng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần chọn “Đất nước”làm đề thi tuyển sinh
Các bạn học sinh trung học từng thuộc lòng khổ thơ sau mở đầu bài ĐẤT NƯỚC của Nguyễn Khoa Điềm:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”
Ngỡ ngàng đọc lại những vần thơ BUỒN năm 2013 của Nguyễn Khoa Điềm:
Chợt nghĩ, một ngày đẹp trời nào đó, bài thơ ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN sẽ được đưa vào sách giáo khoa Văn thay thế “Đất nước 1” ngày xưa của cùng tác giả, và sẽ được đặt tên là “Đất Nước 2”.
Buồn bực về thế sự nhiễu nhương, sực nhớ có nhà mỹ học nói “Chỉ có nỗi buồn mới cứu được nỗi buồn”. Vậy ta mượn bài thơ thật BUỒN của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà tự cứu mình vậy.
ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác.
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
có còn bay trong đêm,
sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
ngước mắt, tin yêu mọi người.
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …
(NKĐ ngày 22.4.2013)
XƯỚNG VÀ HỌA
Nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận được bài thơ do tác giả NKĐ gửi tặng và bọ Lập ghi cảm nhận trên blog QUÊ CHOA như sau: Nhớ Điềm đã viết “Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ vô tư quá để bây giờ xao xuyến… tự nhiên thấy cay cay đầu sống mũi. “
Nhà thơ Lê Duy Phương viết đôi lời tâm tình phụ họa và cảm thông chia sẻ::
Điềm ơi !
Khi Điềm còn ở trên cao
Cái buồn thế sự đã vào chúng tôi
Bây giờ trời đã chiều rồi
Ngẫn ra thì muộn, khóc cười làm chi
Phố phường vẫn lắm người đi
Hoa vẫn nở chẳng có gì khác đâu
(Trang trannhuong.com)
Và đây, bài thơ Phản Họa khắc nghiệt cay cú của Thảo Dân
ĐẤT NƯỚC NHỮNG NĂM THẬT BUỒN
(kính tặng ông Nguyễn Khoa Điềm)
Thảo Dân
Đất nước những năm thật buồn.
Bắt nguồn từ ngày ta làm quan chức
Lần mò trong trái tim đang đau nhức
một sự tốt lành ta làm được tháng năm qua.
Xung quanh yên ắng cả
Mình ta ngồi đối diện với lương tâm
Người giàu ngủ vênh vang
Người nghèo ngủ vùi
Cả bầy ve vừa lột xác
Ta có là loài vừa lột xác như ve ?
Ngày ta làm quan chức
Ta ký lệnh đốt sách
Ta lấy băng keo bịt mồm
Ta giơ tay biểu quyết
tống Tự Do vào trại giam.
Ngày ta làm quan chức
sao không một lần sám hối?
Giờ đối diện với nấm mồ
lại sám hối?
Những cây thông trên núi Ngự Binh
Lủng lẳng treo những linh hồn vô tội
Nhiều như mắt lá
Hỡi những linh hồn vô tội
Có tin được không sự sám hối muộn mằn?
(Nguồn: trang vanchuong+ )
Kết
Một nhà thơ, cũng như một trí thức, đem thân mình trải qua những chặng đường khác nhau của lịch sử. Nhận thức của họ biến đổi theo thực tiễn, đó là chuyện thường, và chúng ta cần trân trọng những gắng sức trong cuộc giằng xé nội tâm đau khổ của họ.
Thơ phản họa kiểu như Thảo Dân chỉ là lời cay cú xỉ vả nhiếc móc, và như thế không phải là thơ. Thơ chân chính cần hướng tới CHÂN- THIỆN- MỸ với lòng vị tha, vì sự tiến bộ.
Chủ nghĩa cộng sản đang tỏ ra lố bịch kệch cỡm hơn bao giờ.
Và nó đang được/bị nhận thức lại, ắt phải dẫn tới sự tự hủy.
Một quá trình thay đổi mạnh mẽ và tất yếu, xin mọi người hãy ủng hộ.
Chú thích:
Cũng cần nói thêm về truyền thống gia đình Nguyễn Khoa Điềm: thân phụ của ông là Nguyễn Khoa Văn (1908 – 1954) nổi tiếng với bút danh Hải Triều một nhà báo, nhà lí luận mác xít, nhà phê bình văn học Việt Nam, đặc biệt qua hai cuộc tranh luận gây được tiếng vang lớn vào thập niên 1930: Duy vật hay duy tâm và Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh ?, đả kích những cây bút lãng mạn lừng danh như Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư… Ông được coi là một chiến sĩ văn nghệ buổi đầu xây dựng nền văn nghệ Đảng, là bậc đàn anh lý luận của trùm lý luận Trường Chinh. Cây bút Hải Triều thấm nhuần quan điểm Mác- Lê quá sớm đã từng đè bẹp nhiều quan điểm văn nghệ tự do từ trong trứng nước].