Việt Nam Thời Báo

VNTB – Yêu nước nhưng sao vẫn trốn nghĩa vụ quân sự

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Một số thanh niên Việt Nam không trốn nghĩa vụ vì cho rằng quân đội hiện nay không bảo vệ Tổ quốc mà chỉ bảo vệ đảng.

 

 

Tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ

Mới đây, một huyện tại Ninh Bình đã xử phạt 77 trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự với tổng số tiền lên tới 2,3 tỷ đồng. Ngoài phạt tiền, những thanh niên này vẫn bị buộc phải chấp hành nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định và có nguy cơ bị phạt tù nếu tiếp tục trốn nghĩa vụ.

Bất chấp án phạt rất nặng nề, nhưng thanh niên Việt Nam vẫn tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ. Chiêu thức thường được dùng nhiều nhất là làm tiểu xảo thay đổi tình trạng sức khoẻ của bản thân. Những thanh niên này thường giả cận, hoặc nhịn ăn, uống cà phê liên tục khiến cho tăng huyết áp để bác sĩ đánh rớt nghĩa vụ.

Nhiều trường hợp lách luật bằng cách chuyển nơi cư trú, xuất khẩu lao động hoặc học lên đại học để được tạm hoãn nghĩa vụ. Sau đó lập gia đình để có thể trốn luôn nghĩa vụ. Thậm chí có những thanh niên cố tình vi phạm pháp luật với các tội nhẹ như “cờ bạc”, “tụ tập gây rối trật tự công cộng”, để có “tiền sự” nhằm trốn nghĩa vụ.

Ngoài ra cũng có người “chạy tiền” cho cán bộ quân đội để được miễn nghĩa vụ quân sự. Có một tình trạng mà dư luận thường hay nhắc tới là chỉ có con nhà nông dân, gia đình nghèo mới “bị” nhập ngũ; còn con nhà giàu thì không phải đi nghĩa vụ. Ví dụ năm 2017, phó chỉ huy trưởng ban Chỉ huy Quân sự xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đã bị bắt giam vì bị phát hiện nhiều lần nhận tiền để chạy miễn nghĩa vụ cho con cái những gia đình có điều kiện.

Đi bộ đội không phải bảo vệ tổ quốc lại không có tương lai

Theo luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với mọi công dân Việt Nam từ 18-27 tuổi. Tuy nhiên có một số trường hợp được miễn trừ như cận thị, bệnh xã hội, trình độ văn hoá dưới lớp 8. Hoặc đang học cao đẳng, đại học thì được tạm hoãn.

Nhưng việc gọi nghĩa vụ cũng có căn cứ vào số lượng tại từng địa phương. Cho nên không phải tất cả mọi nam thanh niên đều phải nhập ngũ. Điều này dẫn tới sự thiếu công bằng và nhiều tiêu cực, chạy tiền để lách luật, trốn nghĩa vụ.

Một trong những lý do khiến cho người dân tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ quân sự là tình trạng thanh niên chết bất thường sau khi nhập ngũ diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Hầu như năm nào cũng có một vài vụ chiến sĩ bộ đội chết trong doanh trại quân đội. Các vụ án đều có dấu hiệu bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng không được cơ quan chức năng điều tra rõ ràng khiến cho người dân mất hết niềm tin vào quân đội cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, các thanh niên gặp khó khăn trong việc làm. Hầu như chỉ có thể xin đi làm bảo vệ, chạy xe ôm công nghệ, hoặc phải học lại đại học để có thể tìm kiếm việc làm phù hợp. Như vậy nghĩa vụ quân sự sẽ khiến lực lượng trẻ mất đi cơ hội phát triển bản thân trong giai đoạn sung sức nhất, và còn đối diện với nguy cơ bị đày đoạ, đánh đập, tra tấn đến chết trong quân đội.

Ngoài những lý do trên, một số thanh niên Việt Nam không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự vì cho rằng quân đội hiện nay không bảo vệ Tổ quốc mà chỉ bảo vệ đảng.

Anh L.D., nói với phóng viên VNTB “tôi sẵn sàng cho con tôi và chính tôi cũng sẽ cầm súng khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng bây giờ tôi thà chạy tiền cho con tôi trốn nghĩa vụ, vì đi bộ đội hiện nay là để phục vụ không công cho quan chức tướng tá. Quân đội mà làm kinh tế, bán đất phá rừng thì quân đội đó đâu có bảo vệ Tổ quốc, mà họ chỉ bảo vệ cái ghế của họ, bảo vệ chế độ, đảng phái và quyền lực của họ. Người dân chúng tôi sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, nhưng không bao giờ thí mạng để bảo vệ đảng”.

_______________

Tham khảo:
https://laodong.vn/phap-luat/mot-huyen-o-ninh-binh-phat-77-truong-hop-gan-23-ti-dong-vi-tron-nghia-vu-quan-su-1289490.ldo

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tăng lương công chức 30%: tăng giá chạy biên chế và nguy cơ vỡ nợ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Gần 18.000 cán bộ bị kỷ luật vẫn không làm trong sạch bộ máy độc tài

Do Van Tien

VNTB – Nhà ở xã hội: ảo tưởng hại dân hại nước

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.