VNTB – Có lẽ cụ Tổng – Chủ vừa sảy lời!?

VNTB – Có lẽ cụ Tổng – Chủ vừa sảy lời!?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý “Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau.” Bởi vậy, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ, phương châm là bình tĩnh lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa – https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-an-kien-la-van-bia-con-de-lai-doi-sau-616467.html

Phát biểu nói trên được ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại buổi họp hôm 14-2, có nội dung “Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng, gửi đại hội đảng bộ cơ sở đóng góp ý kiến”.

Thành ngữ có câu “Khôn làm văn tế, dại làm văn bia”.

“Khôn văn tế, dại văn bia” hay “khôn văn ai, dại câu đối” hàm nghĩa viết văn tế dễ thành công, còn văn bia và câu đối thì ngược lại. Quan niệm này không phải không có cơ sở, nhất là khi nhìn các thể loại trên ở phương diện “hành chức” của nó.

Trong đám tang, trong lễ truy điệu hay trong không khí tưởng niệm, người ta ở trong trạng thái cảm xúc đặc biệt, bởi vậy có những bài văn tế không đặc sắc lắm cũng có thể tạo được ấn tượng đáng kể. Có trường hợp đọc xong bài văn tế người ta “hóa” luôn bởi thế nên ấn tượng xúc động thì được lưu giữ, còn không ai có chứng tích để chê.

Văn bia và câu đối thì trái lại, có thể được khắc vào gỗ, tạc vào chuông đồng bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt, tha hồ chịu đựng sự bình phẩm của lý trí tỉnh táo, bởi vậy nhận được lời khen của người đời thật khó.

“Văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”

Tuy nhiên, một khi văn tế, văn bia, câu đối đều tồn tại dưới dạng các trước tác thì không thể loại nào được nương nhẹ hay bị nhìn nhận khắt khe hơn. Chỉ tồn tại được với lịch sử văn học dân tộc, những tác phẩm thể hiện những tư tưởng tình cảm có ý nghĩa xã hội lớn, trong hình thức ngôn từ giàu tính thẩm mỹ. Về tầm ngữ nghĩa mỹ học đó, cho thấy văn kiện đảng không hề cùng đại lượng với văn bia để mà so sánh.

Nói theo cách dân dã, các cụ mình có câu khôn văn tế, dại văn bia. Văn tế tế xong, được ‘hóa’, tức đốt như thứ ‘vàng mã’. Hay dở gì chỉ có quỷ thần chứng giám. Còn văn bia với nhiệm vụ nhọc nhằn hơn, với chức năng lưu danh cho hậu thế cà phương danh lẫn xú danh – tiếng thơm cùng điều dở, cứ trưng chình ình ra hết đời này đến đời nọ, trước sự soi chiếu của bàn dân thiên hạ lại càng cẩn trọng bội phần. Xưa đã thế và nay lại càng hơn thế!

Trong cách hiểu mộc mạc dân dã ấy, phải chăng một khi văn kiện đảng là văn bia như lời của ông Nguyễn Phú Trọng, thì chẳng phải chờ, phải đợi chi đến người đời sau, mà ngay bây giờ thiên hạ đã có thể ‘ném đá’ với tất cả các quyền biểu cảm mang tính mặc định của quyền dân sự mà nhà nước Việt Nam vừa cam kết trong thỏa thuận khi ký kết EVFTA.

Có người cà rỡn: Văn kiện soạn khi uống bia say gọi là văn bia đấy!.

Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Có lẽ cụ Tổng – Chủ vừa sảy lời.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)