Một nhóm lưỡng đảng các thành viên Hạ viện Mỹ vừa giới thiệu một đạo luật về nhân quyền Việt Nam nhằm buộc các quan chức của quốc gia cộng sản Đông Nam Á “phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đồng thời giúp ưu tiên bảo vệ các quyền tự do và phát triển nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.”
Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, HR 3001, do các dân biểu Chris Smith, thành viên đảng Cộng hoà đại diện bang New Jersey, và bà Zoe Lofgren cũng như ông Alan Lowenthal, đều là đảng viên Dân chủ và cùng đại diện bang California, đồng chủ trì và được đưa ra ngay trước ngày Nhân quyền cho Việt Nam 11/5.
“Tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet, các công đoàn độc lập, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bị buôn bán, và những tiến bộ trong nhà nước pháp quyền phải là những thành phần thiết yếu của bất kỳ nỗ lực nào do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đảm bảo rằng Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” Dân biểu Smith, người đã chủ trì 11 buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam, nói trong thông cáo đưa ra hôm 6/5 khi công bố về đạo luật lưỡng viện.
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường bị các chính phủ phương tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích, nhưng Hà Nội từng lên tiếng phản bác. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “tồi tệ về nhiều mặt”, từ tự do ngôn luận cho đến tự do tôn giáo, trong đó Đảng Cộng sản duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe doạ sự lãnh đạo của đảng.
“Đáng buồn thay, chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất và ngang nhiên từ chối tôn trọng các quyền mà công dân Việt Nam được hưởng theo luật pháp của họ,” Dân biểu Lowenthal, đại diện Quận 47, nói trong thông cáo. “Đạo luật này cho chính phủ Việt Nam thấy rằng chúng tôi không chỉ theo dõi mà sẽ còn tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền của người dân Việt Nam.”
“Đạo luật Nhân quyền Việt Nam của các thành viên lưỡng đảng chúng tôi sẽ giúp cung cấp cho người dân Việt Nam những công cụ và thông tin mà họ cần để đấu tranh cho sự thay đổi từ bên trong, và nó sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo,” Dân biểu Lofgren, người đại diện cho Quận 19, nơi có một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Mỹ đang sinh sống, cho biết trong thông cáo đưa ra cùng ngày 6/5.
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 30/3 cho rằng Việt Nam, quốc gia đang nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Hoa Kỳ, là nước độc tài dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Cộng sản và có nhiều vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý.”
Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản bác các báo cáo nhân quyền của Mỹ và các tổ chức quốc tế và khẳng định rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.”
Cùng nhận được sự bảo trợ của các dân biểu khác như Lou Correa, thành viên đảng Dân chủ đại diện Quận 46 ở California, Young Kim và Michelle Steel, đều là thành viên đảng Cộng hoà đại diện lần lượt Quận 39 và 48 ở California, đạo luật lưỡng đảng này sẽ cho phép Hoa Kỳ áp chế tài lên các quan chức Việt Nam và những người vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế công nhận, đặc biệt bao gồm những sự vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại với các quốc gia trên thế giới và trong cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu của Washington.
Dân biểu Smith, tác giả của dự luật này, trước đây từng ba lần giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam ra Quốc hội Mỹ. Các phiên bản trước đều được Hạ viện Mỹ thông qua khi nhận được sự ủng hộ áp đảo từ các thành viên lưỡng đảng nhưng đều bị đình trệ tại Thượng viện.
Đây là nỗ lực mới nhất của Dân biểu Smith, người từng là chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Hạ viện Mỹ, nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
“Dự luật này gửi đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ rằng một Việt Nam tự do hơn – quốc gia có tiềm năng là một mỏ neo chiến lược của khu vực và một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ – là lợi ích quốc gia quan trọng đối với Mỹ,” Dân biểu Smith nói trong thông cáo.
Việt Nam chưa có phản ứng ngay về việc công bố Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, nhưng Hà Nội trước đây từng nói rằng báo cáo về nhân quyền của Mỹ là “không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.
Ngày Nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức hàng năm vào 11/5 tại Mỹ sau khi được chỉ định bởi một Nghị quyết chung do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 1994