VOA – RSF yêu cầu Việt Nam tiết lộ số phận blogger bị bắt cóc ở Thái Lan sau khi hết hạn tạm giữ

VOA – RSF yêu cầu Việt Nam tiết lộ số phận blogger bị bắt cóc ở Thái Lan sau khi hết hạn tạm giữ

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) hôm 27/4 kêu gọi chính phủ Việt Nam làm rõ về tình trạng mất tích của một blogger Việt Nam cách đây hai tuần tại Thái Lan. Tổ chức này cho rằng gần như chắc chắn blogger này đã bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc với sự đồng lõa của các quan chức Thái Lan.

Nhà báo tự do và blogger Đường Văn Thái đã mất tích vào ngày 13/4, mà bạn bè và những người quen biết cho là ông bị bắt cóc gần nhà ông ở tỉnh Pathum Thani, miền trung Thái Lan, nơi ông đến tị nạn bốn năm trước để thoát khỏi tình trạng đàn áp các nhà báo độc lập tại Việt Nam.

Cho tới nay, thông tin chính thức duy nhất về ông Đường Văn Thái là bản tin được đăng hàng loạt trên báo chí chính thống rằng công an Hà Tĩnh vào ngày 14/4 phát hiện một đối tượng “không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1” và “đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái”.

Kể từ đó, chính quyền Việt Nam không đả động gì đến số phận của nhà báo-blogger này, mặc dù theo Luật tố tụng Hình sự của Việt Nam, họ phải trả tự do cho ông hoặc chính thức buộc tội ông trong vòng 9 ngày. Thời hạn này đã hết hạn vào ngày 23/4 mà không có tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền Việt Nam về tình trạng của ông Thái.

“Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam trả lời một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Đường Văn Thái đang ở đâu? Một mặt, mọi thứ cho thấy ông đã bị bắt cóc ở Thái Lan bởi các đặc vụ Việt Nam. Mặt khác, việc ông bị bắt vì nhập cảnh trái phép từ Lào có tất cả các dấu hiệu của một nỗ lực thô thiển nhằm gây nhầm lẫn vấn đề. Và giờ đây, công an thậm chí còn không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy. Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ coi thường khủng khiếp của một chính phủ nắm giữ pháp quyền và tự do báo chí”, ông Daniel Bastard, Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo.

Tổ chức này cho biết họ đã liên hệ với trụ sở công an tỉnh Hà Tĩnh, nơi được cho là đang giam giữ ông Thái, nhưng không nhận được câu trả lời, sau 3 ngày hết hạn phải trả tự do hoặc buộc tội ông Thái theo luật.

Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu), một trong những blogger có nhiều thông tin nội bộ chính trị Việt Nam hiện đang sống ở Đức, cho rằng “Khả năng Đường Văn Thái nguy hiểm tính mạng”.

Trước đó vào ngày 19/4, ông Hiếu nói với VOA rằng theo những thông tin ông nhận được thì ông Đường Văn Thái “bị đánh thuốc mê” nên chưa thể tỉnh lại. Bởi vậy, phía nhà chức trách Việt Nam không thể cung cấp cho báo chí Việt Nam một tấm ảnh nào khi thông tin về vụ bắt giữ.

Các nguồn tin mật nói với RSF rằng vụ bắt cóc ông Thái mang dấu ấn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong nội bộ đảng dẫn đến việc thay thế chủ tịch nước vào tháng trước.

RSF nói ông Trọng đã giữ vai trò lãnh đạo đảng quá lâu đến nỗi giờ đây ông ta đang ở nhiệm kỳ thứ ba, điều mà không một người tiền nhiệm nào của ông dám làm, và có một vị trí nổi bật trong danh sách những kẻ săn lùng tự do báo chí của tổ chức này.

Vì ông Thái có những nguồn tin mật từ cấp cao của Đảng Cộng sản nên ông đã đưa nhiều thông tin dưới dạng các bài viết và video về tham nhũng và tranh giành quyền lực trong đảng. Điều này khiến cho tổng bí thư có mọi lý do để nhắm vào ông, vẫn theo RSF.

Ông Đường Văn Thái đã được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Bangkok trao quy chế tị nạn vào năm 2020.

RSF cho biết họ đã gửi một văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ Thái Lan cung cấp thông tin về vụ bắt cóc ông Thái vào ngày 20/4 nhưng Bộ này không trả lời RSF.

Ông Đường Văn Thái không phải là trường hợp đầu tiên một nhà báo nước ngoài tị nạn ở Thái Lan bị cưỡng chế “trục xuất” về nước họ với bất kỳ hành vi phạm tội cụ thể nào tại Bangkok.

Ông Trương Duy Nhất, một cộng tác viên Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do, đã bị bắt cóc ngay trung tâm Bangkok vào tháng Một năm 2019. Ngày 9/3/2020, ông bị kết án 10 năm tù tại Việt Nam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vào năm 2016, Li Xin, một nhà báo Trung Quốc đã trốn sang Thái Lan sau khi làm việc cho nhật báo Nanfang Dushi Bao, đã bị bắt cóc khi đang đi trên chuyến tàu từ Bangkok đến đông bắc Thái Lan mặc dù ông đã định xin tị nạn. Ông này đã bị đưa trở lại Trung Quốc và bị bỏ tù.

Năm 2015, một nhà xuất bản Thụy Điển gốc Hoa, Gui Minhai, đã bị bắt cóc khi đang ở tại Pattaya, một khu nghỉ mát trên bãi biển của Thái Lan, và cuối cùng xuất hiện trở lại vài tháng sau đó để buộc phải nhận tội trên kênh CCTV của nhà nước Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc kết án ông này 10 năm tù vào ngày 24/2/2020, vì tội “cung cấp thông tin tình báo bất hợp pháp” cho nước ngoài.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 11 months

    Lẽ nào lại “treo cổ tự tử” trong đồn công an?